Các mô hình bán lẻ hiện nay đã chủ động hơn trong việc tiếp cận người tiêu dùng

Các mô hình bán lẻ hiện nay đã chủ động hơn trong việc tiếp cận người tiêu dùng

Thị trường bán lẻ dần thích nghi với smartphone, facebook

(ĐTCK) Cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của thị trường bán lẻ tại Việt Nam, các mô hình triển khai cũng được thay đổi theo hướng trực tiếp hơn tới người tiêu dùng.

Theo Chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney, thị trường bán lẻ tại Việt Nam xếp thứ 6 trên toàn thế giới và được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại, hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp và phát triển.

Ghi nhận của Đầu tư Bất động sản cho thấy, từ năm 2014 trở lại đây, thị trường bán lẻ Việt Nam liên tục đón nhận sự gia nhập của hàng loạt thương hiệu lớn đến từ nước ngoài. Sau khi Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan thâu tóm Metro Cash & Carry Vietnam với giá 655 triệu euro, một tập đoàn bán lẻ đến từ Thái Lan khác là Central Group cũng lần lượt thâu tóm Nguyễn Kim và Big C.

Tiếp nối sau đó, vào tháng 10/2015, Emart - nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đã chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam khi ra mắt khu trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD tại khu Bắc TP.HCM.

Còn đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon cũng liên tiếp mở 4 trung tâm mua sắm, 54 siêu thị tại Việt Nam và sắp mở thêm trung tâm mua sắm thứ 2 tại Hà Nội. Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, đại diện Aeon cho biết, có thể gia tăng con số này lên 20 vào năm 2020.

Ngoài Aeon, vào tháng 7/2016, Tập đoàn Takashimaya (Nhật Bản) cũng đã chính thức khai trương trung tâm mua sắm một cửa đầu tiên tại TP. HCM.

Cũng tại TP.HCM, AuchanSuper - thương hiệu bán lẻ đến từ Pháp cũng có kế hoạch mở thêm 17 chuỗi siêu thị đến cuối năm sau và có thể mở rộng 20 cửa hàng đến năm 2020 ở các tỉnh khu vực phía Bắc.

Thống kê của nhiều tổ chức nghiên cứu, tư vấn cho thấy, thị trường mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển, bởi mật độ sàn bán lẻ tại Hà Nội và TP. HCM hiện chỉ ở mức 0,26 m2 và 0,12 m2/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur.

Theo đánh giá của bà Trang Bùi, Giám đốc Bộ phận cho thuê JLL Việt Nam, phân khúc bất động sản bán lẻ đang có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ trong thời gian vừa qua với việc xuất hiện của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Điều này xuất phát từ những đánh giá triển vọng khá tích cực về thị trường Việt Nam trong thời gian sắp tới, với thu nhập khả dụng tăng, tốc độ đô thị hóa và mức sống ngày càng tăng.

Nghiên cứu của Boston Consulting Group công bố gần đây cho biết, tầng lớp trung và thượng lưu tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và con số này sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2014-2020, từ 12 triệu lên đến 33 triệu người. Đây chính là những khách hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ.

Ngoài ra, theo bà Trang Bùi, một trong những lý do khiến cho phân khúc bán lẻ Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt nhà đầu tư ngoại là việc bùng nổ số lượng người tiêu dùng sử dụng mạng internet và đây là lượng khách hàng rất tiềm năng dành cho những nhà bán lẻ áp dụng mô hình trực tuyến cung cấp các dịch vụ “nhấp chuột và nhận hàng” hoặc “từ cửa hàng đến cửa nhà”.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, các nhà bán lẻ truyền thống ngày càng tăng ứng dụng công nghệ, như hiện diện trên các mạng truyền thông để thu hút khách đến cửa hàng của mình. Đơn cử như Vingroup, Aeon và Lotte đã thiết lập các trang web và đã thu hút được lượng truy cập lớn.

Doanh thu của ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng đang gia tăng do ứng dụng công nghệ tốt trong đặt hàng trực tuyến và giao hàng. Tương tự, các nhà kinh doanh dịch vụ giải trí có doanh thu tốt nhờ bán vé qua thiết bị di động.

Đại diện một chủ đầu tư đang triển khai dự án trung tâm thương mại tại Hà Đông chia sẻ, theo xu hướng phát triển mới, các doanh nghiệp bán lẻ có nhu cầu mở rộng sẽ tìm đến các đơn vị phát triển uy tín để hợp tác. Trong khi các nhà phát triển bất động sản bán lẻ muốn thành công sẽ tìm cách thu hút các doanh nghiệp bán lẻ. Sẽ là sai lầm là khi giữ tư tưởng “cứ xây dự án thì khách thuê sẽ tìm đến”.

“Khách hàng trong ngành bán lẻ đang thay đổi từng ngày; tương lai sẽ là những con người của kỷ nguyên công nghệ số với sự lên ngôi của smartphone, facebook. Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải liên tục thay đổi để bắt kịp xu hướng. Các dự án bất động sản bán lẻ vì vậy cũng cần phải thích ứng để không bị đào thải trong thị trường cực kỳ tiềm năng, nhưng cũng đầy cạnh tranh này", vị giám đốc này bình luận.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan