Xuất hiện dự án “ma” ở phân khúc đất nền

Xuất hiện dự án “ma” ở phân khúc đất nền

Mới đây, đường dây nóng của Báo Đầu tư liên tục nhận được thông tin phản ánh từ phía khách hàng về việc nhân viên môi giới của nhiều công ty địa ốc chào bán dự án đất nền không có trong thực tế.

Ma trận dự án “ma”

Liên hệ qua số điện thoại đường dây nóng Báo Đầu tư, chị Trần Thu Trang, ngụ tại quận 3, TP.HCM cho biết, giữa tháng 5, chị được một nhân viên môi giới địa ốc gọi điện thoại giới thiệu một dự án tại quận 12.

Anh này đưa chị xuống một bãi đất trống đối diện Bệnh viện quận 12 và nói rằng, chủ đầu tư chuẩn bị làm hạ tầng và phân lô bán. Anh ta còn khẳng định, thủ tục pháp lý của dự án đã được hoàn tất. 

“Nhưng tôi khi lên UBND phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) để hỏi về dự án này, thì được biết, khu đất trên thuộc quy hoạch công trình công cộng và một phần là hành lang an toàn lưới điện. Hiện chưa có cơ quan chức năng nào phê duyệt hoặc thỏa thuận cho bất kỳ dự án nào ở khu vực này và đây chỉ là chiêu lừa đảo của nhân viên môi giới”, chị Trang nói.

Không chỉ gọi điện thoại trực tiếp cho khách hàng để lừa bán dự án ma, các công ty môi giới địa ốc còn chào bán dự án trên website với bản đồ quy hoạch, sa bàn dự án… rất đẹp mắt và hấp dẫn người xem.

Theo phản ánh của người dân, phóng viên Báo Đầu tư đã lên mạng tìm hiểu Dự án Khu nhà ở liền kề Royal Gold Land tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM.

Liên hệ với số điện thoại trên trang quảng cáo, phía doanh nghiệp bán dự án này cho biết, dự án đã hết hàng, khách hàng chỉ có thể mua sang tay với giá khoảng 30 triệu đồng/m2.     

Tuy nhiên, kiểm tra thông tin tại UBND quận 12 thì được biết, khu đất nêu trên thuộc quy hoạch cây xanh. Đến nay, cơ quan có thẩm quyền không phê duyệt hoặc thỏa thuận bất kỳ dự án nào thuộc khu vực này. Đồng thời, UBND quận 12 khuyến cáo người dân đặc biệt cảnh giác trước những thông tin rao bán đất không xác thực như trên.

Tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), hàng loạt thông tin rao bán dự án đất nền được quảng cáo bằng tờ rơi tại các ngã tư, cột điện, bờ tường.

Liên hệ số điện thoại trên một tờ quảng cáo dự án đất nền giá rẻ, thì được nhân viên môi giới cho biết, dự án ở huyện Bến Lức (Long An), gần chợ và công viên. Lần theo địa chỉ được cung cấp, thì thấy đây chỉ là bãi đất đầy cỏ mọc và chưa có dấu hiệu gì cho thấy đây là đất dự án.

Theo người dân xung quanh, khu đất này của một người dân mua, đã để hoang nhiều năm, nhưng gần đây có nhiều người dẫn khách tới chào bán đất nền tại đây.

Bất động sản không còn là ngành nghề hấp dẫn

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Bất động sản Thăng Long có trụ sở tại quận Bình Tân cho biết, hiện có nhiều dự án được nhân viên môi giới tự vẽ ra để chào bán. Những dự án này thường có bán giá rất thấp, ở vị trí đẹp, gần đường lớn, gần chợ.

Họ sẽ dụ khách hàng tới khu đất dự án, rồi cho người vào diễn cảnh mua bán, ký hợp đồng và thanh toán tiền ngay trước mặt khách hàng đi coi đất để họ tin đây là đất dự án thật. 

“Thậm chí, họ còn làm giả giấy tờ pháp lý của khu đất và giấy tờ chấp thuận cấp phép dự án. Dù có nhiều phản ánh về tình trạng này, nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng không can thiệp mà vẫn để tình trạng lừa đảo đó lặp lại nhiều lần tại một khu đất. Chỉ cần phía chính quyền địa phương cảnh báo bằng biển thông tin tại ngay khu đất thì cũng có thể ngăn chặn tình trạng này…”, ông Dũng nói.

Theo giới phân tích, việc các công ty môi giới được thành lập ồ ạt trong những năm 2016 - 2017 cùng với định mức doanh thu, áp lực về sự tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt là nguyên nhân chính của tình trạng “dự án ma” xuất hiện.

Tuy nhiên, báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội TP.HCM 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, tỷ lệ đăng ký thành lập công ty bất động sản đã giảm mạnh.

Nửa đầu năm 2018, Thành phố có 21.487 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, trong đó, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 7%.

“Sau thời gian bùng phát, đến nay, bất động sản đã không còn là ngành nghề hấp dẫn”, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết.

Tin bài liên quan