Nhiều dự án trên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu tăng giá sau khi tuyến BRT được đưa vào hoạt động. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều dự án trên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu tăng giá sau khi tuyến BRT được đưa vào hoạt động. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường bất động sản Tây Nam Hà Nội sôi động nhờ giao thông công cộng

(ĐTCK) Tuyến buýt nhanh (BRT) và các tuyến đường sắt trên cao (MRT) dù hiệu quả hoạt động chưa cao, hoặc đang trong tình trạng chậm tiến độ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tác động tích cực của hai dự án giao thông công cộng này lên thị trường bất động sản Tây Nam Hà Nội.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường bất động sản Hà Nội trong quý II/2017 có sự tăng trưởng tốt với lượng giao dịch tăng nhẹ so với quý I/2017. Bắt đầu từ tháng 3, thị trường sôi động trở lại sau những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi chu kỳ và dịp Tết Nguyên đán.

Đóng góp cho sự sôi động này đến từ những dự án do các chủ đầu tư uy tín triển khai ở khu vực Tây và Tây Nam Thành phố. Trong đó, nguồn cung chủ yếu nằm ở địa bàn quận Bắc Từ Liêm (dự án Ngoại giao đoàn, Khu đô thị Thành phố Giao Lưu…), Nam Từ Liêm (Mỹ Đình, Xuân Phương, Tây Mỗ , Đại Mỗ…),  Hà Đông, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì chiếm đến 63% tổng nguồn cung mới.

Các dự án này đều khá đầy đủ tiện ích, được đầu tư bài bản về hạ tầng, cùng mức giá hợp lý, nên được nhiều khách hàng lựa chọn.

Ngoài ra, VNREA cũng đặc biệt nhấn mạnh tới sự trỗi dậy của những dự án có cơ hội tận dụng tốt từ tuyến BRT hay MRT với mức thanh khoản đạt khá cao. Đây cũng là điều đã được nhiều chuyên gia và đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo từ trước.

Không quá sốt sắng như với sự thay đổi về quy hoạch, nhưng 2 tuyến giao thông công cộng này lại mang lại hiệu ứng tốt khi xóa nhòa cảm giác "ở gần, ở xa" của người mua nhà. Trước đây, nhiều người mua nhà ngại ra ở xa trung tâm bởi sự bất tiện từ giao thông, nên định hướng tìm những dự án gần trung tâm, dù phải giá cao hơn rất nhiều. Nếu không đủ tiềm lực tài chính, khách hàng cũng hướng tới việc thuê chung cư mini hoặc phòng trọ để ở gần, tiện cho việc đi làm hoặc sinh hoạt của con cái hơn.

Tuy nhiên, sau khi BRT được đưa vào hoạt động và sắp tới là MRT sẽ được khai thác, giúp kết nối giữa khu vực ngoại vi vào trung tâm thành phố nhanh chóng, dễ dàng hơn, các dự án xa trung tâm đã được người mua quan tâm, nhất là các dự án ở phía Tây Nam Thành phố dọc theo các tuyến giao thông công cộng này.

Các tuyến giao thông công cộng này cũng sẽ góp phần giúp Hà Nội thực hiện được kế hoạch phát triển các khu đô thị vệ tinh quanh thành phố, nhằm giảm mật độ dân số và áp lực hạ tầng giao thông khu vực trung tâm.

Theo ông Dương Đức Hiển, Phó giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savill Hà Nội, xu hướng hiện nay của khách hàng là lựa chọn một chỗ ở tốt, thuận tiện cho việc đi lại và việc học hành của con cái. Tình trạng nguồn cung nhà ở dồi dào chắc chắn ảnh hưởng tới các quyết định đưa ra khi mua nhà của khách hàng, nhưng chưa phải là ảnh hưởng mang tính cấp thiết tới các dự án hiện nay.

"Tuy bước đầu BRT vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, hiệu quả chưa rõ rệt, nên có thể sẽ tác động một phần đến việc lựa chọn các dự án xa trung tâm của người dân trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, kết quả có thể sẽ khác khi thêm nhiều tuyến BRT được đưa vào hoạt động", ông Hiển đánh giá.

Ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, không chỉ tăng về lượng giao dịch, mặt bằng giá tại các dự án ở khu vực dọc theo 2 dự án hạ tầng giao thông này cũng tăng đáng kể, lên tới cả chục phần trăm từ cuối năm 2016. Đặc biệt, các dự án dọc trục Lê Văn Lương - Tố Hữu - Dương Nội (Hà Đông) tăng khá mạnh kể khi tuyến BRT 1 được vận hành từ đầu năm 2017.

Không chỉ có các dự án mặt đường tiếp giáp với tuyến BRT, MRT ngay kể cả các dự án trong ngõ nhỏ, không tiện ích, đường đi cách xa các trạm trung chuyển đến vài cây số cũng tăng giá ăn theo các tuyến giao thông công cộng này.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan