Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Quản lý nhà chung cư cần những “khớp nối” văn hóa

(ĐTCK) Dù đã có quy định cụ thể, nhưng là nơi tập hợp người dân tứ xứ, có trình độ, nghề nghiệp và phong tục khác nhau, việc quản lý, vận nhà một khu chung cư là điều không dễ.

Những cư dân "tùy tiện"

Từng đồng lòng đấu tranh với chủ đầu tư để dự án về đích và bàn giao đúng hẹn, những tưởng sau khi về sinh sống, hàng trăm hộ dân tại Chung cư CT1 Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội sẽ tạo thành một cộng đồng cư dân văn minh, lịch sự. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sinh sống, nhiều hộ dân ở đây đã phát hoảng vì những cư dân thiếu ý thức.

Không chỉ vô tư ném rác, bỉm, cháo xuống tầng dưới, nhiều hôm cả những vật dụng nguy hiểm như bát, dao, chai bia, kéo cũng bỗng dưng từ đâu bay thẳng xuống cả khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Không những vậy, có nhiều hôm, ngay sáng sớm, cư dân "tá hỏa" phát hiện những bóc ni lông đầy phân, phát mùi xú uế ngay giữa hành lang đi lại phía dưới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chị Hồng, một trong những cư dân sinh sống tại đây chia sẻ: "Rất may chưa có trường hợp tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Thế nhưng, thực sự rất bức xúc với những trường hợp thiếu ý thức như vậy".

Sự bức xúc của chị Hồng cũng là cảm giác chung của nhiều người khi chuyển về sinh sống tại các chung cư, dù là thấp cấp, mini, hay thậm chí cả cao cấp. Vào các diễn đàn trên mạng, có thể dễ dàng thấy hàng trăm cuộc thảo luận về những hành vi thiếu ý thức trong nếp sống tại các chung cư được cư dân chia sẻ.

Chẳng hạn, cư dân chung cư Bemes Hà Đông từng hoảng loạn vì khói bốc ra từ ban công một căn hộ tầng 12. Do chủ nhân không ở nhà, cửa khóa, hàng xóm không biết rõ là ai để liên hệ, nên Ban quản lý và chính quyền địa phương phải phá khóa để dập tắt đám cháy, khi ấy đã lan rộng khắp lan can, bén cả vào đồ đạc trong nhà.

Hết giờ làm về nhà, anh Hưng, chủ căn hộ mới tá hỏa khi thấy cảnh người chen chúc đến xem, khắp tường ban công nhà mình bị lửa bùng lên cháy đen sì, may là chưa lan vào khu chứa bình gas của gia đình.

Theo điều tra sau đó, thì thủ phạm gây ra đám cháy là một thanh niên ở tầng trên vô tư ra ban công hút thuốc rồi vứt mẩu thuốc hút dở xuống dưới, rơi trúng cuộn dây điện ở ban công nhà anh Hưng, lửa bén vào dây điện và cháy lan ra xung quanh.

Câu chuyện về CT1 Vân Canh, hay Bemes ở Hà Đông mới chỉ là một trong số hàng ngàn chuyện "dở khóc, dở cười" thường xuyên xảy ra trong đời sống ở những khu đô thị kiểu mới này.

Được tín nhiệm làm bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố cho một khu chung cư tái định cư tại Minh Khai, Hà Nội, nhưng ông Đỗ Viết Toản không bao giờ nghĩ sẽ vất vả đến vậy khi trở thành trung gian tiếp nhận giải quyết những mâu thuẫn giữa các hộ gia đình trong khu chung cư này.

"Cư dân sống tại các khu chung cư mới hiện nay là dân tứ xứ, có trình độ, công việc và hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người một kiểu sống, mỗi người một phong tục, nên nảy sinh nhiều vấn đề", ông Toản nói và cho biết, chính lối sống ích kỷ, không quan tâm đến lợi ích chung của nhiều người đã khiến bộ mặt chung cư trở nên xấu xí.

Theo ông Toản, tại khu chung cư của ông, dù đã rất nhiều lần họp hội nghị, thậm chí kêu gọi đến từng nhà về việc nâng cao nếp sống văn hóa chung cư, nhưng thực tế rất khó để các cư dân thay đổi cách sống của mình vì cộng đồng chung.

Lấy ví dụ về cách sử dụng thang máy tại khu chung cư của mình, ông Toản cho biết, nhiều người sử dụng bảng điều khiển thang máy vô tội vạ, khiến thang máy hoạt động không cần thiết, gây ảnh hưởng tới người khác cùng sử dụng thang máy, đồng thời khiến cho thang máy hoạt động hao tốn điện năng không đáng có.

Hay việc cho trẻ nhỏ ăn uống trong thang máy gây mất vệ sinh, ảnh hưởng tới những người xung quanh. Nhiều lúc, có những người ăn mặc thiếu tế nhị, thậm chí cả phóng uế, vẽ bậy trong thang máy, làm mất thẩm mỹ, an toàn cho thiết bị thang máy…

Quản lý chung cư, quy định chỉ là một phần

Ngày 15/2/2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2016/TT-BXĐ về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong đó, có mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư với những điều quy định chặt chẽ đối với chủ sở hữu, người sử dụng, người tạm trú và khách ra vào chung cư; các hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư; sử dụng phần sở hữu chung của nhà chung cư…

Về cơ bản, đây là lần đầu tiên có một thông tư tương đối đầy đủ và toàn diện về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong đó, có nhiều quy định chặt chẽ, sát thực tế, cùng với chế tài xử lý nghiêm, tạo thuận lợi cho ban quản lý các chung cư.

Cụ thể, Thông tư 02 nghiêm cấm các hành vi như nói tục, chửi bậy, đánh nhau, cãi nhau, gây ồn ào, mất an ninh, trật tự; sử dụng truyền hình, truyền thanh hoặc các thiết bị phát ra âm thanh quá mức làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của nhà chung cư và sinh hoạt của các chủ sở hữu nhà chung cư…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tác động của thông tư này tới công tác quản lý tại các chung cư không thực sự nhiều, bởi việc quản lý tại các khu chung cư, ngoài vấn quy định của pháp luật, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố văn hóa của cư dân. Trong khi đó, trên thực tế, tại nhiều khu chung cư hiện nay, cả ban quản lý và cư dân chưa có nhận thức đúng đắn từ việc xây dựng nếp sống, văn hóa chung cư dựa trên những định chế đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện một doanh nghiệp chuyên quản lý tòa nhà chung cư cho biết, quản lý nhà chung cư hiện nay là bài toán khó, trong đó phần khó nhất là tạo dựng được một văn hóa cộng đồng chung.

Sống tại các khu chung cư là sống trong một xã hội thu nhỏ, mỗi người, mỗi tính cách, mỗi quan niệm sống khác nhau và đặc biệt là có sự khác biệt về trình độ nhận thức, nên thường rất khó xử lý mỗi khi có tranh chấp.

Đôi khi từ những tranh chấp nhỏ, người này không chịu người kia, lan sang thành tranh chấp lớn, thậm chí mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng giữa các cư dân với thành viên ban quản trị...

Lúc đó, vất vả nhất sẽ là những đơn vị quản lý chung cư, bởi là thân "làm dâu trăm họ", chỉ biết làm theo hợp đồng, không được can dự vào nội bộ ban quản trị của cư dân.

“Đối với những chung cư cao cấp hẳn, những cư dân này thường là những người có học thức cao, nên việc làm trung gian hòa giải tương đối dễ dàng. Còn với những cộng đồng cư dân nhận thức chưa tốt, thì việc tham gia giảng hòa sẽ chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa, làm bùng phát tranh chấp. Thế nhưng, nếu không giải quyết thì sẽ càng khổ, vì có thể đơn vị quản lý sẽ trở thành “bia đỡ đạn” để các nhóm cư dân lôi ra phản ánh, tranh chấp", vị này chia sẻ thêm.

Trước những thay đổi của điều kiện sống, các khu chung cư mọc lên ngày càng nhiều, đòi hỏi mỗi người cần phải có thay đổi, từ bỏ một số tập quán sống không còn thích hợp, từng bước hình thành và xây dựng một số tập quán sống mới, phù hợp với cuộc sống chung. Có như thế, mới có thể cùng xây dựng môi trường sống văn minh, hiện đại tại các khu chung cư.

Bên cạnh đó, để cư dân sớm làm quen với cuộc sống mới, ngay từ khi hình thành dự án nhà ở, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan chức năng sớm quan tâm tới việc tuyên truyền cho các cư dân tương lai liên quan đến những quy định về quản lý chung cư, cũng như văn hóa, lối sống trong các khu chung cư để người dân dần quen trước với lối sống mới, tránh những tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra khi chuyển về sinh sống.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan