Các chủ đầu tư yếu năng lực tài chính sẽ gặp khó khăn khi Thông tư 06/2016 có hiệu lực. Ảnh: Dũng Minh

Các chủ đầu tư yếu năng lực tài chính sẽ gặp khó khăn khi Thông tư 06/2016 có hiệu lực. Ảnh: Dũng Minh

Sau Thông tư 06, bất động sản sẽ bước vào cuộc sàng lọc mới

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 36/2014 được đánh giá sẽ giúp thị trường bất động sản vận hành ổn định hơn. Tuy nhiên, chính sách này cũng sẽ có tác động tới các chủ đầu tư yếu năng lực, nên thị trường được dự báo sẽ bước vào cuộc sàng lọc mới trong thời gian tới.

Cuộc sàng lọc mới

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu, việc Ngân hàng Nhà nước nâng hệ số rủi ro các khoản vay bất động sản từ 150% lên 200% tại Thông tư 06, thấp hơn mức 250% của dự thảo cho thấy, cơ quan này chưa gây sức ép quá lớn với bất động sản. Đây là hệ số rủi ro vừa phải, đủ để cảnh báo các ngân hàng không quá đà cho vay bất động sản, cũng là cảnh báo với chính các doanh nghiệp phát triển dự án.

Ông Hiệp cho rằng, hiện Thông tư 06 chưa tác động rõ rệt đến thị trường, chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý. Tuy nhiên, đến cuối năm nay, chính sách này sẽ thể hiện tác động rõ hơn.

Theo ông Hiệp, các dự án đã triển khai, hoặc đang trong quá trình hoàn thiện, sẽ không chịu tác động bởi chính sách này, nhưng với các dự án mới triển khai, hoặc bắt đầu triển khai, sẽ rất khó khăn, do việc vay vốn ngân hàng sẽ khó hơn. Nếu dự án khó khăn trong việc huy động vốn, độ rủi ro dự án sẽ lớn hơn.

Đồng quan điểm, ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc cũng cho rằng, điều khoản sửa đổi Thông tư 36 sẽ không có tác động tiêu cực với các dự án đang triển khai, đã đủ điều kiện bán hàng, do các dự án này đều đã được ngân hàng bảo lãnh, kiểm soát dòng tiền, nên khách hàng có thể yên tâm về tiến độ, dự án cũng không còn những rủi ro về tài chính.

Trái lại, với những dự án mới triển khai, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ, yếu về năng lực tài chính, sẽ khó triển khai dự án mới. Vì thế, theo ông Quyết, thị trường địa ốc sau khi Thông tư 06 sẽ tiếp tục có cuộc sàng lọc mới, thị trường sẽ là “sân chơi” của các ông lớn, có tiềm lực về tài chính. 

Ngân hàng nên linh hoạt

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lại Văn Tư, Phó giám đốc chi nhánh CTCP Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà, chủ đầu tư Dự án Thăng Long Victory cũng tỏ ra lo ngại khi cho rằng, việc vay vốn hiện nay với doanh nghiệp đã khó, việc nâng hệ số rủi ro từ 150% lên 200% như Thông tư 06, ngân hàng sẽ phải đưa ra thêm các tiêu chí mới, khiến việc vay vốn của doanh nghiệp còn khó khăn hơn.

Nếu quy chuẩn này được áp dụng, chỉ có những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mới đủ khả năng triển khai dự án mới. Trong khi những doanh nghiệp không đủ mạnh về tài chính, sẽ khó có thể triển khai được dự án.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực của Thông tư 06, ông Tư cho rằng, đó chính là một cảnh báo đúng thời điểm với doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản. Bởi hiện nay, nguồn cung bất động sản quá nhiều, nhất là với bất động sản cao cấp, doanh nghiệp vẫn hướng đến đầu tư, vì có lợi nhuận cao hơn.

Hiện nguồn cung bất động sản cao cấp và nguồn cung bất động sản giá rẻ có sự chênh lêch quá lớn, nếu doanh nghiệp không điều chỉnh, sẽ khiến thị trường bất động sản cao cấp rơi vào rủi ro bội cung.

Cũng theo ông Tư, việc nâng hệ số rủi ro các khoản vay bất động sản trong bối cảnh hiện nay rất tốt cho thị trường, giúp nguồn cung bất động sản cao cấp phải tự điều chỉnh. Nhưng nếu các ngân hàng cứng nhắc áp dụng chung với cả các dự án nhà giá rẻ, thì nguồn cung vốn hạn chế của phân khúc nhà giá rẻ sẽ bị chặn lại, dẫn đến cạn kiệt trong tương lai, khiến cơ hội mua nhà của nhiều người sẽ mất đi.

Do đó, ông Tư cho rằng, các ngân hàng cần phải linh hoạt hơn trong việc cấp xét cho vay bất động sản, nhất là các dự án nhà giá rẻ, do nhu cầu và thanh khoản của loại hình sản phẩm này hiện nay rất tốt.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan