Nhiều chủ đầu tư chọn cách thức xây nhà gần xong mới mở bán. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều chủ đầu tư chọn cách thức xây nhà gần xong mới mở bán. Ảnh: Đức Thanh

Xây nhà gần xong mới bán, “ăn chậm nhưng chắc“

(ĐTCK) Quan sát những động thái thu hút và tạo niềm tin cho khách hàng của các chủ đầu tư gần đây có một chiêu "xây nhà gần xong" mới ra mắt thị trường. Chiều này rất hấp dẫn khách hàng, nhưng không phải ai cũng làm được, mà phải thực sự có tiềm lực và cả sự... lỳ đòn.

Giai đoạn trước đây, thị trường bất động sản Việt Nam vận động không theo quy luật cung cầu. Với tư duy chộp giật, đa số các chủ đầu tư đầu tư bất động sản theo phong trào khi thị trường sốt nóng, mà không tính đến nhu cầu thực của thị trường. Trong giai đoạn sốt nóng của thị trường 2007-2009, hàng loạt doanh nghiệp đủ mọi ngành nghề kinh doanh và không có tiềm lực tài chính, đều chạy theo mốt đầu tư bất động sản và chủ yếu đầu tư các dự án cao cấp. Tuy nhiên, khi nguồn tín dụng bị siết, bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp yếu năng lực đã bị phá sản, số khác phải chuyển đổi ngành nghề, còn các doanh nghiệp tay ngang cũng phải từ bỏ cuộc chơi.

Sau giai đoạn thăng trầm, từ cuối năm 2014, thị trường bắt đầu có sự chuyển biến tích cực và phục hồi trở lại. Từ cuối năm 2015 đến nay, nguồn cung ở các phân khúc đều tăng mạnh, thanh khoản cũng cải thiện và thị trường đã có sự trở lại của các nhà đầu cơ. Tuy nhiên, khác với trước đây, nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường hiện nay khó có nguy cơ bong bóng.

Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), việc hàng loạt chính sách được ban hành như Nghị quyết 02, Nghị quyết 61 của Chính phủ, đặc biệt là Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã “uốn nắn” thị trường đi đúng hướng trở lại.

Đơn cử, việc bán nhà hình thành trong tương lai đã không còn thoải mái như trước kia, mà phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định, phải có bảo lãnh của ngân hàng, mở bán phải được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nhà nước, phải công bố thông tin rộng rãi…

Tuy nhiên, điều quan trọng là thái độ kinh doanh của nhiều chủ đầu tư bất động sản trong thời gian qua có bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp hơn. Dự án của các chủ đầu tư như Vingroup, FLC, Novaland, Him Lam… luôn có tiến độ triển khai rất nhanh, đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Các chủ đầu tư này thể hiện “nói thật, làm thật” bằng tiến độ và xây dựng nhà mẫu ngay tại dự án để khách hàng dễ hình dung, có chủ đầu tư còn gắn camera tại công trường để khách hàng theo dõi tiến độ. Thậm chí, có chủ đầu tư còn xây xong nhà mới mở bán như Him Lam…

Theo đánh giá của ông Lê Hà Giang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Long Giang Land, trước đây có đến 90% dự án chọn phương án "bán lúa non" để huy động vốn từ khách hàng và được hợp thức hóa dưới nhiều hình thức, như hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng góp vốn… Với những dự án bán nhà theo kiểu này, khách hàng có lợi thế là phải nộp ít tiền, giá bán căn hộ rẻ hơn, song sẽ chịu rủi ro về tiến độ. Trong khi đó, với những chủ đầu tư có tiềm lực, họ sẽ chọn phương thức thực hiện triển khai dự án trước, ít nhất là xây lên được một số tầng nhất định mới bán.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) cho biết, hình thức xây nhà xong mới bán không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Cách làm này đòi hỏi chủ đầu tư phải có tiềm lực tài chính tốt. Bản thân Capital Housse cũng vừa mở bán lần đầu Dự án Ecolife Tây Hồ khi tiến độ xây dựng hoàn thiện tới tầng 26 và dự kiến bàn giao căn hộ cho khách hàng vào quý I/2017.

Theo nhận định nhiều chuyên gia, đối với các chủ đầu tư, việc xây xong hoặc gần xong dự án mới mở bán khiến chi phí vốn bị đội lên rất lớn, nhưng bù lại, cách làm này đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng niềm tin trên thị trường và chính doanh nghiệp sẽ tạo dựng được uy tín, nên có lợi thế hơn khi triển khai các dự án về sau.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan