Thêm công cụ “rã băng” bất động sản!

Thêm công cụ “rã băng” bất động sản!

(ĐTCK) Tính đến cuối tháng 5/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn 27.894 tỷ đồng, theo số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.

Con số này giảm trên 45% so với 2015 và giảm rất nhiều so với tảng băng bất động sản đông cứng những năm 2012-2013. Tuy nhiên, phần lõi băng này là phần khó “rã đông” nhất, bởi đó đều là các dự án “đắp chiếu” từ lâu, chủ đầu tư hoặc gặp vấn đề với pháp luật hoặc đã hết sức để hồi sinh dự án.

Có thể kể chuỗi dự án của Vina Megastar, Tricon Tower, AZ Lâm Viên, Habico Tower Phạm Văn Đồng, Nam Đàn Plaza, B5 Cầu Diễn, Ha Noi Times Tower, Binh Đoàn 12, PVV Vinapharm, Usilk City… tại Hà Nội, hay Saigon One Tower, PetroVietnam Landmark Tower, 584 Tân Kiên, DB Tower, V-Ikon… tại TP.HCM cũng có thể thấy không ít dự án "ứ đọng" ở trung tâm thành phố.

Giá trị tồn kho bất động sản này là một trong những “cấu phần” quan trọng của nợ xấu ngân hàng. Và việc ngày 21/6 vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) với thời điểm áp dụng trong 5 năm kể từ ngày 15/8/2017, có thể sẽ tạo cú huých tích cực đến không chỉ hoạt động ngân hàng, mà còn với cả thị trường bất động sản.

Đáng chú ý phải kể đến việc khẳng định lại quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) của các TCTD, bên nhận đảm bảo với thời hạn là 10 ngày sau khi bên giữ TSĐB không giao TSĐB; quy định không yêu cầu văn bản xác nhận bên bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ thuế liên quan đến chyển nhượng khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng TSĐB của khoản nợ xấu;

Đồng thời, Nghị quyết cũng cho phép bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ nợ xấu của TCTD có quyền nhận thế chấp, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là TSĐB của khoản nợ đã mua, qua đó gỡ được các vướng mắc liên quan đến các khoản nợ có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất đã được bán cho VAMC và các bên mua nợ khác.

Nghị quyết cho phép mua bán nợ xấu, TSĐB của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường và mở rộng đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ xấu, gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Kỳ vọng những quy định trên, đặc biệt là việc thị trường hóa việc mua bán nợ xấu sẽ khiến hoạt động này vận hành đúng quy luật và thông thoáng hơn.

Ngoài ra, còn nhiều nội dung khác cũng được Nghị quyết đưa ra hướng tới việc giải quyết bài toán nợ xấu, nợ tồn đọng trong suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, trong số đó có không ít dự án bất động sản nằm chờ chết vì bị lỗi thiết kế, chọn sai phân khúc, hay những rắc rối về pháp lý… sẽ có có sở được xử lý.

Trên thực tế, Nghị quyết này sẽ còn phải được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách cụ thể để triển khai vào thời điểm 15/8/2017. Thị trường kỳ vọng đây thực sự là một công cụ để rã tảng băng nợ xấu, trong đó có nợ xấu bất động sản.    

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan