Băng rôn, khẩu hiệu tại dự án Capital Garden ngày 15/7.

Băng rôn, khẩu hiệu tại dự án Capital Garden ngày 15/7.

“Xé rào” vi phạm kiểu Kinh Đô TCI

(ĐTCK) Làm dự án không chủ đầu tư nào là không vướng lỗi này lỗi kia. Cách giải quyết thông thường là đối thoại, tự nhận sai và tự sửa chữa thì mọi chuyện hầu như là hanh thông. Thế nhưng, vi phạm nhiều, không thừa nhận sai và còn quay sang xử phạt khách hàng theo "luật rừng" thì duy nhất chỉ có Kinh Đô TCI.

Chưa nộp tiền điện thì... cắt

Khoảng 12h trưa ngày 14/7, nhiều hộ dân tại Chung cư Capital Garden 102 Trường Chinh bất ngờ nhận được thông báo từ CTCP TNHH Khách sạn Kinh Đô (thuộc Tập đoàn Kinh đô TCI) về việc cắt điện nước đến một số hộ dân trong khu chung cư. Ngay sau đó, khoảng 13h, chủ đầu tư đột ngột cắt điện, nước của 4 hộ gia đình.

Việc cắt điện nước đột ngột như vậy khiến nhiều hộ dân bỗng rơi vào tình cảnh bị xáo trộn mọi hoạt động sinh hoạt trong gia đình.

Theo phản ánh của cư dân, trong 4 hộ gia đình đấy có cả trường hợp một gia đình có cháu nhỏ đang bị thủy đậu và một gia đình có cụ già đang bị bệnh. Một số gia đình có con nhỏ, phải di tản sang nhà ông bà, mọi thứ trong gia đình đều bị đảo lộn.

“Xé rào” vi phạm kiểu Kinh Đô TCI ảnh 1

Thông báo cấp lại điện nước cho 4 hộ dân ngày 15/7/2017 của chủ đầu tư

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, ông Lê Văn Hòa, Trưởng ban đại diện lâm thời dự án Capital Garden cho biết, trước sự việc trên phường Phương Mai đã trực tiếp xuống làm việc với Ban quản lý tòa nhà, yêu cầu cấp lại điện, nước để đảm bảo cuộc sống cho cư dân. Tuy nhiên, chủ đầu tư hoàn toàn không mở điện. Phải đến sáng 15.7, chủ đầu tư mới mở điện, nước trở lại cho người dân.

Việc cắt điện, nước như giọt nước tràn ly, khiến hàng trăm hộ dân vô cùng bức xúc và tiếp tục treo băng rôn đến tận cuối giờ chiều ngày 15/7 để nhận được câu trả lời chính đáng từ phía chủ đầu tư. Thế nhưng, phía chủ đầu tư vẫn hoàn toàn im lặng và bật vô âm tín.

Cũng trong buổi trưa ngày 15/7, trả lời báo chí về sự việc diễn ra tại Chung cư Capital Garden, bà Hoàng Thị Bảo Phương, Chủ tịch UBND phường Phương Mai cho biết: "Sáng 15/7, chúng tôi đã mời chủ đầu tư và BQL tòa nhà tới phường làm việc về sự việc 5 hộ gia đình bị cắt điện.

Ngay ngày 14/7, lãnh đạo phường đã tới tòa nhà, với sự có mặt của các hộ bị cắt điện, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư đóng điện ngay lúc đó, nhưng BQL tòa nhà không đóng. Sáng 15/7, phía công ty quản lý tòa nhà thông báo là đã đóng điện trở lại lúc 7h.

Đồng thời, họ cũng cho biết, đang vận động người dân đóng tiền điện trong vòng từ nay tới 5 ngày nữa. Nếu sau 5 ngày mà không đóng thì họ lại cắt tiếp". 

Capital Garden – Sản phẩm "lỗi" của Kinh Đô TCI

Cũng phải nói lại về câu chuyện của dự án Capital Garden thì đây không phải lần đầu tiên những bức xúc như này của cư dân sau khi về đây sinh sống bùng phát, mà trước đó rất nhiều lần cư dân đã phải căng băng rôn phản ứng dữ dội với những vi phạm của chủ đầu tư đến như vậy.

Bàn giao từ cuối năm 2016, Capital Garden là một trong những dự án chung cư cao cấp tại khu vực Trường Chinh do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (Công ty Kinh Đô – cũng là chủ đầu tư của dự án nhiều tranh chấp 93 Lò Đúc hay dự án vượt tầng 8B Lê Trực). Tuy nhiên, sau khi về sinh sống, theo phản ánh của cư dân, chủ đầu tư tự ý thay đổi nhiều thiết kế.

Cụ thể, trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, cư dân cho biết căn cứ công văn sô 3096/QHKT-P3 về việc chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và xác nhận phương án thiết kế sơ bộ về kiến trúc công trình tại Khu đất ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội, dự án được phê duyệt gồm 21 tầng (+1 tầng cây xanh+ 2 tầng kỹ thuật). Nhưng thực tế CĐT đã tự thay đổi thiết kế thay đổi chức năng một số tầng, từ kỹ thuật, cây xanh sang căn hộ ở ( ví dụ như các tầng 2A, 3A) đẩy số căn hộ từ 288 căn ( theo bản vẽ quy hoạch ) lên hơn 400 căn.

“Xé rào” vi phạm kiểu Kinh Đô TCI ảnh 2

Tầng cây xanh nhưng đã bị biến đổi công năng thành căn hộ để bán 

Trong khi đó, ở các mặt bằng tầng 1, thiết kế phê duyệt thì khu cầu thang 1 và cầu thang 2 thông nhau, giữa 2 khu cầu thang có thang cuốn để lên tầng 2 và tầng 3, nhưng cư dân cho biết chủ đầu tư đã xây bịt, chia thành ki ốt cho thuê. Mặt bàng tầng 2 – 3, phê duyệt là siêu thị có thang cuốn đi lên từ tầng 1 nhưng do đã bị bên khách đến phải đi qua thang máy,….

Không những vậy, dù bàn giao từ tháng 12/2016, nhưng theo nội dung phản ánh của nhiều cư dân, Công ty Kinh Đô bàn giao căn hộ cho cư dân ở khi chưa đủ điều kiện, hệ thống phòng cháy chữa cháy với các thiết bị đầu dò khói tự động, đầu phun chữa cháy tự động, vòi chữa cháy dạng cuộn... chỉ mới được lắp đặt, chưa được thẩm định, kiểm tra, không rõ khi nào chung cư Capital Garden được cấp chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy.

Đỉnh điểm, theo các cư dân, vào cuối tháng 5/2017, ở logia một căn phòng tại tầng 15 xảy ra cháy, các thiết bị PCCC đã không làm việc. Cửa thoát hiện vẫn mở được cả 2 chiều, cầu thang thoát hiểm không đánh số tầng, đèn trong cầu thang nhấp nháy như đom đóm dẫn đến khi xảy ra cháy, cư dân hò hét hoảng loạn chạy lung tung. Khi ô tô cứu hỏa đến thì xe thang không tiếp cận được tòa nhà do đường quanh tòa nhà quá hẹp, thang không đủ độ nghiêng, đồng thời các họng nước xung quanh thì không có nước.

“Xé rào” vi phạm kiểu Kinh Đô TCI ảnh 3

Cư dân căng băn rôn phản đối việc cắt điện nước của Chủ đầu tư đêm ngày 14/7. 

Quay trở lại sự việc cắt điện nước ngày 14/7/2017, theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, nguyên nhân xuất phát từ việc khi nhận nhà, mỗi căn hộ phải đóng thêm 3 triệu đồng hoặc 4 triệu đồng đối với căn hộ hoàn thành cơ bản, 9 – 10 triệu đồng đối với căn hộ nhận thô.

Khoản tiền này theo cư dân cho biết là CĐT nói để tính tiền điện, tiền nước…trong thời gian đầu các căn hộ còn phải sửa chữa. Khi về ở thì đồng hồ bắt đầu được chốt số và tính tiền. Tuy nhiên, sau đó CĐT đã không thực hiện cam kết và bắt cư dân nộp tiền từ đầu.

Ngoài ra, cư dân cho biết, Công ty Kinh Đô nói là thu tiền điện hộ Nhà cung cấp điện nhưng khi cư dân yêu cầu CĐT phải có giấy ủy quyền và hóa đơn VAT của Nhà cung cấp điện thì CĐT cũng không có. Nhiều đồng mới sử dụng đã bị hỏng và không có dán tem kiểm định của cấp có chính quyền, bên cạnh việc chốt số điện không đồng nhất, tháng 20 ngày đã chốt, tháng 40 ngày mới chốt.

Không chấp nhận với cách làm của CĐT, nhiều hộ dân đã nhất quyết không đóng tiền và đã bị chủ đầu tư thực hiện cắt điện. Không chấp nhận cách làm việc "tiếp tay cho dấu hiệu sai phạm, có biểu hiện trốn thuế" của đơn vị quản lý/chủ đầu tư, một hộ dân sử dụng phương án "câu điện" từ hộ liền kề để tự khắc phục và kiên quyết không thỏa hiệp.

Liên quan đến những vấn đề xảy ra tại dự án Capital Garden, phóng viên sẽ tiếp tục tìm hiểu và phản ánh tới các vị độc giả. 

Trong công căn số 1143 ngày 11/7/2017 của Công ty cổ phần Điện lực Đống Đa đã cho biết, ngày 07/03/2017, đơn vị này đã có công văn số 366/PCDONGDA-KHVT gửi CĐT đề nghị bàn giao trạm biến áp cho Điện lực Đống Đa quản lý.

Ngày 18/05/2017, Điện lực Đống Đa đã cử cán bộ đến Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô để đề nghị hoàn thành các thủ tục bàn giao Trạm biến áp cho ngành điện quản lý. Hai bên đã có biên bản làm việc và Kinh Đô cam kết bàn giao trước ngày 31/05/2017. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành làm các thủ tục bàn giao cho Công ty Điện lực Đống Đa.

Ngày 03/07/2017, Công ty Điện lực Đống Đa đã có công văn số 1069/PCDONGDA-KHVT gửi Sở công thương đề nghị Sở Công thương chỉ đạo Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô thực hiện đúng theo luật quy định.

Tin bài liên quan