Công ty ACC Thăng Long cho trồng 600 cột trụ inox ở vỉa hè bao quanh dự án Artemis khiến người dân xung quanh bức xúc. Ảnh: Dũng Minh

Công ty ACC Thăng Long cho trồng 600 cột trụ inox ở vỉa hè bao quanh dự án Artemis khiến người dân xung quanh bức xúc. Ảnh: Dũng Minh

Từ vụ việc tại Dự án Artemis, lại nóng câu chuyện vỉa hè

(ĐTCK) Đóng vai trò quan trọng trong đời sống đô thị, chức năng lại vô cùng đa dạng, vỉa hè là đối tượng được quan tâm từ nhiều phía. Cũng vì thế, mà vỉa hè trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi giữa vai trò sở hữu chung, sở hữu riêng.

Từ dự án Artemis

Thời gian qua, câu chuyện về rào vỉa hè của Dự án Artemis, số 3 Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội), do Công ty cổ phần ACC Thăng Long làm chủ đầu tư gây xôn xao dư luận.

Tọa lạc ngay mặt đường số 3 Lê Trọng Tấn, dự án có tổng diện tích đất xây dựng gần 9.000 m2. Do nằm ngay mặt đường, nên dự án này có khoảng lùi công trình so với chỉ giới đỏ phố Tôn Thất Tùng tối thiểu 7 m, chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh tối thiểu là 10 m và chỉ giới đường đỏ phố Lê Trọng Tấn tối thiểu là 6 m.

Sau khi xin được giấy phép đấu nối giao thông, dự án bất ngờ cải tạo luôn vỉa hè bằng cách trồng thêm 600 cột trụ inox bao quanh công trình của mình. Lấy lý do muốn tạo vẻ đẹp cho cảnh quan của dự án, đảm bảo an toàn giao thông, ngăn cản các xe thô sơ, người bán hàng rong ấn chiếm vỉa hè, theo phong trào giành lại vỉa hè cho người đi bộ, trong khi chưa xin ý kiến các cấp chính quyền.

Chính vì thế, dự án đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều người dân xung quanh, khi cho rằng, ACC Thăng Long đã tự ý chiếm dụng phần diện tích đất chung thành đất sở hữu riêng của mình. Trước phản ánh của cư dân, UBND phường Khương Mai đã có quyết định xử phát ACC Thăng Long và đề nghị tháo dỡ hàng cọc.

Tuy nhiên, thay vì tháo dỡ, ACC Thăng Long chỉ chấp nhận nộp phạt 3 triệu đồng, đồng thời gửi kiến nghị lên UBND TP. Hà Nội và được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận, cũng với lý do nêu trên.

Mặc dù vậy, UBND phường Khương Mai kiên quyết từ chối triển khai theo đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và cuối cùng ACC Thăng Long phải tháo dỡ hàng cọc inox bất hợp lý này.

Đến băn khoăn về quyền sở hữu chung, riêng

Artemis không phải là câu chuyện đầu tiên xảy ra tình trạng doanh nghiệp tự lấn chiếm vỉa hè với những lý do tạo điểm nhấn của công trình và tránh xe máy đi trên vỉa hè. Thực tế, tại nhiều chung cư hiện nay, việc chủ đầu tư và đơn vị quản lý "tranh thủ" mượn tạm vỉa hè vào các hoạt động kinh doanh như bãi trông xe, cho thuê quán nước..., là chuyện thường thấy và cũng là những mầm mống dẫn đến bùng phát tranh chấp tại chung cư.

Chẳng hạn như câu chuyện ở chung cư 229 phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Công ty Đầu tư và Xây lắp phát triển nhà Hà Nội (trước đây thuộc Văn phòng Thành ủy Hà Nội) làm chủ đầu tư.

Năm 2011, sau khi Công ty Đầu tư và Xây lắp phát triển nhà Hà Nội được cổ phần hóa, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và Du lịch Sao Mai (Công ty Sao Mai) tạm thời quản lý, vận hành tòa nhà.

Từ khi được giao quản lý vận hành, Công ty Sao Mai đã n phá bỏ tường rào ngăn cách chung cư với mặt đường Trần Đại Nghĩa, chia nhỏ diện tích tầng 1 tòa nhà A1 và A2 để cho thuê phòng tập thể dục, nhà trẻ, phòng chơi game, cửa hàng bách hóa…

Ngay cả vỉa hè xung quanh chung cư cũng được sử dụng làm bãi trông xe. Thậm chí, phần bề nước tiếp giáp tòa nhà A1 vốn là lối đi chung và cũng là lối thoát nạn cũng bị Công ty Sao Mai lập rào chắn để tận dụng trông xe máy.

Việc này đã vấp phải sự phản đối của cư dân khi cho rằng, đây là phần sở hữu chung của toàn bộ cư dân và Công ty Sao Mai đã tự ý chiếm dụng trái phép. Vụ việc tranh chấp đã được đưa ra tòa, và cho đến nay, vẫn chưa có được phương án xử lý một cách cụ thể.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, giám đốc một đơn vị quản lý chung cư cho biết, vỉa hè là vấn đề khá "nhạy cảm" và khó xác định nó thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng. Đối với các chung cư không gắn kết với các đường giao thông chính thì dễ xử lý, nhưng với các chung cư ngay sát mặt đường giao thông như Chung cư 229 Phố Vọng hay Artemis là rất khó. Khi đó, theo quy định, vỉa hè lại thuộc về phần quản lý của Sở Giao thông - Vận tải và chính quyền địa phương, chứ không phải của chủ đầu tư hay cư dân.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan