6 tháng đầu năm, VICEM tiêu thụ 9 triệu tấn xi măng và 2 triệu tấn clinker. Ảnh: Lê Toàn

6 tháng đầu năm, VICEM tiêu thụ 9 triệu tấn xi măng và 2 triệu tấn clinker. Ảnh: Lê Toàn

Thị trường vật liệu 6 tháng đầu năm, bức tranh sáng màu

(ĐTCK) Mặc dù thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại trong 6 tháng đầu năm 2016, nhưng thị trường vật liệu xây dựng lại đón nhận những tín hiệu khả quan trên diện rộng.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định, vật liệu xây dựng đã có bức tranh sáng màu hơn trong 6 tháng đầu năm, nhiều nhóm ngành như xi măng, gạch - đá ốp lát, sứ vệ sinh…, dù vẫn đối mặt với sự cạnh tranh của các sản phẩm từ Trung Quốc, nhưng vẫn tiêu thụ tốt. Nhiều công ty trong nước còn mở rộng sản xuất và sẵn sàng cạnh tranh.

Với ngành xi măng, dù đến tháng 10 năm nay sẽ có thêm 3 dây chuyền xi măng với công suất thiết kế là 6,5 triệu tấn/năm sẽ có sản phẩm ra mắt thị trường, nhưng gần như các “ông lớn” trong ngành không ngại khi nguồn cung thị trường tăng lên.

Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, 6 tháng đầu năm, VICEM tiêu thụ 9 triệu tấn xi măng và 2 triệu tấn clinker, trong đó xuất khẩu trên 1 triệu tấn clinker. Nhiều khả năng, 6 tháng cuối năm, tiêu thụ sẽ tốt hơn vì không vướng Tết. Dự kiến, mức tiêu thụ của VICEM sẽ đạt kế hoạch đề ra.

Nhìn vào cơ cấu sản phẩm cho thấy, VICEM đã gia tăng mạnh tiêu thụ nội địa khi mảng này trong 6 tháng tăng 31% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp thuộc VICEM có kết quả kinh doanh khởi sắc trong 6 tháng đầu năm như VICEM Hà Tiên, VICEM Bỉm Sơn với mức lợi nhuận thu về cao hơn dự kiến.

Không chỉ nhà sản xuất xi măng số 1 Việt Nam, mà tín hiệu tích cực còn xuất hiện ở hầu hết các doanh nghiệp khác, kể cả các doanh nghiệp trước đây gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, Xi măng Hà Giang sau một thời gian ngừng hoạt động do làm ăn không hiệu quả, cuối tháng 5/2016, nhà máy mày đã sản xuất trở lại.

Đối với gạch xây dựng, gạch đỏ dù vẫn chiếm thị phần lớn, nhưng vật liệu xây không nung cũng đã bắt đầu tìm được chỗ đứng.

Ông Trần Văn Tựu, Chủ tịch HĐQT CTCP Vietcem (Bình Dương) cho biết: “Sản phẩm gạch không nung Vietcem được tiêu thụ tại các công trình dự án lớn, công trình có vốn ngân sách. Sản xuất và tiêu thụ hiện đạt khoảng 80% công suất thiết kế. Nếu so về giá với gạch đỏ đạt chuẩn, thì giá gạch của Vietcem rẻ hơn, nhưng so với gạch đỏ tràn lan trên thị trường thì giá cao hơn”.

Tại phía Bắc, Tập đoàn Xuân Thành lắp đặt 12 dây chuyền sản xuất gạch không nung, nhưng sản phẩm chỉ đủ phục vụ cho dự án dây chuyền 2 Xi măng Xuân Thành và dự án khu đô thị của chính công ty tại TP. Ninh Bình.

Trong khi đó, mảng gốm sứ xây dựng đánh dấu sự trở lại của nhiều thương hiệu với lượng tiêu thụ khả quan. Chẳng hạn, Công ty Vitaly (thành viên của Tổng công ty FICO) đầu năm 2016 đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu đi Thái Lan, Yemen và thị trường các nước Đông Nam Á. Sau nhiều năm thua lỗ, sản phẩm tồn kho cao, năm 2015, công ty này đã có lãi 13,5 tỷ đồng. Còn Tổng công ty Viglacera được Bộ trưởng Xây dựng Cu Ba đề nghị hoàn thiện thủ tục liên doanh sản xuất vật liệu xây dựng tại Cu Ba ngay trong tháng 10/2016. Trong 5 tháng đầu năm, đơn vị này cũng đã hoàn thành và vượt kế hoạch cả sản xuất, tiêu thụ và lợi nhuận. Đặc biệt, Sứ Việt Trì đã có lô hàng sứ cao cấp xuất khẩu sang thị trường Úc…

Theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, các sản phẩm gốm sứ của Viglacera bán tại thị trường Việt Nam có giá tương đương với các sản phẩm của Toto, Linax.

Trên mảng nhựa, Nhựa Đông Á đặt mục tiêu chinh phục thị trường phía Nam sau khi chiếm đến 40% thị phần tại phía Bắc. Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Đông Á cho biết: “Là nhà cung cấp sản phẩm thanh Profile, chúng tôi đã chinh phục thị trường phía Bắc, thị trường phía Nam là mục tiêu chinh phục trong thời gian tới. Không lý do gì để ngỏ thị trường này, vì sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường kể cả về chất lượng và giá cả”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan