Phần đất thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn. Ảnh: Quang Hưng

Phần đất thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn. Ảnh: Quang Hưng

Quyền lợi khách hàng B5 Cầu Diễn, nguy cơ “túm kẻ trọc đầu“

(ĐTCK) Tuần qua, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến Dự án B5 Cầu Diễn. Đây là một trong những bài học của một thời đầu tư theo phong trào.

Thêm một đàn vịt giời bay xa…

Dự án B5 Cầu Diễn là cách gọi tắt của Dự án Khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại khu đất B5 Cầu Diễn. Dự án này là kết quả sự hợp tác giữa Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC) và CTCP Đầu tư xây dựng nhà đất (sau đổi tên và gọi tắt là Housing Group). Trong đó, HAIC là bên góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất gần 29.000m2 ở thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm (Hà Nội) được Nhà nước giao và tiền, tương ứng tỷ lệ 40%, Housing Group góp 60%.

Trong 2 năm 2010 - 2012, các chủ đầu tư đã kêu gọi, huy động vốn và đã có gần 250 cá nhân góp vốn vào dự án. Đặc biệt, các chủ đầu tư huy động vốn khi dự án chưa được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh chi tiết và khoảng 230 tỷ đồng nhận từ khách hàng góp vốn đã được sử dụng sai mục đích, đến nay không có khả năng hoàn trả.

Theo lịch, dự kiến chiều 27/5, TAND TP. Hà Nội sẽ tuyên án vụ án này.  Tuy nhiên, HĐXX bất ngờ quay lại phần xét hỏi, làm rõ thời điểm huy động vốn và ban hành điều lệ Công ty HAIC. Hội ý sau phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hành vi phạm tội đối với bị cáo Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HAIC.    

Suốt phiên tòa, những người đã góp tiền vào Dự án B5 Cầu Diễn đã kể khổ về việc mất tiền nhưng không có nhà, thậm chí, có người cho hay, dốc hết tiền tiết kiệm và đi vào để góp vốn vào dự án với mong muốn sau vài năm sẽ có chỗ an cư, nay không có nhà, mà lúc bị bệnh cũng không có tiền chữa.

Các khách hàng khẳng định, chính bị cáo Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HAIC đã lừa họ khi quảng cáo những thông tin về dự án như sắp được xây dựng, được ngân hàng bảo lãnh, dự án có sự tham gia của bà Nga (bà Châu Thị Thu Nga, Tổng giám đốc Housing Group khi đó - PV), đại biểu Quốc hội…

Một khách hàng góp vốn vào dự án cho biết: “Người của anh Tuẫn (bị cáo Nguyễn Văn Tuẫn - PV) có đưa ra hồ sơ, bản vẽ đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt và bảo sẽ khởi công cuối năm 2010, nhưng sau đó lùi lại và đến bây giờ vẫn chưa được phê duyệt. Anh Tuẫn đánh vào niềm tin của chúng tôi, lôi cả người có uy tín là Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga…, nhưng đến nay, tôi vẫn không có nhà, bao nhiêu tiền tích góp không thấy đâu”.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là vì sao trước khi nộp tiền, không ai trong số hàng trăm người nói trên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết hay giấy phép xây dựng?

Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản bên lề một số phiên tòa liên quan đến bất động sản, thì những khách hàng góp vốn mua nhà thời điểm thị trường sốt nóng không ngu ngơ đến độ bị lừa đơn giản như vậy. Nhiều người trong số đó có hiểu biết sâu sắc về các giai đoạn, thủ tục của dự án, các điều kiện khi nào dự án mới được chào bán. Tuy nhiên, với sự thiếu minh bạch của thị trường và lúc thị trường sốt nóng, những thông tin theo kiểu rỉ tai như “sắp có quy hoạch”, “sắp triển khai”…, lại có sức hấp dẫn vô cùng lớn, bởi đến khi có tin chính thức, thì giá đã gấp đôi, cơ hội đã qua đi. 

Hy vọng xa vời

Bị cáo Nguyễn Văn Tuẫn bị truy tố vì tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ - đã huy động vốn, vay vốn và đã đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp vượt thẩm quyền. Những người đã góp vốn vào Dự án B5 Cầu Diễn được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Công ty HAIC được xác định là có trách nhiệm đối với khoản vốn góp vốn của hơn 200 cá nhân nói trên.

Bản hợp đồng mà một khách hàng góp vốn tại Dự án B5 Cầu Diễn cung cấp cho Đầu tư Bất động sản cho thấy, đây là Hợp đồng huy động vốn đối ứng, cá nhân này đồng ý góp 500 triệu đồng, lãi suất 14%/năm, thời hạn 12 tháng. Về quyền lợi và trách nhiệm, nếu dự án được triển khai (trong vòng 12 tháng) và nếu cá nhân này có nhu cầu, thì được quyền mua căn hộ. Nếu dự án không được thực hiện, thì HAIC sẽ hoàn trả tiền và lãi suất tương ứng.

Rất nhiều người khẳng định, đã nộp tiền vào HAIC theo thông báo của Công ty, nay Công ty phải có trách nhiệm với số vốn của họ và yêu cầu Tòa án buộc HAIC hoàn trả lại số tiền đã góp vốn cùng với lãi suất theo quy định tại hợp đồng.

Khách hàng Nguyễn Quang B. cho rằng, trong thỏa thuận không có huy động vốn, mà là thỏa thuận vay vốn, có lãi suất, có kỳ hạn. Hết kỳ hạn, nếu có nhu cầu thì mới chuyển thành đầu tư, nếu không thì HAIC phải trả cả vốn lẫn lãi. Do đó, anh B. yêu cầu HAIC trả tiền. Trong khi một số khách hàng khác vẫn muốn lấy căn hộ, họ hy vọng dự án sẽ được tiếp tục thực hiện.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhận định, giao dịch góp vốn giữa khách hàng và Công ty HAIC là giao dịch dân sự và dành quyền cho các bên tự giải quyết bằng thỏa thuận, thương lượng hoặc khởi kiện khi cần thiết.

Trước tòa, đại diện Công ty HAIC cũng khẳng định, vẫn tiếp tục đồng hành với khách hàng, đối với hợp đồng góp vốn Công ty đã và sẽ làm việc tiếp tục, nếu khách hàng rút vốn, Công ty sẽ tái cơ cấu để thu hồi tiền về trả cho khách hàng. Tuy nhiên, đại diện HAIC cho biết, Công ty không nắm rõ bao nhiêu người có đơn rút vốn. Hiện HAIC vẫn đang hoạt động và chưa trả thêm tiền cho khách hàng nào (mới có 8 khách hàng được trả vốn).

“Quan điểm của Công ty về các trường hợp góp vốn là sẽ kế thừa. Hiện nay, dự án vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu, đang gấp rút hồ sơ pháp lý, giải phóng mặt bằng...”, đại diện Công ty HAIC cho biết.

Lời hứa hẹn từ một doanh nghiệp nhà nước tạo ra phần nào hy vọng cho các khách hàng, nhưng còn nhiều chông gai trên con đường đòi tiền, đòi nhà của khách hàng. Số tiền khách hàng đã góp vào để thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn đã bị chi tiêu sai mục đích và khả năng thu hồi là rất khó khăn.

Cụ thể, sau khi thu tiền khách hàng, Công ty HAIC đã mua thép của CTCP Thép Việt Nhật, sau đó bán lại cho Công ty Trường Giang với tổng giá trị hơn 211 tỷ đồng. Khi Công ty Trường Giang không trả được tiền mua hàng, hai bên đã chốt với nhau, số tiền còn nợ sẽ chuyển thành thép để thi công Dự án B5. Đến nay, dự án chưa được khởi công và Công ty Trường Giang cũng chưa trả thép.

Ngoài ra, HAIC còn dùng 55 tỷ đồng để góp vốn vào Dự án khu biệt thự nhà vườn xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) do Công ty Trường Giang làm chủ đầu tư. Dự án này đã bị dừng để UBND TP. Hà Nội rà soát, phân loại, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng và đến nay vẫn chưa có tiến triển.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan