CTS: BCI chưa có dấu hiệu khởi sắc trong 2-3 năm tới

Nguồn : CTS - CTCK Vietinbank

Ngành : Bất động sản

Download : baocaocapnhatbci_RAZZ.pdf

BCI sẽ khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2016 và đánh giá triển vọng kinh doanh của Công ty chưa có dấu hiệu khởi sắc trong vòng 2 -3 năm tới.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất (đã soát xét) quý II/2016, doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của BCI mới chỉ đạt lần lươt 24% và 20% kế hoạch đề ra cả năm, tương ứng 100 tỷ đồng doanh thu và 24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo thông tin chia sẻ từ cuộc gặp gỡ và trao đổi với Ban lãnh đạo BCI thì nguyên nhân chính đến từ (1) sự triển khai chậm của các dự án trọng điểm khu vực huyện Bình Chánh, doanh thu chủ yếu vẫn chỉ đến từ hoạt động thuê đất và kinh doanh dịch vụ Khu công nghiệp Lê Minh Xuân; và (2) sự giảm sút phần lãi từ BigC An Lạc .

Tình hình kinh doanh nửa cuối năm 2016, BCI cho biết doanh thu từ mảng bất động sản nhà ở, khu công nghiệp vẫn chưa sáng sủa do vẫn vướng phải các thủ tục pháp lý. Với tỷ lệ sở hữu tại BigC An Lạc tiếp tục duy trì ở mức 20% , lợi nhuận từ công ty liên kết này được kỳ vọng có thể ghi nhận kết quả tốt hơn vào thời điểm cuối năm do tính chất mùa vụ, nhưng cũng không quá khả quan do đây vẫn là giai đoạn đầu tái cấu trúc hoạt động của BigC Việt Nam .

Đối với các khoản lợi nhuận đột biến được nhà đầu tư kỳ vọng có thể đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh 2016 (tương tự năm 2015) như lợi nhuận từ việc bán đất 2 lô 158 An Dương Vương và 510 Kinh Dương Vương, doanh nghiệp cũng cho biết chưa có kế hoạch cụ thể. Do đó BCI sẽ rất khó để hoàn thành được kế hoạch đề ra cho năm 2016 .

Mặt khác, BCI còn chịu rủi ro từ việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Cụ thể, kết thúc quý II/2016, giá trị hàng tồn kho của BCI lên đến gần 2.223 tỷ đồng, chiếm tới hơn 67% tổng tài sản, tuy nhiên hiện doanh nghiệp chưa trích lập dự phòng đối với khoản mục này. Trước tình hình không mấy khả quan tại các dự án lớn hiện nay thì Công ty có khả năng sẽ phải tiến hành trích lập dự phòng theo quy định. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận và giá trị sổ sách của doanh nghiệp.

Một rủi ro khác khi đầu tư vào BCI là rủi ro pha loãng cổ phiếu. Do nhu cầu vốn lớn nhằm triển khai các dự án, đặc biệt là giai đoạn đầu tư ban đầu cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng và đóng tiền sử dụng đất, BCI đã đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường tháng 11/2015 thông qua việc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Việc phát hành thêm nếu diễn ra thành công có thể làm pha loãng lợi ích cổ đông hiện hữu khi mà các dự án của BCI chỉ vừa mới khởi động trở lại, tăng trưởng doanh thu lợi nhuận khó có thể bắt kịp tốc độ tăng vốn.