Tiếp vụ khách hàng “tố” Alma: Tên dự án hay tên doanh nghiệp?

(ĐTCK) Sau loạt bài về những dấu hiệu khuất tất liên quan đến Dự án Alma (Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) của Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, Báo Đầu tư Bất động sản tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều khách hàng “tố” chủ đầu tư gắn tên mình vào dự án khác trên các voucher, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Theo phản ánh của khách hàng tên T.N.V (TP.HCM), tin tưởng vào những thông tin do chủ đầu tư cung cấp về dự án có vốn đầu tư lên đến 300 triệu USD của tỷ phú Igal Ahouvi, đồng thời, trên voucher tặng khách hàng tham dự buổi giới thiệu dự án Alma cũng ghi rõ về khu biệt thự Alma Villa Dalat - Sacom Resort Tuyền Lâm, nên ông đã ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, có thể trao đổi kỳ nghỉ với các khách hàng tại khu biệt thự Alma Villa DaLat.

Sau loạt bài phản ánh của Đầu tư Bất động sản, ông đã nhờ người tìm hiểu, đồng thời trực tiếp kiểm tra lại thông tin do Công ty Vịnh Thiên Đường cung cấp thì thấy nhiều thông tin không rõ ràng tại các voucher mà Công ty đã tặng khách hàng.

Theo thông tin trên voucher, khách hàng sẽ được nghỉ 1 đêm tại Biệt thự Alma - Khu resort Sacom Tuyền Lâm dành cho 2 người (không kèm trẻ em).  Ông V. nghĩ rằng, đây là chính là Alma Villa Dalat (Biệt thự số 49 khu A, Khu nghỉ dưỡng Sacom, phường 3. TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là một căn biệt thự thuộc về Alma. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thông tin, ông V. phát hiện doanh nghiệp này chỉ có trụ sở chính tại Hát Giang, Nha Trang, Khánh Hòa và 1 chi nhánh ở Đà Lạt tại địa chỉ Biệt thự số 49 khu A, Khu nghỉ dưỡng Sacom, phường 3, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tiếp vụ khách hàng “tố” Alma: Tên dự án hay tên doanh nghiệp? ảnh 1

Nhãn hiệu Alma xuất hiện tại các voucher và phiếu quà tặng mua hàng mà Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường tặng gây nhẫm lần cho khách hàng 

Khu nghỉ dưỡng Sacom Tuyền Lâm do Công ty cổ phần Sacom Tuyền Lâm làm chủ đầu tư. Chính sự lập lờ này, ông V. từ chối tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường hoàn trả tiền đặt cọc, nhưng bị từ chối.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo những gì ghi trên voucher khách hàng cung cấp, có thể đánh giá, việc Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường lập lờ tên gọi biệt thự Alma Đà Lạt trên voucher là sai bản chất sự việc, làm cho khách hàng nhầm lẫn đây là dự án của công ty này, dẫn đến hiểu sai về quy mô và hình thức trao đổi kỳ nghỉ giữa các khách hàng của Công ty (khách thuê của dự án Alma tại Bãi Dài có thể trao đổi phòng thuê với khách thuê tại Alma Villa Dalat).

Việc không được trao đổi để nghỉ ở khu lịch khác trong nước sẽ rất khó cho khách hàng. Bởi rất ít người chọn đi du lịch chính xác vào 1 tuần cố định trong năm và chỉ tại một địa điểm duy nhất trong suốt gần 45 năm. Nếu để kinh doanh, thì việc thuê để cho thuê lại rất mất thời gian tìm khách, chịu mọi rủi ro, trong khi chi phí đầu tư ban đầu lớn và phải nộp phí hàng năm… Đặc biệt, điều này còn vi phạm pháp luật, vì không đăng ký kinh doanh, nên có thể bị tịch thu mọi lợi tức.

Ngoài ra, việc đặt văn phòng chi nhánh ở Khu nghỉ dưỡng Sacom Tuyền Lâm cũng sai quy định, vì dự án du lịch (cơ sở lưu trú) không thể cho công ty (pháp nhân) nào lưu trú theo giờ hay theo ngày. Toàn bộ khách du lịch khi nghỉ tại Khu nghỉ dưỡng Sacom đều được phục vụ phải tuân thủ quy định của cơ sở lưu trú của chủ cơ sở lưu trú, còn Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường chỉ đóng vai trò như đơn vị thuê lại hoặc điều hành tour. Các voucher Alma Villa Dalat này không rõ ràng về thời gian khách hàng hưởng và chỉ được dùng cho 2 người lớn (không kèm trẻ em) gây cảm giác như đánh đố.

“Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường đã vi phạm Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2015, theo đó tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp và tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Mặt khác, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định, cấm các hành vi tổ chức kinh doanh lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về: (1) hàng hoá, dịch vụ mà họ cung cấp; (2) uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của họ”, luật sư Phượng chia sẻ và cho biết, khách hàng đã ký hợp đồng có quyền khởi kiện ra tòa án để tuyên bố hợp đồng vô hiệu và yêu cầu Công ty hoàn trả tiền cọc, yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại (nếu có).

Thời hiệu yêu cầu Tòa án là 2 năm kể từ ngày người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối.

Theo ghi nhận của phóng viên, sự nhầm lẫn không chỉ cho những khách hàng cá nhân, mà còn gây nhầm lẫn với những đối tác có các chương trình liên kết, khuyến mại.

Cụ thể, cách đây không lâu, Công ty TNHH Mạng khoảnh khắc vui tại TP.HCM cũng bị nhầm với “Tập đoàn khách sạn nghỉ dưỡng Alma” khi nhãn hiệu Alma và của Công ty cùng xuất hiện trên phiếu quà tặng mua hàng dành cho khách hàng đăng ký và tham dự sự kiện giới thiệu về mô hình sở hữu kỳ nghỉ của Alma.        

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan