Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nên cho thí điểm quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai trước khi đưa vào luật

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nên cho thí điểm quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai trước khi đưa vào luật

Tách bạch quyền tài sản, quyền kinh doanh

Góp ý Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần rạch ròi giữa quyền tài sản và quyền kinh doanh.

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Hai vấn đề được các đại biểu lưu ý nhiều nhất là: quy định cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam và cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.

Cụ thể, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, việc tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam là hợp lý. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) còn lỏng lẻo, khi quy định người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam không hạn chế số lượng.

“Mục đích của Dự thảo là giải quyết chỗ ở cho mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng quy định thế này sẽ gây e ngại trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, khi nhà đầu tư có thể trục lợi trên thị trường bất động sản”, ông Kiêm nói.

Còn đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, Điều 157, Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép các cá nhân nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam đều có quyền sở hữu nhà ở để khuyến khích, thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đảm bảo phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế là quá thoáng.

“Đồng ý là mở, nhưng cần quy định rõ là ở bao lâu thì được sở hữu nhà ở, tránh việc lợi dụng chính sách lũng đoạn thị trường bất động sản, đảm bảo yếu tố an ninh, quốc phòng. Về mặt này, Dự thảo gần như buông”, ông Minh nói và đề xuất, nên quy định điều kiện chặt chẽ hơn theo hướng chỉ cho phép các cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì mới được sở hữu nhà ở.

Đồng ý với các  đại biểu trên, đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng, cần phân biệt rõ quyền tài sản của người dân (Luật Nhà ở) với quyền kinh doanh (Luật Kinh doanh bất động sản). Người nước ngoài đến Việt Nam trong một thời gian ngắn (dưới 3 tháng) nếu mua nhà thì cũng nhằm mục đích kinh doanh và phải theo Luật Kinh doanh bất động sản, không lẫn lộn.

Về vấn đề thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, quy định này sinh ra trong bối cảnh thiếu vốn, tài sản chưa hình thành đã cho vay, đang xây dựng, đang thiết kế đã mang đi thế chấp... Đây là giải pháp tình thế, phải có thời gian kiểm nghiệm, đánh giá, tổng kết và nên cho thí điểm trước khi đưa vào Luật.

Góp ý với Dự án Luật Kinh doanh Bất động sản về vấn đề này, đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) cho rằng: “Nhà ở hình thành trong tương lai, dân gian nói là mua bán nhà trên giấy. Tôi hình dung khái niệm này ở cả hai dự thảo chưa đồng nhất. Ban soạn thảo cần rà soát lại các điều khoản có liên quan đến vấn đề này tại 2 dự thảo, để tránh phát sinh phức tạp, mâu thuẫn sau khi ban hành”.

Cũng liên quan đến vấn đề thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, đại biểu Trần Văn Minh cho rằng, cần quy định thông thoáng, tạo điều kiện để ngân hàng, doanh nghiệp huy động vốn để sản xuất, kinh doanh, nhưng quy định như Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thì tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không chặt chẽ.

“Điều 142 quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án tại tổ chức tín dụng; cá nhân mùa nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư được quyền thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng. Như vậy là tiềm ẩn nguy cơ một tài sản có thể được thế chấp hai lần”, đại biểu Trần Văn Minh nói.

Trước đó, trình bày với Quốc hội về sự cần thiết của Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Nhà ở (2005) và Luật Kinh doanh bất động sản (2006) đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cần phải nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, cũng như với các quy định mới của Hiến pháp 2013 và tình hình thực tế hiện nay.

Tờ trình về các Dự án Luật này đề xuất nhiều nội dung mới như: phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở, bao gồm nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ; nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội; hình thành các định chế tài chính phát triển nhà ở phù hợp để các doanh nghiệp và mọi người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho mục đích cải thiện nhà ở; từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở ngày càng tốt hơn cho các tầng lớp dân cư.

Tin bài liên quan