Các nhà bán lẻ ngoại đang chiếm thị phần rất lớn tại thị trường Việt Nam - Ảnh: Đức Thanh.

Các nhà bán lẻ ngoại đang chiếm thị phần rất lớn tại thị trường Việt Nam - Ảnh: Đức Thanh.

Thị trường bán lẻ Việt Nam, cuộc chiến không cân sức

(ĐTCK) Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng nhanh trong thời gian qua và được dự báo vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong cuộc chiến để giành miếng bánh ngon này, phần thắng đang nghiêng hẳn về các nhà bán lẻ nước ngoài.

Những chuyển biến tích cực

Theo nhận định của ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận Bán lẻ Savills tại TP.HCM, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch kinh tế, với những thay đổi sâu sắc trong hành vi tiêu dùng của khách hàng.

Cách đây khoảng 4-5 năm, các khảo sát từ nhiều đơn vị điều tra thị trường đã nhận định rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam cần 1 thập kỷ để phát triển. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có những bước đột phá khiến nhiều chuyên gia bất ngờ. Bước đột phá đầy ấn tượng này đến từ việc thu nhập của người dân ngày càng tăng cao, số lượng người giàu tại Việt Nam gia tăng mạnh, khiến nhu cầu mua sắm, giải trí gia tăng.

Trong số các ngành hàng, “thời trang nhanh” với đặc trưng nổi bật là giá cả hợp lý hiện đang là ngành hàng phát triển mạnh nhất. Tiếp theo đó là các ngành như rạp chiếu phim, giải trí và ẩm thực.

Các doanh nghiệp bán lẻ đang hoạt động tại Việt Nam cũng đang dần nhanh nhạy hơn trong việc đáp ứng những nhu cầu thường nhật của khách hàng và đưa ra những mức giá phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng.

Tiềm năng phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước rót tiền vào lĩnh vực này, thậm chí có cả các quỹ đầu tư. Các đơn vị này đổ vốn vào một số doanh nghiệp bán lẻ nội, nhất là trong lĩnh vực ẩm thực, giải trí, giáo dục…

Doanh nghiệp nội lép vế

Theo nhận định của Savills Việt Nam, nhìn một cách tổng quát, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sự mở cửa, nhưng với các doanh nghiệp ngoại, để sớm xâm nhập vào thị trường tiềm năng này, các nhà bán lẻ nước ngoài chủ yếu tập trung vào mua bán, sáp nhập. Thực hiện chiến lược này giúp họ nhanh chóng đặt chân vào thị trường Việt Nam nhờ có sẵn sự hỗ trợ, hạ tầng của đối tác cũ.

Ngoài ra, họ sẽ dễ dàng hơn vì không bị vướng mắc nhiều vấn đề thủ tục pháp lý, giấy tờ… như thành lập doanh nghiệp, trung tâm thương mại mới. Bên cạnh đó, cách này cũng giúp họ an toàn hơn khi có được lượng khách ổn định từ đối tác cũ. Nếu so với những hình thức đầu tư truyền thống, thì chiến lược này giúp tiết kiệm cả tiền, công sức lẫn thời gian.

Với sức mạnh về tài chính, kinh nghiệm, các nhà bán lẻ ngoại đang dần lấn át trên thị trường Việt Nam. Theo ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số trên thực tế có thể cao hơn.

Điều này đang gây sức ép lớn với các nhà bán lẻ nội địa, nhất là với những doanh nghiệp thiếu tiềm lực và kinh nghiệm. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn đang làm công việc thương mại là chính.

Lý giải lý do các doanh nghiệp nội chỉ làm về thương mại đơn thuần, các chuyên gia cho rằng, đó là do tiềm lực yếu, kinh nghiệm quản lý và nguồn nhân lực thiếu, nếu mở rộng quy mô hoạt động, rất dễ vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Trong khi doanh nghiệp trong nước đang loay hoay tìm lối đi, thì doanh nghiệp nước ngoài lại có định hướng rõ ràng là mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị phần.

“Nếu muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho “cuộc đua” cần sức bền này”, ông Bình khuyến cáo.

Cũng theo các chuyên gia, để đứng vững và có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, các nhà bán lẻ Việt Nam không chỉ “ngồi lại bên nhau, dự báo khả năng đối thủ, bàn bạc giải pháp”, mà cần phải có sự đoàn kết, thậm chí có thể tính tới sáp nhập, hợp nhất với nhau để tăng quy mô, tận dụng thế mạnh của nhau. Nếu không, sớm hay muộn, các nhà bán lẻ trong nước sẽ bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan