Bất động sản Việt Nam đang lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài .
Ảnh: Lê Toàn

Bất động sản Việt Nam đang lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài . Ảnh: Lê Toàn

Vốn ngoại đổ vào bất động sản: Vẫn “ném đá dò đường“

(ĐTCK) Thị trường bất động sản Việt Nam đang được đánh giá có sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài và thực thế, dòng vốn ngoại thời gian qua chảy vào lĩnh vực này khá lớn. Nhưng khác với trước kia, các nhà đầu tư nước ngoài đang có những bước đi thận trọng.

Vốn ngoại chảy mạnh

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng đầu năm 2015, bất động sản đang là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 với 2,32 tỷ USD.

Không chỉ ở con số thống kê, trên thực tế, thời gian qua, thị trường liên tiếp chứng kiến những thương vụ lớn của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.

Sau hàng chục năm chờ đợi, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa giờ đã có chủ đầu tư khi liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (tập đoàn bất động sản hàng đầu Dubai, với tổng giá trị tài sản lên đến 17 tỷ USD) vừa được UBND TP. HCM chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án này với thời hạn đầu tư 50 năm.

Rót mạnh vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay chủ yếu là những tập đoàn lớn, nhưng hầu hết đều phối hợp với các đối tác Việt chứ chưa tự mình đứng ra triển khai dự án.

Được quy hoạch trên diện tích 426,93 héc-ta, tổng mức đầu tư 30.700 tỷ đồng, dự án được thực hiện từ 2016 - 2030 và được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 2016 - 2020 là giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình kỹ thuật chính; giai đoạn 2 từ 2021 - 2025 là đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng; giai đoạn 3, từ 2026 - 2030 hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án.

Bitexco cho biết, đang phối hợp với chính quyền xây dựng phương án đền bù, tái định cư, đồng thời kêu gọi các tập đoàn bất động sản trong và ngoài nước đầu tư vào khu đô thị này.

Vừa qua, Creed Group - một quỹ đầu từ lớn của Nhật Bản, có tổng tài sản tới 5 tỷ USD cũng đã hợp tác với Công ty Năm Bảy Bảy (NBB) và An Gia Investment để phát triển các dự án bất động sản. Trong đó, với Năm Bảy Bảy, Creed rót tiền vào các dự án ở phân khúc bình dân. Còn với An Gia Investment, Creed cam kết mua lại 20% cổ phần của Công ty, góp vốn đầu tư dự án theo hình thức 50/50, đồng thời cung cấp các khoản vay với lãi suất 5%/năm để An Gia mua lại các dự án mới.

Trước đó, 2 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã hợp tác với Nam Long đầu tư Dự án Flora Anh Đào (quận 9) thông qua hình thức chuyển nhượng một phần cổ phần.

Hay Gaw Capital Parkner (quỹ đầu tư từ Anh) vừa công bố góp 50% trong tổng vốn đầu tư dự kiến của Dự án Empire City 1,2 tỷ USD tại Thủ Thiêm để cùng 2 đối tác trong nước là Trần Thái và Tiến Phước phát triển dự án này. Trước đó, tập đoàn này cũng đã mua lại 4 dự án bất động sản của Indochina Land với giá 106 triệu USD. 

Nhưng vẫn thận trọng

Với sự phát triển mạnh trở lại của nền kinh tế, các chính sách mới cởi mở hơn, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá là có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trở ngại về chính sách, lãi suất dù đã giảm, nhưng vẫn cao hơn ở các nước… khiến cho nhà đầu tư chưa dám mạnh dạn ồ ạt đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Vĩnh Trân, CEO Quỹ Jen Capital nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài đang tính bài toán dài hơi với bất động sản Việt Nam để đón những chuyển biến mới từ chính sách.

Dù vậy, theo quan sát của Đầu tư Bất động sản, rót mạnh vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay chủ yếu là những tập đoàn lớn, ngoài tiềm lực tài chính mạnh, họ còn có kinh nghiệm đầu tư và đã thành công tại nhiều quốc gia, châu lục. Nhưng bước đi của các nhà đầu tư này cũng cho thấy sự thận trọng. Hầu hết đều phối hợp với các đối tác Việt chứ chưa tự mình đứng ra triển khai dự án.

Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Creed cho biết, việc hợp tác với Năm Bảy Bảy và An Gia chỉ là bước khởi đầu, nếu thị trường bất động sản tốt dần lên, quỹ này sẽ đầu tư vào các dự án mới.

Hay như nhìn vào “lịch” tiến độ của Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình kỹ thuật được xác định thời hạn 5 năm cho thấy, nhà đầu tư rất thận trọng, bởi giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nan giải của bất kể dự án nào tại Việt Nam.

Sự thận trọng của các nhà đầu tư ngoại còn thể hiện ở việc thay vì rót vốn trực tiếp để đầu tư dự án như trước kia, họ thâm nhập vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua việc hợp tác với đối tác trong nước, những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất và am hiểu thị trường nội địa.       

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Tin bài liên quan