Mua chung cư, mua cả văn hóa ở
Tại những đô thị lớn "tấc đất, tấc vàng", đất chật người đông, không gian nào đáng sống luôn là câu hỏi thường trực với mỗi người mua nhà. Vậy cần đặt ra những chuẩn mực cụ thể nào cho không gian sống?
Hay chỉ đơn giản làm sao tìm một khu đô thị có nhiều cây hơn, có nhiều chỗ chơi cho trẻ con hơn? Thực tế, không đơn giản như vậy, bởi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao.
Một mái ấm hạnh phúc không đơn thuần chỉ là khung cảnh đẹp, là tận hưởng không gian xanh, mà quan trọng hơn, ở nơi đó, con người phải được phát huy toàn bộ năng lực của mình và cảm nhận cuộc sống một cách tốt nhất và cảm thấy bình yên, thanh thản.
Để làm được điều đó, trước hết, liên quan đến vấn đề tư duy xây dựng tổng thể đô thị của các cấp quản lý. Không một khu đô thị nào có thể đẹp, bình yên và phát triển bền vững giữa một không gian chung lộn xộn, thiếu tính kết nối cũng như thiếu hạ tầng xã hội trường học, bệnh viện, khu vui chơi công cộng…
Bên cạnh đó, khoảng cách từ quảng cáo đền dự án thực cũng là một vấn đề khi khách hàng gặp phải các chủ đầu tư chỉ có một mục đích trên hết là bán sản phẩm càng nhanh càng tốt.
Giữa trung tâm Hà Nội, đã từng có dự án chung cư được quảng cáo có rất nhiều không gian nhưng khi hoàn thành, thay vì 24 tầng như thiết kế ban đầu lại thành 25 tầng. Tại khu công cộng và tầng trệt, trẻ con bị lấn át không gian vui chơi và nhường chỗ lại cho cuộc chiến tranh giành của quán xá.
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, không chỉ thiếu không gian vui chơi, thực trạng trẻ em, nhất là các thành phố lớn ở trường nhiều hơn ở nhà, cuối tuần lại học thêm, trong khi bố mẹ bận rộn không có nhiều thời gian chơi cùng con đang ngày càng trở nên phổ biến.
Trong khi đó, nhiều thông tin về các vụ tai nạn, bắt cóc mà đối tượng ảnh hưởng lớn nhất là trẻ em lan tràn trên các mạng xã hội gần đây càng khiến tâm lý các bậc phụ huynh không muốn cho con ra ngoài.
“Hệ quả là trẻ nhỏ ngày càng dành thời gian nhiều hơn cho các thiết bị điện tử, điện thoại, máy tính, thay vì vận động vui chơi ngoài trời. Điều này ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của con trẻ, khiến các em mất đi sự hòa đồng, năng động, mất đi những trải nghiệm thú vị của tuổi thơ…”, ông Tùng nói và cho biết thêm, sự thiếu thốn không gian công cộng một phần lớn là do quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, dự báo phát triển còn khiên cưỡng, duy ý chí, hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị lạc hậu, chậm đổi mới… nên không đáp ứng được sự bùng nổ dân số và nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao hơn của cuộc sống.
Thực tế cho thấy, nhiều khu đô thị mới chật cứng các tòa nhà cao tầng, thiếu diện tích công cộng phục vụ cộng đồng, thiếu sân chơi cho trẻ em, nơi nghỉ dưỡng cho người già, cây xanh, vườn hoa và bãi để xe. Hay có những khu đô thị, cảm quan ban đầu rất đẹp, cư dân ào ạt vào ở nhưng sau đó mới “tỉnh” ra là không biết cho con học ở đâu, trường tư thục thì học phí quá cao, còn trường công lại phải đi rất xa.
Do đó, phụ huynh trong các gia đình hiện đại rất cân nhắc về việc lựa chọn căn hộ, để nó không chỉ là nơi an cư lạc nghiệp, xây dựng tổ ấm, mà còn là nơi để con trẻ có thể phát triển một cách toàn diện, góp phần định hình tốt cho tương lai con cái mình.
"Với những yêu cầu ngày càng cao như vậy, rõ ràng, cần có sự thay đổi về cách nhìn nhận về phát triển không gian sống không chỉ với các chủ đầu tư, mà phải bắt đầu từ các nhà quản lý, định hình kiến trúc đô thị.
Ngay cả với các dự án có vị trí đắc địa ngay trung tâm, nếu không tạo ra giá trị khác biệt, nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn sống tối thiểu như cây xanh, siêu thị, hay trường học thì rõ ràng không thể nào gọi là không gian đáng sống, dù có được quảng cáo là cao cấp đến mấy. Những dự án đó chắc chắn sẽ khó có thể được những khách hàng khó tính chấp nhận", ông Tùng nhấn mạnh.
Tầng lớp trung lưu sẽ định hình thị trường
Báo cáo về triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam năm 2018 của CBRE Việt Nam cho thấy, nhu cầu nhà ở trung cấp hiện rất lớn, đặc biệt tại những khu đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong năm 2017, thị trường nhà ở tại TP.HHCM và Hà Nội tiếp tục đà phát triển.
Ở hai thành phố này, có tổng cộng 66.000 căn hộ được chào bán và 59.000 căn hộ được hấp thụ. Giao dịch thực tế cho thấy, mô hình căn hộ chung cư đang ngày càng phổ biến hơn với người dân đô thị Việt Nam do tính tiện lợi, tích hợp được nhu cầu thụ hưởng không gian sống văn minh với việc kết nối hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện.
Cũng theo báo cáo của CBRE, triển vọng của thị trường vẫn tiếp tục sáng sủa khi số người gia nhập tầng lớp trung lưu ngày càng lớn. Dự báo cho thấy, dân số có thu nhập từ 30 - 75 triệu đồng/tháng sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020.
Với mức thu nhập này, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn để nâng cấp chất lượng cuộc sống của mình, trong đó có mua sắm nhà cửa. Với sự thiếu hụt các dự án công về nhà ở, thị trường căn hộ theo dự báo của CBRE, sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi các chủ đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, câu chuyện hiện nay là làm sao thị trường bất động sản bắt kịp và bắt đúng nhu cầu rất lớn này?
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc khối phân tích CBRE Việt Nam cho biết, nếu như trước đây, các dự án nhà ở chỉ cần xây dựng chất lượng tốt, thiết kế thông thoáng là có thể bán, thì hiện nay, với đòi hỏi ngày càng cao của người mua nhà về một cuộc sống chất lượng hơn, chủ đầu tư không những phải chạy đua cung cấp tiện ích phong phú hơn, mà còn phải nỗ lực tìm kiếm những tiện ích độc đáo nhằm làm nổi bật dự án.
Đòi hỏi chung của tất cả khách mua nhà là các căn hộ đều có thiết kế thông minh, gần gũi với thiên nhiên. Sau này, những không gian xanh, công viên xanh đưa dần lên cao, đồng thời thiết kế căn hộ phải đáp ứng đón ánh sáng, khí trời.
Thời gian vừa qua, thị trường bắt đầu đón nhận những dự án với các điểm độc đáo “đầu tiên”, như lần đầu tiên có thang máy đi lên trực tiếp từng căn hộ, người mua được phép tùy chọn vật liệu hoàn thiện, hồ bơi riêng cho từng căn hộ, căn hộ với các tiêu chuẩn xanh, tiết kiệm năng lượng... Dẫu việc đánh giá tính hiệu quả của từng điểm khác lạ này vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng nỗ lực tìm kiếm những giá trị mới luôn được đánh giá cao, đặc biệt là với những cư dân, người trực tiếp thụ hưởng tại dự án.
Đồng quan điểm, ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, chủ đầu tư dự án Dragon Village tại quận 9, TP.HCM cho rằng, thay vì chỉ là nơi trú ngụ đơn thuần, nhà ở còn là nơi thể hiện những thị hiếu thẩm mỹ và công năng đa dạng. Khi đó, để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng ngày càng cao như hiện nay, thì trước mắt chủ đầu tư phải quan niệm rằng mình trước hết chính là người tiêu dùng khó tính nhất.
Đặt trong bối cảnh đó, ta sẽ biết cần làm cái gì để thay đổi, để tạo ra chuẩn mực sống, thay vì cứ bắt chước những mô típ mang tính công thức và nhanh chóng lỗi thời theo thời gian.
"Đã đến lúc chủ đầu tư cần dành thời gian để nghiên cứu những dự án thành công, để từ đó khơi nguồn cảm hứng giúp họ có thể tạo nên một sản phẩm mới hơn, tốt hơn. Họ sẽ phải trở thành những người sáng tạo ra những chuẩn mực mới chứ không chỉ tuân thủ những chuẩn mực cũ", ông Cường nhấn mạnh và cho biết thêm, bản thân Phú Long sau khi thành công với dự án Dragon City, cũng không bê hoàn toàn mô típ tại dự án này sang dự án Dragon Village, mà đã phải cách tân đi rất nhiều để chiều lòng và đáp ứng nhu cầu sống mới ngày càng rộng mở.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com