Dù không bị thắt mạnh đột ngột, nhưng tín dụng địa ốc thời gian tới sẽ không còn dễ dãi như trước. Ảnh: Dũng Minh

Dù không bị thắt mạnh đột ngột, nhưng tín dụng địa ốc thời gian tới sẽ không còn dễ dãi như trước. Ảnh: Dũng Minh

Tín dụng hết “dễ dãi”, doanh nghiệp địa ốc tính cách gì?

(ĐTCK) Việc siết chặt tín dụng trong ngắn hạn đã không xảy ra như nhiều người lo ngại, nhưng về lâu dài, các ngân hàng thương mại sẽ kiểm soát chặt cho vay bất động sản. Điều này buộc các doanh nghiệp phải có những hướng đi mới, bài bản hơn nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.

Theo Thông tư 06/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 36/2104, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 50% từ ngày 1/1/2017 và giảm tiếp còn 40% từ ngày 1/1/2018. Ngoài ra, hệ số rủi ro của các khoản vay bất động sản sẽ tăng từ 150% lên 200% từ đầu năm 2017.

So với bản dự thảo công bố trước đó, quy định tại Thông tư 06 có phần “nhẹ nhàng” hơn để giúp thị trường có sự chuẩn bị tốt hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tín dụng cho bất động sản vẫn theo hướng siết.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Phân tích CBRE Việt Nam cho rằng, nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi Thông tư 06, mà chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Chỉ đến cuối năm, chính sách mới thể hiện tác động rõ hơn, trong đó các dự án mới triển khai, hoặc bắt đầu triển khai sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng khi việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn. Khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch triển khai các dự án, để giảm rủi ro trong dài hạn.

Theo bà An, ngoài việc phải tính tới việc hợp tác với nhiều chủ đầu tư khác đang có nhu cầu cùng triển khai, thì doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi cả cơ cấu sản phẩm.

“Việc thay đổi cơ cấu sản phẩm ở đây không có nghĩa là phải thu gọn và tinh giảm số lượng căn hộ của dự án, mà là phải tính toán lại thời điểm mở bán và cung sản phẩm ra sao cho phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường”, bà An cho biết.

Ở góc nhìn khác, ông Lê Hà Giang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Long Giang Land cho biết, doanh nghiệp này đã đề ra các kịch bản cho việc triển khai và thực hiện mở bán 2 dự án mới mang thương hiệu Rivera Park tại TP. HCM và Hà Nội. Theo đó, dự tính kịch bản xấu nhất là tín dụng thắt chặt và thị trường có diễn biến kém tích cực, nhờ vào nguồn lực sẵn có, cùng với huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và trái phiếu, Long Giang Land sẽ vẫn tiếp tục thực hiện triển khai dự án theo tiến độ. Sau đó, tùy từng thời điểm, điều kiện của thị trường, Công ty sẽ tung hàng ra thị trường.

Theo ông Giang, phương án này về cơ bản vẫn sẽ giúp đảm bảo tiến độ dự án, mà không bị tác động quá nhiều từ diễn biến của tín dụng và thị trường. Mặc dù Công ty vẫn sẽ sử dụng vốn vay ngân hàng khi triển khai dự án, nhưng với việc cơ cấu ngay từ đầu theo hướng này, sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Công ty Bất động sản Thế kỷ cho biết, thắt chặt tín dụng là việc làm cần thiết để đưa thị trường vào trạng thái ổn định hơn. Tất nhiên, sẽ có ảnh hưởng nhất định cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Thế nhưng, khi đó mới rõ đâu sẽ là những chủ đầu tư có năng lực thực sự.

“Họ sẽ bắt buộc phải thông minh hơn, sáng suốt hơn, có các kế hoạch triển khai dự án một cách rõ ràng và tốt hơn, thay vì cứ phụ thuộc vào “bầu sữa” tín dụng từ các ngân hàng. Sân chơi tương lai là dành cho những doanh nghiệp có tầm vóc và năng lực thực sự. Như vậy, thị trường mới ổn định và công bằng hơn”, ông Hưng nhấn mạnh.

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân

Việc sớm tìm ra các giải pháp phát triển nguồn vốn mới cho sự phát triển chung của thị trường là rất cần thiết. Hiện tại, có rất nhiều các giải pháp được đưa ra như chứng khoán hóa bất động sản (bao gồm niêm yết doanh nghiệp trên sàn chứng khoán hoặc cho phép mua bán bất động sản hình thành trong tương lai có thể chuyển sang niêm yết theo dự án và trả bất động sản theo số lượng cổ phiếu, phát triển Quỹ tín thác REIT) hoặc cho phép thế chấp bằng bất động sản Việt Nam tại các ngân hàng thương mại nước ngoài…

Đây đều là những biện pháp mang tính khả thi có thể mang lại hiệu quả trên nhiều phương diện, đồng thời cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cũng tương đối đầy đủ hoặc đang được tiến hành xem xét một cách kỹ lưỡng, do đó rất cần được sớm nghiên cứu triển khai.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan