FPTS: Khuyến nghị mua vào TRA
Chúng tôi tiến hành định giá lần đầu cổ phiếu TRA của CTCP Traphaco. Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn chưa phản ánh đầy đủ giá trị hợp lý của cổ phiếu TRA do nhiều quan ngại về kết quả kinh doanh sụt giảm trong nửa đầu năm 2014. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng TRA sẽ hoàn thành kế hoạch 1.860 tỷ đồng doanh thu và 162 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đã đặt ra, tương ứng với EPS 2014 là 6.566 đồng/cp. Về dài hạn, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của TRA trong việc tái cấu trúc toàn diện chiến lược bán hàng và định hướng kinh doanh trong các năm sắp tới, dựa trên thế mạnh về nguồn thảo dược phong phú của Việt Nam với tiềm năng tăng trưởng lớn. Sử dụng dự phóng FCFF, chúng tôi tin rằng giá hợp lý của cổ phiếu TRA cho mục tiêu 12 tháng tới (9/2015) là 101.000 đồng/cp, cao hơn 38,4% so với thị giá hiện tại. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư MUA cổ phiếu TRA cho mục tiêu trung và dài hạn.
Traphaco đang trải qua giai đoạn bước ngoặt quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp khi thay đổi hầu hết chiến lược bán hàng và tiếp cận thị trường. Về ngắn hạn, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của TRA trong 6 tháng đầu năm 2014 lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là 15% và 21%. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đây là bước chuyển đúng đắn từ pha “tăng trưởng nóng” sang pha “tăng trưởng bền vững” trong dài hạn.
Chúng tôi đánh giá việc sụt giảm doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2014 là sự kiện tất yếu trong quá trình chuyển đổi sâu về mô hình hoạt động bán hàng của TRA. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng doanh thu cả năm 2014 của TRA vẫn có nhiều khả năng hoàn thành kế hoạch 1.860 tỷ (+10,6% so với năm 2013). Lợi nhuận sau thuế 2014 ước tính 162 tỷ đồng (+8,4% so với năm 2013), tương ứng với EPS 2014 (F) khoảng 6.566 đồng/cp.
Sử dụng thuốc có nguồn gốc thiên nhiên đang là xu thế chủ đạo trên thế giới nhờ tính tiện dụng và thân thiện với sức khỏe con người. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng triển vọng khả thi của ngành đông dược Việt Nam lại chủ yếu đến từ mảng chiết xuất dược liệu cung ứng cho công nghiệp hóa dược trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Nắm bắt xu hướng này, Traphaco đang tạo ra sự khác biệt nhờ đầu tư dài hạn cho các vùng trồng nguyên liệu Artiso, Đinh Lăng, Rau đắng đất… theo chuẩn GACP.
Chúng tôi cũng tiến hành phân tích sâu và tin rằng yếu tố khác biệt cơ bản nhất giữa thuốc đông dược và tân dược là hàm lượng và nồng độ hoạt chất chính. Việc khó phân định thành phần và công dụng cụ thể của các thuốc đông dược là rào cản đáng kể khiến các thuốc đông dược của Việt Nam khó được chấp nhận trên thị trường quốc tế và chỉ có khả năng được xuất khẩu dưới dạng thực phẩm chức năng.
Traphaco đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp dược phẩm trong nước lẫn các công ty nước ngoài với nhiều sản phẩm đa dạng về chủng loại và công dụng. Tuy nhiên, hai dòng sản phẩm chủ lực chính của TRA là Boganic và Hoạt huyết dưỡng não (3 phiên bản) vẫn đang giữ vị trí dẫn đầu về thị phần tại Việt Nam.
Cổ đông lớn Mekong Capital đang nắm 25% vốn cổ phần của TRA và đang tìm kiếm đàm phán chuyển nhượng số cổ phần này trước năm 2017, năm kết thúc thời hạn hoạt động của quỹ thành viên trực tiếp sở hữu TRA là Vietnam Azalea Fund Limited.