Diện mạo đô thị TP. HCM ngày càng khang trang, hiện đại nhờ các công trình hạ tầng giao thông và công trình kiến trúc bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

Diện mạo đô thị TP. HCM ngày càng khang trang, hiện đại nhờ các công trình hạ tầng giao thông và công trình kiến trúc bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

TP. HCM: Để trở thành thành phố đáng sống

(ĐTCK) Không phải là tất cả, nhưng diện mạo của một đô thị thường được tạo thành từ điểm nhấn là những công trình kiến trúc, những khu đô thị hiện đại, xanh mát. Sự phát triển của kinh tế, sự phục hồi của thị trường bất động sản đang góp thêm những lực đẩy tạo nên diện mạo mới, khang trang, hiện đại của TP. HCM sau 41 năm giải phóng.

Từ sự bứt phá của hạ tầng

Nếu nhìn lại chặng đường 40 năm có lẽ quá dài để nói về sự đổi thay diện mạo của TP. HCM, song nhìn lại khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, chúng ta sẽ có cái nhìn cận cảnh hơn về sự thay đổi mạnh mẽ của siêu đô thị này. Trong sự thay đổi đó, điều mà nhiều người dễ nhận thấy nhất là là đột phá trong phát triển tầng và các công trình kiến trúc.

Liên tục trong nhiều năm qua, hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm đã và đang từng bước được hoàn thành, mở toang cánh cửa kết nối TP. HCM với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

"Chất lượng sống mới là thước đo cao nhất, chính xác nhất cho hiệu quả hoạt động... Đáng sống bởi chất lượng đời sống, an toàn, văn minh, dễ lập nghiệp và là nơi mọi người sống với nhau trọn nghĩa vẹn tình" - Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng.

Ở khu vực phía Đông, các công trình mang đậm dấu ấn của TP. HCM đã chính thức đưa vào hoạt động, như hầm Thủ Thiêm, đường Võ Văn Kiệt nối liền khu vực trung tâm Thành phố với quận 2 và quận 9. Cầu Sài Gòn 2 cũng đã được đưa vào sử dụng, tạo sự liên kết hoàn chỉnh giữa trung tâm TP. HCM với toàn khu Đông, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các quận, huyện với nhau. 

Bên cạnh đó, hàng loạt tuyến đường từ quận 9, quận 2 nối với quận 7 bằng cầu Phú Mỹ, cầu Thạnh Mỹ Lợi cũng đã thông suốt. Đặc biệt, tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành, giúp việc di chuyển từ TP. HCM đến Long Thành chỉ mất khoảng 15 phút, đồng thời mở toang cánh cửa kết nối của toàn khu Đông với các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Một đại công trường khác ở phía Đông Thành phố không thể không nhắc đến là đường Phạm Văn Đồng, nối từ sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức, đã chính thức được đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian đi từ Thủ Đức đến Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân sống trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức ví von, nếu không có đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức có lẽ trở thành một ốc đảo.

Trong khi đó, ở khu Nam, cùng với sự hình thành của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, các tuyến giao thông trọng điểm, như Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Hữu Thọ đã thông suốt, kéo theo hàng loạt dự án trường học, bệnh viện, ngân hàng được xây dựng. Hiện nhiều công trình hạ tầng khác cũng được Thành phố chuẩn bị xây dựng theo định hướng Quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 là phát triển thành “thành phố mở”, tập trung nối liền các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, công trình đầu mối giao thông liên vùng để gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, sẽ phát triển khu Nam gồm các quận 6, 7, 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh thành một đô thị vệ tinh. 

Đến dấu ấn của doanh nghiệp bất động sản

Cùng với câu chuyện phát triển hạ tầng, góp phần làm thay đổi diện mạo của TP. HCM trong những năm qua không thể không nói đến sự góp sức của các doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh bất động sản. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp địa ốc chuyên nghiệp đã từng bước khai sinh hàng loạt dự án, khu đô thị chất lượng. Trong đó, đáng chú ý nhất có Tập đoàn Novaland với hàng chục dự án được phát triển nhanh chóng, trải đều khắp các quận, huyện của Thành phố.

Sự đầu tư và phát triển hàng loạt dự án của Novaland không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị Thành phố, mà còn mang đến cơ hội hợp tác và phát triển của các đối tác lớn, cũng như khách hàng, mở rộng hợp tác với các tổ chức tín dụng, tăng cường hợp tác với các công ty xây dựng dân dụng, hạ tầng, vật liệu xây dựng, thiết kế kiến trúc, quản lý bất động sản và môi giới bất động sản, tạo nên giá trị gia tăng cho cộng đồng và xã hội.

Đến nay, Novaland đã bàn giao đúng tiến độ hơn 6.000 căn hộ, đưa 7 công trình nhà ở đi vào sử dụng, tạo cơ hội “an cư phát nghiệp” cho hàng vạn trí thức của TP. HCM.

Bằng sự say mê khám phá, cũng như nỗ lực giữ vững chất lượng công trình theo các tiêu chuẩn quốc tế, Novaland sẽ là một trong những thương hiệu Việt có khả năng hội nhập và góp phần vào sự phát triển của thành phố.

Ngoài Novaland, những doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực đầu tư bất động sản góp phần đáng kể làm cho Thành phố thêm bừng sáng thời gian qua còn có Vingroup, Hưng Thịnh, Him Lam, Đất Xanh, Đại Quang Minh, Phú Long... Trong đó, Hưng Thịnh đã phát triển thành công gần 20 dự án bất động sản ở nhiều quận, huyện của TP. HCM trong 3 năm qua, Him Lam với một loạt dự án khu đô thị, căn hộ đã được đầu tư xây dựng bài bản như Khu đô thị Him Lam Riverside quận 7, Khu phức hợp Him Lam Chợ Lớn...

Trong số những dự án hứa hẹn sẽ làm thay đổi bộ mặt của TP. HCM thời gian tới, phải kể đến Dự án Khu đô thị Sa La do CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư. Dự án này nằm dọc theo Đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2), có quy mô 37,15 ha, tổng số nhà ở là 1.131 căn, với các chức năng thương mại, trường học, nhà văn hóa, công viên... Ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Đại Quang Minh cho biết, sẽ biến Khu đô thị Sa La thành một trong những khu đô thị kiểu mẫu đẹp nhất nước.

Một đại dự án khác là Vinhomes Golden River do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư sắp ra mắt cũng đang trở thành tâm điểm của thị trường. Đây là dự án Trung tâm phức hợp Sài Gòn Ba Son, tọa lạc ngay tại quận 1, TP. HCM với mục tiêu biến khu đất có tổng diện tích 25,3 ha thành khu đô thị sinh thái sang trọng và hiện đại bậc nhất Việt Nam. Cùng với dự án này, trước đó, Vingroup đã đầu tư xây dựng Dự án Vinhomes Central Park, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017, trong đó có tòa nhà cao nhất TP. HCM, sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị cho toàn khu vực này.

Và để trở thành thành phố đáng sống

TP. HCM ngày nay đã trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, thương mại lớn và là cửa ngõ giao thương với nước ngoài của toàn vùng Nam Bộ, được xác định là đầu tàu kinh tế của cả nước. Với vai trò đặc biệt quan trọng đó, TP. HCM đang từng bước tự hoàn thiện trong mọi ngành, lĩnh vực, để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế của cả Vùng.

Để trở thành một thành phố đáng sống, cần sự phát triển một cách toàn diện các lĩnh vực, từ hạ tầng giao thông, giáo dục, ý tế, các dịch vụ sống, an ninh trật tự... Trong đó, chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị được xem là ưu tiên hàng đầu cho chiến lược phát triển mới.

Theo định hướng phát triển, TP. HCM sẽ là đô thị năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững; là vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghiệp công nghệ cao với trình độ chuyên môn hóa cao; đồng thời là trung tâm văn hoá, đào tạo, y tế chất lượng cao; là vùng có cảnh quan và môi trường tốt.

Tại buổi tổng kết phong trào thi đua yêu nước do UBND TP. HCM tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng cho rằng, Thành phố cần nỗ lực vượt bậc mới mong thoát cảnh tụt lại phía sau. “Chất lượng sống mới là thước đo cao nhất, chính xác nhất cho hiệu quả hoạt động”, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi, tinh thần yêu nước trong thi đua lao động, sáng tạo, học tập, thi đua khởi nghiệp… để cùng biến TP. HCM thành nơi có chất lượng sống tốt với bất cứ ai. Đáng sống bởi chất lượng đời sống, an toàn, văn minh, dễ lập nghiệp và là nơi mọi người sống với nhau trọn nghĩa vẹn tình.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Đinh La Thăng, TP. HCM chắc chắn phải lấy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp “khai sinh” tại Sài Gòn làm đầu tàu phát triển, làm “xương sống” vận hành, trong đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển bất động sản, xây dựng là đặc biệt quan trọng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan