Nếu thống kê đầy đủ, hàng tồn kho bất động sản chắc chắn sẽ cao hơn nhiều con số cơ quan chức năng công bố

Nếu thống kê đầy đủ, hàng tồn kho bất động sản chắc chắn sẽ cao hơn nhiều con số cơ quan chức năng công bố

Tồn kho bất động sản, giảm nhưng vẫn căng

(ĐTCK) Hàng tồn kho bất động sản theo công bố của cơ quan quản lý tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm, nhưng tốc độ đã chậm hơn và với sự chững lại của thị trường, những tháng cuối năm, tình hình tồn kho sẽ tiếp tục căng thẳng.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong 6 tháng đầu năm 2016, tồn kho bất động sản giảm 13.400 tỷ đồng, tương ứng hơn 26% so với cuối năm trước, đưa tổng giá trị tồn kho bất động sản cả nước tính đến cuối tháng 6/2016 xuống còn khoảng 37.489 tỷ đồng.

Trong đó, tại thị trường Hà Nội, giá trị tồn kho bất động sản hiện còn khoảng 5.888 tỷ đồng, giảm 858 tỷ đồng so với cuối tháng 12/2015. Trong các phân khúc, lượng tồn kho căn hộ chung cư giảm mạnh, chỉ còn khoảng 171 căn, tương đương 191 tỷ đồng, tồn kho nhà thấp tầng 1.939 căn, giá trị khoảng 5.697 tỷ đồng.

Còn lượng tồn kho tại TP. HCM là 6.815 tỷ đồng, trong đó giá trị tồn kho cao nhất nằm ở phân khúc chung cư với 2.588 căn, tương đương 4.406 tỷ đồng, tiếp đến là đất nền nhà ở 264.629 m2, xấp xỉ 1.203 tỷ đồng, nhà thấp tầng 275 căn, tương đương 770 tỷ đồng. Thấp nhất là tồn kho đất nền thương mại với 34.318 m2, tương đương 437 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, dù lượng tồn kho đã giảm, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại.

Trong khi đó, theo các thành viên thị trường, cần “cắt nghĩa” đúng hơn về lượng hàng tồn kho. Trong hơn 2 năm qua, với sự ấm lên của thị trường và hoạt động chuyển nhượng dự án sôi động, nhiều dự án “chết lâm sàng” đã được “hồi sinh”, giúp hàng tồn kho giảm bớt. Thế nhưng, điều đáng nói là những dự án này được “hồi sinh” có số lượng sản phẩm được tiêu thụ không nhiều, nhưng lượng sản phẩm còn lại không nằm danh sách hàng tồn kho.

Ngoài ra, với sự chững lại của thị trường trong thời gian qua do tác động từ việc siết dần tín dụng và ảnh hưởng không tốt từ danh sách các dự án thế chấp ngân hàng, nhiều khả năng, lượng hàng tồn kho bất động sản những tháng cuối năm sẽ tăng trở lại. Cụ thể, theo Savills, trong quý II/2016, thị trường đón nhận trên 17.370 căn hộ, nhưng tỷ lệ hấp thụ giảm từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước.

Khảo sát của Đầu tư Bất động sản tại một số đơn vị phân phối cho thấy, phần lớn lượng giao dịch thành công trong thời gian vừa qua là các dự án mới với hạ tầng và tiện ích được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện của các chủ đầu tư uy tín, còn nhiều dự án vẫn chỉ có thanh khoản lẹt đẹt.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP-Invest cho biết, số lượng dự án mới được bung ra thị trường trong năm 2016 là khá lớn, trong đó phần lớn là các dự án bất động sản cao cấp. Trong khi đó, chủ yếu nhu cầu hiện tại của người mua là nhà ở thu nhập thấp và giá rẻ. Sự lệch pha giữa cung và cầu lớn sẽ khiến hàng tồn kho tăng mạnh như một điều khó tránh khỏi.

Còn theo giám đốc một sàn giao dịch lớn có trụ sở tại Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nỗi lo tồn kho tăng lên không chỉ khiến các chủ đầu tư phải tìm mọi cách bán hàng với việc đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, mà ngay cả các đơn vị phân phối cũng bị quay như chong chóng.

Trong những tháng còn lại của năm, cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt trên thị trường, đặc biệt là tại những dự án nằm trong khu vực có nhiều dự án cùng phân khúc và cùng giá bán quận Hoàng Mai, quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm hay Cầu Giấy.

“Sức cầu là hữu hạn, do đó những dự án mới ra mắt thị trường nếu không có những điểm nhấn đặc biệt, mà chỉ là những lời mời chào chung chung, như vị trí đắc địa, hoặc ăn theo hạ tầng sẽ rất khó để cạnh tranh với những dự án vốn đã có thanh khoản cao của các chủ đầu tư có thương hiệu như Vingroup, FLC, TNR. Chưa kể, những dự án này còn kém trong các hoạt động truyền thông mang tính chính thống, dẫn đến việc khách hàng không đặt nhiều niềm tin về chủ đầu tư. Do đó, khả năng ế ẩm ngay khi vừa ra mắt thị trường là rất có thể xảy ra”, vị giám đốc này chia sẻ thêm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan