Nhiều chủ đầu tư bất động sản thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2016

Nhiều chủ đầu tư bất động sản thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2016

Tín dụng “hăm” bị siết, doanh nghiệp địa ốc chùng kế hoạch kinh doanh

(ĐTCK) Khác với tâm lý hồ hởi những ngày trước Tết Nguyên đán, không khí kinh doanh của thị trường địa ốc phía Nam đang có dấu hiệu chựng lại, trong đó nguyên nhân chính yếu là do thông tin tín dụng bất động sản sẽ bị siết lại.

DN trước nỗi lo tín dụng bị siết

Những tín hiệu siết lại tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thể hiện khá rõ qua các dự thảo nội dung sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN như quy định các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, thay vì được 60%; xếp “Các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” vào “Nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250%” thay vì hệ số 150% như hiện nay.

Mặc dù còn là dự thảo, thông tin trên của NHNN đã gây lo lắng cho không ít các DN địa ốc. Tại TP. HCM, Novaland được đánh giá là một trong những tập đoàn hàng đầu về phát triển các dự án bất động sản. Năm 2015, Novaland đã tung hàng chục dự án ra thị trường và đã có gần 6.000 giao dịch thành công, bàn giao hơn 2.500 căn hộ cho khách hàng. Tuy nhiên, năm 2016 này, Tập đoàn đặt chỉ tiêu kinh doanh khá dè dặt với dự kiến sẽ chỉ giới thiệu ra thị trường 5 dự án mới với mục tiêu tiêu thụ chỉ khoảng 4.000 sản phẩm.

Theo một lãnh đạo Novaland, sở dĩ Tập đoàn đưa ra mục tiêu kinh doanh khá “khiêm tốn” so với năm 2015 xuất phát từ tín hiệu NHNN hạn chế và kiểm soát tín dụng. “Chúng tôi sẽ tập trung phát triển và hoàn thành dự án đã công bố, hạn chế mua thêm dự án mới để kiểm soát tín dụng, không tăng dư nợ, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng sản phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản cũng như của Tập đoàn Novaland.” vị lãnh đạo này cho biết.

Tương tự, trước Tết Nguyên đán, tổng giám đốc một DN địa ốc có quy mô lớn tại TP. HCM khi trao đổi với phóng viên còn lạc quan tuyên bố, năm 2016 tung ra thị trường gần 10 dự án với ít nhất 6.000 căn hộ. Tuy nhiên, mới đây, vị này cho rằng, nếu tín dụng bất động sản bị siết như thông tin NHNN công bố, chắc chắn kế hoạch kinh doanh của DN sẽ thay đổi theo chiều hướng co cụm lại. “Thị trường bất động sản liên quan mật thiết với tín dụng ngân hàng. Nếu tín dụng bị siết, chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường”, lãnh đạo DN này nói.

Ở một góc độ khác, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land cũng cho rằng, tín dụng bất động sản bị siết chắn chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường, đặc biệt sẽ tác động tâm lý đến giới đầu cơ, đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Phúc, do mục tiêu của Him Lam Land là đầu tư các dự án phục vụ đối tượng khách hàng có nhu cầu thật về nhà ở, nên vẫn sẽ giữ nguyên kế hoạch đầu tư ban đầu. Theo đó, mục tiêu chủ đạo trong năm 2016 của Him Lam Land sẽ tung ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ cao cấp có giá trị  từ 1 đến 1,5 tỷ đồng và đối tượng khách hàng hướng đến là giới trẻ. 

Thị trường sẽ ra sao nếu tín dụng bị siết?

Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào 2 nguồn vốn gồm: vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Đồng thời, trên thực tế, một lượng không nhỏ nguồn vốn huy động từ khách hàng cũng lại có nguồn gốc từ tín dụng ngân hàng. Đặc biệt, hoạt động đầu tư phát triển, kinh doanh bất động sản là hoạt động có tính chất trung hạn, dài hạn, nhưng trên thực tế chưa có cơ chế đầy đủ để tạo lập nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn.

Từ thực tế trên, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng một số kiến nghị. Theo Hiệp hội, Thông tư 36 mới được triển khai thực hiện 1 năm và đang phát huy tác dụng tích cực đến nền kinh tế và góp phần củng cố đà phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp nên cần được tiếp tục thực hiện.

Tính đến nay, các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, kiểm soát lạm phát đang được giữ vững; Chưa có nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2016 nếu Nhà nước có những biện pháp hiệu quả khi xuất hiện hiện tượng đầu cơ như: (i) Thuế chống đầu cơ;(ii) Sử dụng công cụ tín dụng; (iii) Sử dụng công cụ quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất, quy hoạch phát triển không gian đô thị, phát triển các dự án nhà ở để điều tiết thị trường bất động sản.

Trong trường hợp bình thường như hiện nay, Hiệp hội đề nghị thực hiện theo phương án trên. Còn trong trường hợp NHNN có những nguồn thông tin dẫn đến yêu cầu bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN thì Hiệp hội đề nghị thực hiện "theo hướng có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng".          

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan