TP.HCM hiện còn 570 dự án treo. Ảnh: Gia Phú

TP.HCM hiện còn 570 dự án treo. Ảnh: Gia Phú

TP.HCM tìm lối thoát cho 570 dự án treo

(ĐTCK) UBND TP.HCM vừa phát đi thông báo cho biết, hiện Thành phố có 570 dự án “treo” và đây cũng là địa phương có nhiều dự án treo nhất cả nước, trong đó có dự án treo 15-20 năm. Cách nào để tìm lối ra cho các dự án treo này đang là câu hỏi lớn cho chính quyền Thành phố.

Nhan nhản quy hoạch “treo”

Theo thống kê từ Sở Tài nguyên - Môi trường, toàn Thành phố hiện còn khoảng 570 dự án “treo” với tổng diện tích hơn 20.000 ha. Trong đó, có nhiều dự án đã bị “treo” gần 20 năm.

Nói về bức tranh quy hoạch TP.HCM phải nhìn về từ hàng chục năm trước, khi đó, Thành phố đã có những quy hoạch trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội.

Đơn cử như quy hoạch phát triển khu đô thị lớn nhất Đông Nam Á mang tên Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) năm 2006. Tuy nhiên, đến nay đã 20 năm, mà dự án này vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải tỏa với hàng chục hộ dân còn lại và chưa có bất kỳ dự án nào chính thức được xây dựng.

Nhìn tổng thể quy hoạch 770 ha diện tích đô thị mới vẫn chỉ nham nhở những con đường đầy khói bụi, vì đang làm dang dở, trong khi theo báo cáo từ UBND TP.HCM, hiện mỗi ngày, Thành phố phải chi trả 2,6 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng vì vay phát triển quy hoạch dự án này.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có 1.409 dự án, trong đó có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc chủ trương đầu tư đã hết hạn. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai, có đến 405 dự án chưa khởi công.

(theo HoREA)

Một quy hoạch khác cũng đang nằm trên giấy sau 20 năm là dự án quy hoạch phát triển bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Được phê duyệt năm 2006, dự án quy hoạch với mục đích xây dựng bán đảo này thành Khu đô thị du lịch, sinh thái Bình Quới - Thanh Đa. Nhưng sau 20 năm, dù đã 2 lần đổi chủ đầu tư, nơi đây vẫn chỉ có những chung cư cũ được xây dựng từ 40-50 năm trước, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Đường giao thông bị hư hỏng nặng vì không được tu sửa và người dân vẫn trồng lúa giữa lòng Thành phố.

Lý do mà nơi đây vẫn chưa được xây dựng theo đúng quy hoạch là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn dở dang, dẫn tới nhiều khu đất đã duyệt quy hoạch, nhưng không kêu gọi được nhà đầu tư. Một số khu đẹp được các nhà đầu tư “xí phần” giữ đất, nhưng đến nay vẫn chưa khởi động.

Không chỉ những dự án đô thị “treo”, những dự án dành cho giáo dục tại TP.HCM cũng đang sống trong cảnh “treo”. Những dự án này hầu như nằm tại khu quận 9 và Thủ Đức, theo đúng quy hoạch phát triển cửa ngõ Thành phố khi muốn hai quận này là trung tâm giáo dục của Thành phố. Nhưng sau hơn 10 năm quy hoạch, mới đây, UBND quận 9 báo cáo lên UBND TP.HCM cho biết, hiện quận vẫn còn gần 200 ha đất thuộc dự án của một số trường đại học, trường chuyên ngành và trường cao đẳng, ký túc xá trong cảnh “treo”.

Đơn cử như Trường đại học Kiến trúc (quy mô 40 ha), Trường đại học Kinh tế (50 ha), Trường đại học Luật (30 ha), Đại học Marketing (15 ha), Nhạc viện Thành phố (20 ha), Học viện Tư pháp (9 ha), Trường Đào tạo cán bộ ngành giáo dục Thành phố (5 ha), Trường cao đẳng và đại học Nguyễn Tất Thành (14 ha), Trường cao đẳng Tài chính hải quan (21 ha), ký túc xá Trường Bưu chính viễn thông…

Theo lý giải của lãnh đạo quận 9, các dự án trên đều có quy mô lớn, do đó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân nếu dự án kéo dài không thực hiện.

Ngoài ra, tại huyện Củ Chi, theo thống kê từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, hiện huyện có hơn 20.000 hộ dân mắc kẹt trong vùng quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc rộng 5.000 ha, Khu công nghiệp Bàu Đưng 175 ha, Khu viện trường y tế 105 ha và Khu công nghiệp hóa dược 220 ha…

Hệ thống dự án phát triển giao thông của Thành phố hiện cũng bị điểm mặt trong những ngành có dự án treo nhiều nhất. Đơn cử như các dự án bến đậu xe ngầm, dù đã được UBND TP.HCM quy hoạch từ năm 2003 với chủ trương xây dựng 4 dự án bãi xe ngầm là Lê Văn Tám, Trống Đồng, Hoa Lư và Tao Đàn. Sau đó, các dự án đều có chủ đầu tư “xí phần” xây dựng, nhưng rồi đều bỏ dự án.

Riêng chỉ có dự án tại Công viên Lê Văn Tám do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư có chuyển động. Tuy vậy, dự trù dự án được động thổ từ năm 2010, nhưng rồi tới nay dự án vẫn chỉ dừng lại ở lễ động thổ.

Còn theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), trên địa bàn Thành phố hiện có 1.409 dự án, trong đó có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc chủ trương đầu tư đã hết hạn. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai, có đến 405 dự án chưa khởi công.

Trong số 325 dự án đã khởi công, có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công, số lượng lên đến 502 dự án, chiếm 41,18% tổng số dự án.

Đây cũng chỉ là một số ít những dự án “treo” hoặc quy hoạch xong để đó trên địa bàn TP.HCM hiện nay.

Tìm hướng thoát “treo”

Để thoát “treo”, tại cuộc họp bàn về các vấn đề kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với UBND các quận, huyện đánh giá việc thực hiện quy hoạch hiện nay của các địa phương.

Trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh quy hoạch lại những khu vực thuộc các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 còn vướng mắc, không khả thi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

UBND cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất việc bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp cấp phép xây dựng có thời hạn vào dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2015 của UBND Thành phố quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Thành phố cũng sẽ điều chỉnh Quyết định số 27/2014 về cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng trên địa bàn Thành phố nhằm tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong khu vực có chức năng quy hoạch là đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới.

Để giải quyết tình trạng dự án treo, từ đầu năm 2017 đến nay, hầu hết các quận, huyện đã trình đề xuất điều chỉnh quy hoạch tại địa phương mình. Nhờ đó, hàng loạt dự án “treo” đã được rà soát và thực hiện điều chỉnh, giúp quyền lợi của người dân được đảm bảo.

Theo một số chuyên gia, hiện nay, hàng loạt dự án quy hoạch “treo” không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại khu vực đó, mà còn làm bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhách. Chính vì thế, những dự án không thể thực hiện được thì nên thu hồi để kêu gọi đầu tư hoặc điều chỉnh mục tiêu quy hoạch. Có như thế, mới hoàn thành được chương trình phát triển và chỉnh trang đô thị mà Thành phố đã đề ra.

Ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, cái khó nhất trong quy hoạch của TP.HCM hiện nay là việc giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được. Chính khâu bồi thường trì trệ, kéo dài, không dứt điểm nên dự án không triển khai được.

Thực tế, mức đền bù, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất hiện nay đã cải thiện, nhưng giá vẫn còn quá thấp so với giá thị trường. Số tiền người dân nhận được từ việc bồi thường đất bị thu hồi không đủ để tạo lập nơi ở mới. Quá trình thu hồi đất đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, từ đó phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, làm đình trệ tiến độ triển khai dự án.

Những năm qua, Thành phố đã chủ trương thu hồi dự án “treo” và thực tế, đã ra nhiều quyết định xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư và điều chỉnh nhiều đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, việc xóa dự án treo chỉ là chuyển từ dạng treo này sang dạng treo khác, chứ không xóa được tận gốc dự án, quy hoạch treo và trả lại hoàn toàn quyền lợi cho người dân.

Còn ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM thì cho rằng, có 2 nguyên nhân chính, đó là chưa xác định được nguồn lực thực hiện và chưa có cơ chế chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch hiện nay cho thấy, Thành phố không có đủ nguồn lực để thực hiện, kèm theo chính sách về đất đai vẫn còn những điểm không công bằng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Những hạng mục cơ sở hạ tầng như đường sá, trường học, bệnh viện dựa vào nguồn lực vốn ngân sách Trung ương và địa phương, vốn vay ODA, nhưng những khu vực quy hoạch công viên cây xanh, mà ngân sách không gánh nổi, thì phải có cơ chế thu hút đầu tư cởi mở hơn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan