KIS: Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu PNJ
Thị trường trang sức Việt Nam phân mảnh cao với khoảng 80% thị phần thuộc các cửa hàng nhỏ lẻ, là cơ hội cho các chuỗi bán lẻ lớn như Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) (hiện chỉ mới chiếm thị phần ước tính 5,6%).
Bên cạnh đó, Thông tư 22/2013 siết chặt quy định về chất lượng sản phẩm trang sức, giúp tăng năng lực cạnh tranh của PNJ (doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chuỗi lớn nhất Việt Nam) so với các cửa hàng nhỏ.
Về phía PNJ, Công ty sẽ đẩy mạnh việc phát triển chuỗi bán lẻ trong các năm tới. Đến cuối năm 2016 thì PNJ có 219 cửa hàng, lớn gấp 4,6 lần doanh nghiệp thứ hai. Đồng thời, PNJ sẽ chú trọng phát triển kinh doanh trang sức trong các năm tới, mang lại lợi nhuận gộp cao hơn.
Trong dài hạn, văn hóa tích trữ vàng và sử dụng vàng trang sức của người dân Việt Nam đảm bảo thị trường ổn định cho PNJ.
Tuy nhiên, bất lợi đối với PNJ là kim cương, đá quý và vàng, có giá cả biến động lớn lại chiếm 90% chi phí sản xuất của Công ty.
Trong khi đó, việc không được nhập khẩu vàng để chế biến trang sức làm hạn chế khả năng kinh doanh của PNJ do không chủ động được nguồn nguyên liệu.
Một điểm bất lợi khác ở PNJ là nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại sau khi tăng trong 5 năm liên tục. Cụ thể, nhu cầu trang sức Việt Nam trong 9 tháng 2016 là khoảng 11.5 tấn, giảm 1,5% so với năm trước.