Horea đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ cho các dự án gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng.
ảnh: Lê Toàn

Horea đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ cho các dự án gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. ảnh: Lê Toàn

TP. HCM làm gì với hàng trăm dự án đắp chiếu?

(ĐTCK) Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, hiện Thành phố có 1.219 dự án phát triển nhà ở, trong đó có 405 dự án chưa khởi công. Trong các dự án đã khởi công, có 97 dự án đang tạm ngừng thi công. TP. HCM sẽ làm gì đối với các dự án này là câu hỏi mà thị trường vẫn đang chờ đợi.

Tại cuộc họp báo quý III/2015, Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, từ khi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực trong danh sách các dự án trễ nói trên, TP. HCM chỉ có 2 dự án đủ điều kiện mở bán. Như vậy, vẫn còn hàng trăm dự án chưa triển khai hoặc dừng thi công.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, thị trường bất động sản TP. HCM trong 10 năm qua còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế và yếu kém, nhất là tính minh bạch.

Tuy nhiên, làm gì để thị trường minh bạch dường như còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Để khắc phục những hạn chế của thị trường, các cơ quan quản lý chỉ đưa ra được giải pháp mang tính “tạm thời” chứ chưa phải bài toán tổng thể.

Năm 2014, TP. HCM cũng đã có đợt tổng rà soát và khoanh vùng các dự án, trong đó có việc kiên quyết thu hồi các dự án “ngâm” quá lâu. Sau đợt xử lý đó, hiện vẫn còn đến 502 dự án cần câu trả lời thỏa đáng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (Horea) cho biết, nguyên nhân chính gây nên tình trạng các dự án chưa khởi công được là do ách tắc trong giải phóng mặt bằng. Thậm chí, nhiều dự án rơi vào tình trạng chỉ còn duy nhất 1 hộ dân, nhưng 2 bên không thể thỏa thuận đền bù, khiến dự án phải bất động cả năm trời. Đơn cử như dự án Khu dân cư Phú Mỹ (quận 7), trong 5 năm vẫn không thể tiến hàng đền bù cho 1 hộ dân có diện tích 700 m2, nên dự án này vẫn chưa thể khởi công.

“Nhiều chủ đầu tư cho biết, họ chỉ có thể đền bù bằng hoặc cao hơn giá thị trường đôi chút, còn giá “ngất ngưởng” trên trời thì không thể đền bù. Phần lớn các dự án chưa khởi công là do quy định chủ đầu tư tự thỏa thuận đền bù với người dân”, ông Châu cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành khuyến nghị, Nhà nước cần “xắn tay” vào cuộc cùng với doanh nghiệp thì mới có thể xử lý dứt điểm ách tắc trong giải phóng mặt bằng.

Không chỉ ách tắc trong giải phóng mặt bằng, nhiều dự án “chết” hiện nay tại TP. HCM còn do được thực hiện bởi các chủ đầu tư yếu kém, thiếu năng lực. Các dự án này được ra đời trong bối cảnh “trăm hoa đua nở, trăm nhà làm bất động sản”, kéo theo hệ lụy dự án đắp chiếu, bỏ hoang. Đại diện Sở Xây dựng cho biết, với các dự án này sẽ giải pháp quyết liệt, triệt để, trong đó có cả việc thu hồi dự án.

“Thực tế, các chủ đầu tư phải chuẩn bị quỹ đất sạch từ khi dự án chưa có tiềm năng, chứ tiềm năng đã lộ ra rồi thì khó thỏa thuận đền bù với người dân”, ông Đực đánh giá.

Trước thực trạng nhiều dự án còn vướng khâu giải phóng mặt bằng, Horea đã kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, nếu dự án đã bồi thường được trên 80%, thì cho phép doanh nghiệp triển khai thay vì đợi giải phóng mặt bằng 100%. Như vậy, tự thân rất nhiều dự án trong số 502 dự án bất độn sản nói trên sẽ “sống” lại.

Đại diện một số doanh nghiệp bất động sản cho biết, họ hy vọng kiến nghị về việc giải phóng mặt bằng trên 80% được quyền triển khai dự án của Horea được các cơ quan quản lý thông qua. Khi đó, nhiều vấn đề vướng mắc trong khâu này sẽ tự động được tháo gỡ. Nhiều chủ đầu tư cho biết, họ sẵn sàng đền bù ngang giá thị trường, còn với các trường hợp đòi hỏi giá khó chấp nhận, thì kể cả dự án trong tình trạng “da báo” vẫn triển khai bình thường.

Trên thực tế, nếu quy định này được thông qua, nhiều hộ dân sẽ không thể làm căng, đòi đền bù giá quá cao so với giá thị trường, bởi nếu làm như thế, nhiều khả năng phần đất của họ sẽ bị “kẹt” trong dự án.

Ông Trần Hải Minh, Tổng giám đốc Công ty Tecco cho rằng, Nhà nước nên “chốt” lại mức giá đền bù, ở mức cao nhất và thấp nhất, dựa trên tính toán giữa bảng giá đất ban hành và giá thị trường ở một tỷ lệ thích hợp. mục tiêu lớn nhất là phải cân đối lợi ích giữa các bên.

Không chỉ ách tắc trong giải phóng mặt bằng, nhiều dự án “chết” hiện nay tại TP. HCM còn do được thực hiện bởi các chủ đầu tư yếu kém, thiếu năng lực. Các dự án này được ra đời trong bối cảnh “trăm hoa đua nở, trăm nhà làm bất động sản”, kéo theo hệ lụy dự án đắp chiếu, bỏ hoang. Đại diện Sở Xây dựng cho biết, với các dự án này sẽ giải pháp quyết liệt, triệt để, trong đó có cả việc thu hồi dự án.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tham gia cuộc bình chọn Khu đô thị đáng sống 2015 (Báo đầu tư Bất động sản)

Tin bài liên quan