Năm 2017, ổn định và tăng trưởng
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết, năm 2017 ghi nhận sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản. Đến hết tháng 11/2017, có 4.500 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập mới, tăng 60% về số doanh nghiệp và số vốn. Quy mô các doanh nghiệp cũng có sự chuyển biến rõ rệt khi quy mô vốn tăng mạnh từ khoảng 20 tỷ đồng/doanh nghiệp trước đó, lên 68 tỷ đồng/doanh nghiệp trong năm 2017.
Thị trường ổn định, số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán cũng tăng mạnh, lên đến gần 60 doanh nghiệp (so với 11 doanh nghiệp trước đó). Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng rất khả quan khi đến hết tháng 9/2017, các doanh nghiệp niêm yết có mức doanh thu tăng 40%, lợi nhuận tăng 6%.
“Nguồn vốn vào thị trường bất động sản năm 2017 rất tích cực dù ngân hàng có siết chặt tín dụng. Tổng dự nợ cho vay đầu tư bất động sản của Việt Nam đến hết tháng 10 khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản và xây dựng chiếm khoảng 15,5% tổng dư nợ”, ông Lực thông tin.
Còn ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cen Group nhận xét, năm 2017, thị trường bất động sản có diễn biến khá ổn định, không có sự đột phá, nhất là với thị trường nhà ở. Năm 2017 ghi nhận một năm tương đối khó khăn với thị trường nhà ở khi nguồn cung tăng gấp 4 - 5 lần, dẫn đến sự cạnh tranh rất rõ rệt trong từng phân khúc.
Trong khi đó, bất động sản công nghiệp và thương mại có sự tăng trưởng rất ấn tượng, cả giá và tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại, các khu công nghiệp đều tăng cao. Bên cạnh đó, bất động sản nghỉ dưỡng cũng tương đối thành công.
Về bất động sản nghỉ dưỡng, theo thông tin của batdongsan.com.vn, số lượng các condotel chủ yếu tập trung ở Nha Trang, Đà Nẵng. Tổng lượng giao dịch thành công ở hai thị trường này chiếm đến 70% giao dịch thành công của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cả nước.
Cụ thể, tại Nha Trang, từ đầu năm đến nay có hơn 40 dự án, với khoảng gần 10.000 sản phẩm được chào bán. Mức giao dịch cũng tăng dần khi quý II cao gấp đôi quý I, đạt 1.589 giao dịch, quý III đạt 1.791 giao dịch. Tại Đà Nẵng, quý II và quý III có hơn 2.000 giao dịch thành công.
Năm 2018, khối ngoại sẽ tham gia sâu
Dự báo về sự phát triển của thị trường bất động sản trong năm 2018, ông Hưng nhận định, đây sẽ là năm có nhiều kỳ vọng, là năm bản lề cho nền kinh tế Việt Nam khi chúng ta đã chính thức thực hiện thỏa thuận và cam kết đầy đủ trong WTO.
Khoảng thời gian từ năm 2017 - 2018 sẽ chứng kiến sự xuất hiện xu hướng toàn cầu hóa bất động sản, bao gồm cả 2 yếu tố nhà đầu tư trong nước ra mua nhà nước ngoài và người nước ngoài vào mua nhà, đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam sẽ trở thành đất nước hội nhập về thị trường bất động sản rất cao.
Theo ông Hưng, việc thị trường bất động sản chính thức hội nhập quốc tế sẽ tạo nên một cuộc chơi rất quyết liệt, sòng phẳng với những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh đến từ khối ngoại.
Ông Hưng cho rằng, đang có một làn sóng đầu tư vào Việt Nam từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, thậm chí cả từ các nước châu Âu như Đức, Anh. Việc các nhà đầu tư ngoại và khách hàng thuộc nhóm khách giàu mua nhà và đầu tư vào bất động sản Việt Nam sẽ tác động đến thị trường, giá cả, đặc biệt là với phân khúc cao cấp và hạng sang.
“Chủ đầu tư phải làm sao để cùng một quỹ đất có thể gia tăng lợi nhuận cao nhất. Do đó, họ sẽ vẫn lựa chọn phát triển các sản phẩm cao cấp”, ông Hưng nhận định.
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2018. Ảnh: Nguyễn Minh
Còn ông Chow Chee Fan, CEO Gamuda Land Việt Nam lại nhận xét, thị trường bất động sản Việt Nam còn khá non trẻ. Trong khi ở Malaysia có đến hàng ngàn khu đô thị, thì ở Việt Nam khiêm tốn hơn rất nhiều. Trong khi đó, tăng trưởng cư dân đô thị Việt Nam những năm tới sẽ rất cao. Đơn cử như Hà Nội, hiện có khoảng 10 triệu dân sinh sống, nếu mức tăng trưởng đạt khoảng 1% thì mỗi năm, nhu cầu về nhà ở sẽ tương đương khoảng 100.000 căn hộ.
Kinh tế ổn định, nhu cầu về nhà ở cao không chỉ với người Việt Nam, cả người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam cũng rất lớn.
“Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc chia sẻ với tôi rằng, thị trường Việt Nam hiện nay đang giống với thị trường Trung Quốc cách đây 10 năm, tức là họ đã hiểu được chu trình phát triển phát triển nhà đất ở Việt Nam. Thị trường nhà đất Trung Quốc đang trùng lại, do đó, họ sẽ có xu hướng dịch chuyển sang đầu tư tại Việt Nam”, ông Chow Chee Fan nói và cho biết thêm, một trong những lý do khiến Việt Nam chưa thu hút được nhiều dự án tầm cỡ, quy mô là bởi hạn chế về quỹ đất sạch lớn. Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tìm kiếm những dự án quy mô hàng trăm ha hoặc hàng ngàn căn hộ, nhưng điều này là không hề dễ.
Nhận định về triển vọng của thị trường bất động sản trong năm 2018, ông Lực cho biết: “Tôi cho rằng, thị trường bất động sản năm 2018 có lẽ vẫn tiếp tục đà khả quan. Đặc biệt, với việc Chính phủ đang định hướng phát triển 3 đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) và việc tạo cơ chế đặc thù phục vụ phát triển cho TP.HCM, sẽ có những tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản”.
Dự báo về việc xuất khẩu bất động sản tại chỗ, bà Liễu Nguyễn, Đại sứ Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Lượng kiều hối về Việt Nam khá cao, Việt kiều Mỹ cũng rất quan tâm đến việc sở hữu bất động sản tại quê nhà. Tuy nhiên, các vấn đề, quy định về tài chính và luật sở hữu đã gây nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở của các đối tượng này, khiến người nước ngoài, Việt kiều phải nhờ một người khác trong nước đứng tên hộ tài sản của mình. Điều này dễ dẫn đến nhiều rủi ro cho chủ sở hữu, khiến họ chưa mặn mà trong việc mua nhà tại Việt Nam", bà Liễu nhấn mạnh.
Theo thống kê của batdongsan.com.vn, ở cả hai phân khúc căn hộ chung cư và biệt thự, liền kề tại Hà Nội và TP.HCM, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài là khá triển vọng.
Cụ thể, tại Hà Nội, ở phân khúc căn hộ chung cư, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm nhiều nhất đến từ Singapore (19%), tiếp theo lần lượt là Mỹ (12%), Nhật Bản (12%), Úc (8%), Đức (7%). Ở thị trường TP.HCM, dẫn đầu tìm kiếm là các nhà đầu tư đến từ Mỹ (26%), tiếp theo lần lượt là Singapore (21%), Úc (7%), Anh (6%), Đức (5%).
Ở phân khúc biệt thự, liền kề cũng tương tự, hai quốc gia có tỷ lện tìm kiếm nhiều nhất là Mỹ và Singapore. Tuy nhiên, sự quan tâm của các nhà đầu tư lại khác biệt khá nhiều ở hai thành phố này.
Ở phân khúc biệt thự, liền kề, tại thị trường Hà Nội, ghi nhận sự quan tâm nhiều nhất từ các nhà đầu tư Singapore (21%), tiếp theo lần lượt là Mỹ (15%), Đức (12%), Úc (8%), Hàn Quốc (7%). Trong khi tại thị trường TP.HCM, sự quan tâm nhiều nhất đến từ các nhà đầu tư Mỹ (37%), tiếp theo lần lượt là Singapore (18%), Úc (7%), Anh (6%), Canada (5%).
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com