Trong ấm, ngoài mới êm!

Trong ấm, ngoài mới êm!

(ĐTCK) Bản danh sách 9 dự án bất động sản hình thành trong tương lai đủ điều kiện được chấp thuận kinh doanh trong quý II/2017 do Sở Xây dựng Hà Nội công bố hé lộ nhiều thông tin bất ngờ.

Theo đó, trong số 9 dự án này, có 2 dựa án từng nhiều năm liền "bất động", nay được hồi sinh.

Dự án thứ nhất là Block A, B thuộc ô đất HH - 02 dự án FLC Garden City, trước đây của Công ty cổ phần Địa ốc Alaska, nhưng sau đó đã được chuyển nhượng lại cho Tập đoàn FLC.

Và dự án thứ hai là Tòa nhà CT2 - 105, Khu đô thị Văn Khê mở rộng ( Usilk City) trước đây của Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long cho CTCP Hải Phát Thủ đô.

Điểm chung của cả 2 dự án này đều là từng được kỳ vọng rất lớn nhưng sau đó lại chậm tiến độ rất lâu (FLC Garden City), thậm chí đói vốn và "bất động" do chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích (Usilk City). Phải đến khi có sự tham gia của những nhà đầu tư mới, dự án mới rục rịch quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, sự trở lại của cả 2 dự án này đều không dễ dàng khi vướng phải các quy định về chuyển nhượng cũng như hoàn thiện các thủ tục còn thiếu cho dự án.

Thậm chí có những lúc, tưởng chừng các chủ đầu tư mới còn lâm vào ngõ cụt khi các dự án rơi vào tầm ngắm thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Phải mất rất nhiều thời gian sau đó, các nút thắt mới dần được tháo bỏ để dự án tiếp tục được triển khai.

Tuy nhiên, đó mới chỉ gỡ những vướng mắc ban đầu, bởi sau khi hoàn tất các thủ tục, các dự án này lại phải đối mặt với bài toán làm sao để lấy lại lòng tin của thị trường, mặc dù các chủ đầu tư mới ít nhiều có tiềm lực về tài chính.

Nếu không sai về thủ tục, không sai về thiết kế, thì bài toán khó nhất là giải quyết nốt quyền lợi của những khách hàng cũ đã trót dại "mua đắt" khi dự án còn đang nóng hổi trên thị trường. Bỏ cả đống tiền, đằng đẵng chờ đợi, lẽ dĩ nhiên không ai muốn đóng tiền tiếp nếu không biết được dự án có về đích được hay không.

Và dù dự án có khả năng về đích thật, do mua giá cao lúc đầu nên rất nhiều khách hàng không chấp nhận đóng tiếp vì cho rằng khoản tiền đã đóng tương đương với giá trị căn hộ vào thời điểm hiện tại (giá thường giảm do chủ đầu tư mới phải cơ cấu lại theo giá thị trường).

Trong khi đó, sau khi đã bỏ đống tiền để mua lại dự án, nếu khách hàng cũ không đóng nốt tiền, đồng thời trông chờ vào nguồn tiền từ việc bán hàng cho khách mới sẽ không đủ để dự án tiếp tục triển khai.

Ngay kể cả nếu chủ đầu tư mới có đủ tiền để triển khai tiếp mà không cần trông chờ vào nguồn tiền thu được của khách hàng, thì việc khách hàng cũ gây rối, cản trở việc bán hàng mới cũng không có gì là lạ.

Câu chuyện một số khách hàng cũ náo loạn trong lễ mở bán mới của dự án BID Homes The Garden Hills (99 Trần Bình) cách đây không lâu hay hàng chục khách hàng vẫn phản đối Hải Phát Thủ Đô tại Tòa CT2-105 Usilk City là những ví dụ điển hình cho chuyện này.

Rõ ràng, đây là một "bế tắc" với các dự án "đắp chiếu", mà nếu không có cách giải quyết thấu tình đạt lý để "trong ấm, ngoài êm" thì thật khó cho cả chủ mới lẫn khách hàng cũ!

Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) ngày 10/8/2017, với chủ đề “Tìm bước đột phá”.

Đây là sự kiện thường niên lớn nhất về hoạt động M&A doanh nghiệp và kết nối đầu tư tại Việt Nam, quy tụ 500 khách tham dự là các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp. Diễn đàn sẽ đề cập sâu về nguồn hàng cho hoạt động M&A, trong đó có cơ hội từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN.

Bên cạnh Hội thảo chuyên sâu về hoạt động M&A tại Việt Nam với chủ đề “Tìm bước đột phá”, Gala Dinner & Vinh danh các thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu năm 2016 – 2017, Diễn đàn sẽ phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam năm 2017” và Khóa đào tạo cao cấp về Chiến lược M&A.

Tin bài liên quan