Các hiệp hội VLXD kiến nghị, Nhà nước cần dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước

Các hiệp hội VLXD kiến nghị, Nhà nước cần dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước

Thị trường vật liệu: Muốn tồn tại phải tìm “sự khác biệt”

(ĐTCK) Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và sự đi xuống của thị trường bất động sản, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) trong nước đã bị ảnh hưởng nặng nề, lượng tồn kho tăng cao, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

>> Vật liệu xây dựng ngóng bất động sản phục hồi

>> Doanh nghiệp vật liệu xây dựng bị lãng quên?

Hàng tồn kho “khủng”

Tại Hội nghị về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của ngành VLXD do Hội VLXD Việt Nam tổ chức mới đây, những số liệu về tình hình sản xuất - kinh doanh do các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất VLXD đưa ra rất đáng báo động.

Theo ông Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VLXD Việt Nam, mức tiêu thụ xi măng nội địa trong năm 2012 giảm 3,8 triệu tấn (tương đương 7,1%) so với năm 2011. Các lĩnh vực thép, gốm sứ, kính xây dựng… cũng có mức suy giảm tương tự. Sang năm 2013, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn.

Báo cáo của Hội VLXD cũng cho thấy, dù các nhà máy mới chỉ khai thác khoảng 50 - 80% công suất thiết kế, nhưng lượng hàng tồn kho vẫn rất lớn, do lượng tiêu thụ nội địa chậm, lại bị cạnh tranh bởi hàng ngoại nhập.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2013, dù công suất chỉ đạt khoảng 50%, nhưng hàng tồn kho kính xây dựng lên đến 2 - 2,5 tháng sản xuất. Gốm sứ xây dựng, công suất chỉ đạt 70%, nhưng hàng tồn kho lên đến 1,5 tháng sản xuất. Xi măng dù đẩy mạnh xuất khẩu, công suất cũng chỉ đạt 70,5%, nên dây truyền tại nhiều nhà máy phải dừng hoạt động. Bi kịch nhất là các nhà máy sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC), chỉ đạt 10 - 20% công suất, nhưng do không có đầu ra, nên nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa.

Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó tổng giám đốc CTCP Vinafacade, đồng thời là Phó tổng thư ký Hiệp hội Kính và thủy tinh Việt Nam còn đưa ra một con số giật mình về lĩnh vực kính xây dựng. Theo đó, lượng kính xây dựng dư thừa trong 6 tháng đầu năm 2013 lên đến 40%.

Dù lượng kính xây dựng trong nước tồn kho lớn, nhưng mặt hàng này vẫn được nhập khẩu với sản lượng rất lớn, tương đương 10% năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Sản lượng nhập khẩu lớn, mức giá lại rẻ hơn khoảng 10% giá các loại kính cùng loại do doanh nghiệp nội địa sản xuất, nên số lượng nhà máy kính nội địa gặp khó khăn phải ngừng sản xuất và sáp nhập do không chịu đựng được áp lực cạnh tranh là rất lớn.

Một số đại diện doanh nghiệp sản xuất xi măng cho biết, sức tiêu thụ nội địa 6 tháng đầu năm 2013 của ngành xi măng đã được cải thiện. Song để tiêu thụ sản phẩm và duy trì hoạt động nhà máy, doanh nghiệp xi măng vẫn phải tìm đường xuất khẩu.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp có chiến lược dài hạn, vẫn muốn tiếp tục đầu tư thêm dây truyền sản xuất để đón đầu xu hướng hồi phục của thị trường trong 2 - 3 năm tới, nhưng không dám đầu tư, bởi lãi suất hiện còn cao, nếu tiếp tục đầu tư, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ thua lỗ.

 

Phải cạnh tranh bằng “sự khác biệt”

Đánh giá về thị trường VLXD 6 tháng cuối năm, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp ngành VLXD đều có chung nhận định, thị trường VLXD sẽ tiếp tục khó khăn do thị trường bất động sản chưa thể phục hồi.

Để tháo gỡ khó khăn, đại diện nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội kiến nghị, Nhà nước cần tạo ra những hàng rào kỹ thuật như tăng thuế, hạn chế nhập khẩu, thậm chí, tiến hành kiện những doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá. Ngoài những hàng rào kỹ thuật trên, Nhà nước cũng cần có những chính sách kích cầu thị trường VLXD trong nước, thông qua việc gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Thừa nhận việc sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành VLXD trong nước là cần thiết, thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, chính các doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả, chất lượng và dịch vụ.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập, nên Nhà nước không thể bảo hộ các doanh nghiệp mãi. Vì thế, vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Sắp tới, hàng VLXD Trung Quốc và châu Âu tiếp tục vào Việt Nam nhiều hơn, vì thế, để tồn tại, ngoài phải cạnh tranh về chất lượng, giá cả, doanh nghiệp Việt phải tạo ra những giá trị khác biệt.

“Có sự khác biệt, doanh nghiệp VLXD mới có cơ hội tồn tại và phát triển”, ông Liêm nhấn mạnh.