Sài Gòn One Tower bị thu giữ, tiền lệ mới xử lý nợ xấu bất động sản

(ĐTCK) Sau 10 năm “trùm mền”, dự án Sài Gòn One Tower mới đây đã bị Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty Sài Gòn One Tower để xử lý và thu hồi nợ. Đây là sự khởi đầu, tạo tiền lệ trong câu chuyện xử lý cục máu đông nợ xấu bất động sản.

Chấm dứt 10 năm trùm mền của Sài Gòn One Tower

Dự án Sài Gòn One Tower (tên cũ là Sài Gòn M&C Tower), tọa lạc tại 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM. Khởi công từ năm 2007, Saigon One Tower dự kiến hoàn thành vào năm 2009 và trở thành tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM với chiều cao trên 195 m.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỷ đồng) và được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, do nhà thầu Bouygues Batiment International thi công.

Sài Gòn One Tower bị thu giữ, tiền lệ mới xử lý nợ xấu bất động sản ảnh 1 

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C, ban đầu do các cổ đông sáng lập gồm Công ty cổ phần M&C (nắm 49%), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (nắm 30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ (5%).

Theo quy hoạch, dự án được phép xây dựng 1 tòa tháp đôi gồm 5 tầng hầm và 41 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng vào khoảng 127.126 m2 (tính cả hầm khoảng 152.000 m2). Tuy nhiên, sau 2 năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào khó khăn. Đến cuối năm 2011, khi 80% khối lượng công trình đã hoàn thành, dự án bắt buộc phải ngừng thi công.

Đây đồng thời cũng là dự án từng được lãnh đạo TP.HCM ví là điển hình góp phần làm xấu bộ mặt đô thị của Thành phố do nằm án ngữ ngay cửa ngõ của trung tâm Thành phố.

Trước đó, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với MaritimeBank, DongA Bank đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C); Công ty cổ phần Đầu tư Liên Phát; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng Minh Quân; Công ty cổ phần Tân Superdeck M&C, với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến nay đã lên trên 7.000 tỷ đồng.

Theo nguồn tin chưa chính thức của Báo Đầu tư Bất động sản, chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Alpha King (Alpha King Real Estate Development JSC). Công ty này gồm có các cổ đông Alpha King Investment Limited (trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc) giữ 93,3%, hai cổ phần còn lại thuộc về cá nhân Li Yibin và Chiu Keung Kenneth, mỗi người nắm 3,3%.

Ngay sau khi VAMC công bố thu giữ tòa nhà để xử lý khoản nợ 7.000 tỷ đồng, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dù chưa chính thức công khai khởi động dự án, nhưng xung quanh dự án này đã bắt đầu xuất hiện bóng dáng làm việc trở lại của các công nhân.

Theo nguồn tin từ chủ đầu tư mới, dự án sẽ sớm khởi động xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2018 với thiết kế là một tổ hợp chung cư, văn phòng và thương mại cao cấp. Như vậy, khả năng dự án này sẽ sớm được hoàn thiện sau gần 10 năm “đắp chiếu”.

Quyền lợi khách hàng mua căn hộ sẽ ra sao?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, đây là dự án bất động sản đầu tiên mà VAMC thu hồi nợ. Điều này sẽ mở ra một cơ chế mới về xử lý nợ xấu.

Với các khoản nợ xấu 300.000 tỷ đồng phải xử lý hồi 2016 cho đến 600.000 tỷ đồng phải xử lý đến năm 2020, trong đó 60-70% là các khoản nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, thì việc thu giữ này sẽ là bước tiếp theo để mở ra cơ chế đấu giá công khai, để các chủ đầu tư mới tiếp tục triển khai dự án. Riêng với Saigon One Tower, tổng số nợ dự án hiện nay là 7.000 tỷ đồng nên có thể số tiền đấu giá dự án sẽ cao hơn giá gốc.

“Quá trình xử lý dự án mang tính chất 'án lệ' này sẽ mở ra thời kỳ chuyển nhượng dự án mới thông qua hình thức đấu giá. Việc này không chỉ góp phần giải quyết nợ xấu mà tạo ra nguồn cung mới cho thị trường bất động sản ở những dự án 'trùm mền' lâu năm”, ông Châu nói.

Một chuyên gia tài chính khác thì cho rằng, VAMC có thu giữ tòa nhà, nhưng việc xử lý khối tài sản trên không hề dễ dàng, vì dự án đã chết quá lâu, sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là xử lý các khoản nợ, trong đó có nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ khách hàng và cả nhà thầu.

Được biết, có khoảng trên 100 khách hàng mua căn hộ tại dự án này, phần lớn đã đóng trên 70% tổng giá trị hợp đồng, với số tiền mỗi người góp lên trên chục tỷ đồng. Thông tin dự án này thay tên đổi chủ, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Saigon One Tower đang tỏ ra lo lắng.

Một khách hàng tên H. cho biết, trước đây, bà đã ký hợp đồng mua căn hộ số 08 lầu 29 tại dự án Saigon One Tower với diện tích hơn 250 m2. Giá trị thực tế của căn hộ này là 40 tỷ đồng, nhưng tại thời điểm thị trường bất động sản đóng băng, dự án cũng lay lắt nên chủ dự án bảo bán rẻ cho bà, với giá chỉ gần 16 tỷ đồng. Hiện bà H. đã đóng cho chủ đầu tư 13 tỷ đồng để mua căn hộ trên.

Theo bà H., nhiều năm qua, bà và nhiều khách hàng khác đã nhiều lần tìm chủ đầu tư để tính phương án giải quyết, nhưng họ né tránh. Bây giờ VAMC công bố thu giữ tòa nhà để xử lý các khoản nợ, chưa biết trường hợp khách hàng sẽ được xử lý ra sao.

Ngoài trường hợp của bà H., theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Bất động sản, những ngày qua, nhiều khách hàng tìm đến văn phòng của chủ đầu tư dự án này là Công ty M&C tại 115 Nguyễn Huệ, quận 1 (TP.HCM). Bảo vệ công ty này cho biết, một số khách hàng tự liên hệ với chủ đầu tư và đến nơi, một số khác liên lạc qua số điện thoại nhưng không được trả lời hay giải quyết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có khoảng 100 khách hàng mua căn hộ tại dự án này với số tiền đã đóng mỗi người trên chục tỷ đồng. Trong đó, có một khách hàng là một “đại gia” nổi đình đám trong lĩnh vực địa ốc, từng nổi tiếng thâu tóm hàng loạt dự án tại TP.HCM thời gian qua. “Đại gia” này cũng từng đánh tiếng mua lại tòa nhà này, nhưng do vướng một số thủ tục nên không thực hiện được kế hoạch thâu tóm.

Theo ông Lê Hoàng Châu, việc xử lý nợ xấu của siêu dự án “trùm mền” Saigon One Tower phải tuyệt đối bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

“Trong nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội có điều khoản thể hiện các bên phải bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp tại các dự án bị thu hồi xử lý nợ. Đây là dự án đầu tiên mà VAMC thực hiện thu hồi để xử lý nợ, nên càng phải chặt chẽ trong khâu này”, ông Châu nói và cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi khách hàng tại dự án phải được tiến hành nhanh chóng, tránh bỏ khách hàng bơ vơ như hiện nay.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan