Rẻ thì phải đi xa?

Rẻ thì phải đi xa?

(ĐTCK) Chung cư 100 triệu ở Hà Nội, TP.HCM - Liệu có khả thi? Cả tuần qua, hầu như các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội dành không ít thời gian để tranh luận về vấn đề này.

Nhiều quan điểm được đưa ra, nhưng tựu chung lại xuất phát từ mô hình nhà chung cư diện tích 30 m2/căn, có giá chỉ từ 100 - 200 triệu đồng đã giúp nhiều công nhân ở Bình Dương thoát khỏi cảnh ở trọ, nhiều ý kiến góp ý rằng TP.HCM hay Hà Nội cũng cần gấp rút “học theo”.

Ngụ ý của những người đồng tình với quan điểm này cho rằng, đối tượng hướng đến của loại căn hộ này là những người có thu nhập thấp.  Với diện tích căn hộ chỉ 30 m2, các dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương và Đồng Nai được thiết kế bao gồm phòng ngủ riêng, phòng khách với bếp liên thông về không gian, ban công riêng đảm bảo đủ ánh sáng trời cho căn hộ.

Hiện tại, có khoảng 85 dự án theo mô hình trên đã được triển khai thành công tại 2 tỉnh này và nhiều quan điểm cho rằng, không có lý gì để TP.HCM và Hà Nội không triển khai theo được!?

Tuy nhiên, chuyện Bình Dương khác chuyện TP.HCM hay Hà Nội.

Không phải đến bây giờ chuyện làm nhà 100 triệu tại Hà Nội mới nhắc tới. Cách đây vài năm, đã có nhiều doanh nghiệp rục rịch hướng tới triển khai mô hình này như Vinaconex Xuân Mai hay Viglacera. Thế nhưng, sau đó các nhà đầu tư cũng đã nhanh chóng lắc đầu. Lý do là vì không tìm đâu ra quỹ đất sạch để thực hiện căn hộ này. Làm trong trung tâm thì hoặc không có đất, hoặc vướng quy hoạch, và quan trọng là không lãi bằng nhà hạng sang. Trong khi, nếu làm ngoại thành thì lại xa xôi, khó hấp dẫn người mua nhà. Muốn thu hút lại mất thêm rất nhiều tiền để làm hạ tầng. Bản chất Bình Dương xây được căn hộ này là bởi ở đây không tốn chi phí giải tỏa mặt bằng, đầu tư hạ tầng và mấu chốt nhất là… đất còn rẻ.

Chưa kể, để tiết kiệm chi phí xây dựng, sẽ phải sử dụng ít sắt thép, móng của ngôi nhà cũng mỏng hơn đối với những ngôi nhà bình thường. Còn nếu muốn làm tốt thì bắt buộc lại phải dùng công nghệ cao như bê tông dự ứng lực…, trong khi nước ta hiện nay vẫn chưa sẵn có và phổ biến như nhiều nước nên giá thành vẫn rất đắt.

Chính vì thế, sau thời gian ngẫm nghĩ thì rút cục Xuân Mai lại quay sang làm nhà thương mại, còn dự án nhà ở xã hội của Viglacera thực ra cũng không phải dành cho công nhân hay người thu nhập thấp.

Trên góc độ kinh doanh, dù là ai, dù làm cái gì thì "bỏ một đồng vốn" ít nhất cũng mong "thu một đồng lời". Vì vậy, với cái thế khó như bây giờ, có lẽ muốn ở nhà 100 triệu, người dân sẽ buộc phải đi xa...

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan