Quý III/2015, thị trường nhà ở bùng nổ thanh khoản

(ĐTCK) Báo cáo nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam cho thấy, thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2015 vẫn tiếp tục đà biến chuyển tích cực. Đặc biệt, một số phân khúc thị trường đã vào quỹ đạo ổn định hơn và có sự tăng trưởng cao.
Nhà liền kề, biệt thự "nóng" thanh khoản ở những dự án đầy đủ hạ tầng và dịch vụ tiện ích

Nhà liền kề, biệt thự "nóng" thanh khoản ở những dự án đầy đủ hạ tầng và dịch vụ tiện ích

Thị trường nhà ở nhộn nhịp

Con số tăng trưởng lớn nhất, theo công bố của Savills Việt Nam, thuộc về phân khúc căn hộ. Theo đó, nguồn cung căn hộ ra thị trường Hà Nội trong quý III có sự gia tăng đột biến, đạt 14.700 căn. Lượng sản phẩm giao dịch cũng tăng mạnh, dù trong quý có tháng Ngâu, thời điểm giao dịch chùng xuống; đạt 6.600 căn, tăng 44% so với quý trước đó, 71% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 45% tổng nguồn cung.

Với số lượng căn hộ cung ra thị trường lớn và tỷ lệ hấp thụ cao, Savills Việt Nam đánh giá nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ thị trường căn hộ trong quý III/2015 đạt mức cao nhất 4 năm trở lại đây, chỉ thấp hơn so với mức đỉnh vào quý I/2011.

Sở dĩ thị trường căn hộ có sự bùng nổ về nguồn cung lẫn thanh khoản là do các chủ đầu tư đẩy mạnh hoạt động mở bán, với nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn, nhằm tận dụng tối đa đà phục hồi của thị trường.

Mặc dù nguồn cung đã rất lớn, nhưng theo đánh giá của Savills, vẫn còn nhiều dự án bị chủ đầu tư trì hoãn đưa sản phẩm ra thị trường, do phải chờ đợi dự án được ngân hàng bảo lãnh, cũng như đáp ứng được những điều kiện của Luật Kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực.

Phân khúc nhà liền kề, biệt thự đã có sự tăng trưởng ổn định hơn. Cụ thể, mặc dù thị trường nhà liền kề, biệt thự chưa có sự sôi động như thị trường căn hộ, nhưng tại các dự án này, chủ đầu tư đã tập trung đầu tư vào tiện ích và bàn giao nhà hoàn thiện, nhờ vậy các giao dịch vẫn diễn ra và giá bán có xu hướng ổn định hơn.

Savills lấy dẫn chứng nhà liền kề, biệt thự tại các dự án như Ecopark, Gamuda Gardens, ParkCity. Đây đều là các dự án nằm ở khu vực ngoài trung tâm, song đã được chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng, bàn giao nhà có thể ở được ngay nên sản phẩm vẫn có thanh khoản tốt. Đặc biệt, giá nhà tại các dự án này có sự ổn định khá cao, không dễ mất giá như các dự án không được đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Trong khi nguồn cung căn hộ để bán dồi dào, nguồn cung căn hộ dịch vụ trong quý III/2015 lại hạn hẹp. Trong thời gian tới, nguồn cung căn hộ dịch vụ trên địa bàn thủ đô cũng chỉ vào khoảng 800 căn và không có nhiều kỳ vọng tăng trưởng.

Do nguồn cung hạn chế, thậm chí không có trong quý III, công suất thuê của căn hộ dịch vụ tại Hà Nội chỉ tăng khoảng 4% so với quý II và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê sôi động

Tương tự như thị trường căn hộ, thị trường mặt bằng bán lẻ và văn phòng cho thuê mặc dù chưa dứt xu hướng giảm giá, nhưng đang có những diễn biến sôi động hơn trước, nhất là công suất cho thuê mặt bằng đã tốt dần lên.

Ở thị trường văn phòng, tổng diện tích cho thuê trong quý III đạt trên 1,49 triệu m2 sàn. Công suất thuê văn phòng tại Hà Nội đạt khoảng 84%, mức lớn nhất tính theo quý trong 4 năm qua.

Theo Savills, trong quý IV/2015, thị trường sẽ đón nhận thêm khoảng 133.000 m2 sàn và tương lai gần, sẽ có thêm khoảng 300.000 m2 văn phòng nữa gia nhập thị trường. Do nguồn cung lớn, sức ép cạnh tranh để thu hút khách thuê và lấp đầy diện tích sẽ khiến chủ đầu tư phải áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, chiết khấu hơn nữa. Ngay từ bây giờ, nhiều chủ đầu tư đã khuyến mãi phí dịch vụ, hoặc chỉ thu phí thuê 10/12 tháng mỗi năm để thu hút khách mới hoặc khách hàng có nhu cầu chuyển văn phòng trong giai đoạn này.

Đối với thị trường mặt bằng bán lẻ, xu thế giảm giá vẫn diễn ra. Cụ thể, giá thuê trung bình trong quý III giảm khoảng 4,7% so với quý trước đó. Thậm chí, giá thuê giảm sâu hơn, đến 10,3% tại các khối đế chung cư. Tuy nhiên, công suất thuê mặt bằng bán lẻ trong quý III lại khá cao, đạt 87%, tăng khoảng 3% so với quý II/2015 và 4% so với cùng kỳ năm 2014.

Khách sạn hướng về phía Tây

Ở phân khúc khách sạn, báo cáo của Savills cho thấy, khách sạn hạng 5 sao đang gặp khó, khi lượng phòng khá lớn (chiếm 4.900/tổng số trên 9.000 phòng khách sạn), chưa kể tới nguồn cung rất dồi dào (với khoảng 19 dự án khách 5 sao sẽ được triển khai trong tương lai). Để cạnh tranh thu hút khách, giá khách sạn 5 sao sẽ phải giảm nhẹ, trong khi giá phòng khách sạn 3-4 sao tăng lên.

Một ghi nhận thú vị của Savills về hoạt động của thị trường khách sạn Hà Nội trong quý III là các khách sạn có hoạt động kinh doanh tốt không thuộc khu trung tâm, mà thường nằm ở khu vực phía Tây.

Như vậy, cùng với lĩnh vực văn phòng cho thuê, hoạt động kinh doanh khách sạn ở khu vực phía Tây dần chiếm ưu thế, ngày càng có vị thế trở thành khu trung tâm kinh doanh lưu trú mới của Hà Nội.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan