Tuy nhiên, chỉ đến khi thông tin về việc chính thức dừng triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vào tháng 3/2016, sau đó gia hạn thêm 9 tháng đến hết năm 2016, thì yêu cầu đánh giá và nhìn nhận lại về cách thức triển khai chính sách phát triển chương trình nhà ở xã hội mới thực sự cấp thiết để tìm hướng đi mới cho loại hình nhà ở này.

Thực tế, ngay khi gói tín dụng ưu đãi kết thúc, phân khúc nhà ở xã hội đã thực sự gặp khó khăn, nhiều dự án đã phải dừng triển khai, đặc biệt là tại các dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang như AZ Bright City, Tứ Hiệp Plaza… Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại một số đơn vị chuyên tư vấn giới thiệu mua nhà ở xã hội cho thấy, số lượng khách hàng đến đặt vấn đề đã giảm tới 2/3 so với trước đó. Ngay kể cả những dự án như Sunny Garden, hay một số dự án ở khu vực Hà Đông do một số chủ đầu tư có tiềm lực cam kết hỗ trợ lãi suất, khả năng bán hàng cũng đã giảm đáng kể.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, chủ đầu tư Dự án AZ Bright City cho biết, khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1013/QĐ-TTg ngày 6/6/2016 về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, nhiều khách hàng tại dự án này rất quan tâm. Tuy nhiên, gói tín dụng này đến nay vẫn chưa được triển khai.

Theo lý giải của Ngân hàng Ngân hàng Chính sách xã hội, mặc dù công tác chuẩn bị cho việc giải ngân gói vay ưu đãi đã sẵn sàng với chủ trương là 50% gói vay 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, 50% còn lại do ngân hàng huy động, nhưng vốn ngân sách chưa bố trí được.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định, cá nhân ông cảm thấy không ổn và sẽ không thể tiếp tục trông chờ vào nguồn ngân sách để triển khai nhà ở xã hội. Thực tế, trong bối cảnh cân đối ngân sách còn gặp khó khăn như hiện nay, lẽ dĩ nhiên lĩnh vực sản xuất sẽ được ưu tiên hơn.

Nhiều chuyên gia khác cũng cùng quan điểm khi cho rằng, cách thức ưu đãi trọng yếu tố cung hơn yếu tố cầu những năm qua đã khiến việc triển khai chính sách nhà ở xã hội không thực sự đạt kết quả như mong muốn. Điều này thể hiện ở số lượng dự án được đăng ký cũng như một tỷ lệ thấp các dự án được khởi công và số lượng ít căn nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngay trong thời kỳ được coi là phát triển mạnh mẽ nhất của phân khúc nhà ở xã hội, báo cáo của UN Habitat (2014) cho thấy, đến tháng 9/2010, cả nước mới có 110 dự án nhà ở cho công nhân được đăng ký cho giai đoạn 2009 - 2015, nhưng chỉ 24 dự án được thực hiện, cung cấp chỗ ở cho 125.000 người lao động. Bên cạnh đó, có 194 dự án nhà ở cho sinh viên được đăng ký, nhưng chỉ có 94 dự án đã khởi công, cung cấp chỗ ở cho 330.000 sinh viên và khoảng 190 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được đăng ký, cung cấp 170.000 căn hộ.

Theo đánh giá của Ths. Lê Thị Ngọc Mai, Khoa Pháp luật kinh doanh, Trường đại học Luật Hà Nội, nguyên nhân của việc trọng cung này là do trước đó, các chính sách nhà ở đa phần chạy theo các chỉ tiêu về số lượng liên quan đến số đơn vị nhà ở và diện tích sàn xây dựng. Từ đó, các cơ quan quản lý phải đưa ra những điều kiện ưu đãi để khuyến khích chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội.

Chẳng hạn, Nghị quyết 18/2009/NQ-CP của Chính phủ đã đưa ra một số ưu đãi cụ thể về thuế và nguồn vốn cho các chủ đầu tư, đồng thời khẳng định, Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án như hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước và cung cấp một số hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong công tác thiết kế nhà ở xã hội.

Đến cuối năm 2013, hàng loạt ưu đãi khác được đề cập đến trong Nghị định 188/2013/NĐ-CP, trong đó đáng lưu ý là các ưu đãi về sử dụng đất, về khả năng kết hợp giữa phát triển nhà ở xã hội và kinh doanh thương mại, việc sử dụng tài sản hình thành trong tương lai trong các dự án nhà ở xã hội để vay vốn đầu tư. Các ưu đãi cũng nhấn mạnh đến việc Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chủ đầu tư nhà ở xã hội trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong phạm vi dự án.

click để xem ảnh lớn

Trong khi đó, về mặt nguồn cầu, trên thực tế, một tỷ lệ lớn những người cần vay để mua nhà ở xã hội lại không nằm trong diện được vay, vì vướng quy định người vay phải là người có việc làm trong khu vực chính thức và phải có hộ khẩu thành phố. Chưa kể, người mua muốn được hỗ trợ tài chính thì phải chi trả tiển ban đầu bắt buộc tương đương với 30% giá trị của nhà/căn hộ muốn sở hữu, hoặc phải bỏ 100% tiền ứng trước sau đó mới tính đến việc hỗ trợ tài chính…

Theo bà Nguyễn Thị Hải Ly, Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị - Sở Xây dựng TP.HCM, trong chính sách nhà ở xã hội, Nhà nước cung cấp một số ưu đãi, trợ cấp cho doanh nghiệp là điểu dễ hiểu. Bởi trong thời gian đầu, điều này giúp giảm giá thành và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo thời gian, chính sách này bộc lộ hạn chế khi không kèm phân bổ ngân sách, tạo áp lực cho địa phương, cũng như động lực để thi hành hiệu quả. Tuy nhiên, phân tích tổng thể cho thấy, với các chính sách hiện tại, một người có thu nhập tầm 10 triệu đồng/tháng sẽ khó có khả năng mua nhà ở xã hội.

Trong khi đó, Ths Nguyễn Thị Ngọc Mai đã có công trình nghiên cứu khá công phu, chỉ ra đặc trưng người nghèo ở các thành phố lớn. Nghiên cứu giám sát nghèo có sự tham gia của Oxfam và Actionaid nhận định rằng, hạn chế về học vấn và tay nghề dẫn đến người nghèo đô thị chủ yếu làm trong khu vực phi chính thức, tuy năng động, nhưng thu nhập thường không ổn định, khó có các khoản để dành. Nghiên cứu cho thấy, trên 70% thành viên hộ nghèo làm nghề phụ hồ, bán giải khát, tạp hóa nhỏ hoặc làm các nghề tự do khác như chạy xe ôm, phụ bán quán, trồng rau, bán vé số, cắt tóc, sửa quần áo...; gần 30% thành viên hộ nghèo làm công nhân (may, dược, cơ khí) hoặc làm thợ có tay nghề (thợ mộc, thợ bạc, thợ sơn). Việc không có thu nhập ổn định là yếu tố khiến trong giai đoạn triển khai gói 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng thường không ưu tiên thực hiện giải ngân với đối tượng này, đồng thời sau gói 30.000 tỷ đồng thì càng khó khăn hơn.

Do đó, theo bà Mai, nếu triển khai mạnh loại hình nhà ở xã hội trong giai đoạn mới, thì Nhà nước cần xác định lại vai trò là "người điều phối" hay "người thực thi". Khi đó, Nhà nước sẽ giữ vai trò một nhà tư vấn và cổ vũ cho khu vực tư nhân trên nhiều lĩnh vực. Các ngân hàng thương mại mở rộng quy mô tín dụng cho nhà ở với lãi suất thích hợp dành cho người mua nhà, đồng thời có những chính sách kích thích tiết kiệm và gửi tiền vào ngân hàng.

Theo TS. Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, tham khảo từ kinh nghiệm của thế giới qua các giai đoạn phát triển chương trình nhà ở cho thấy, về lâu dài, cơ chế áp dụng cung ứng nhà ở cho người thu nhập thấp tại TP.HCM có lẽ nên vận dụng nhiều hơn theo cơ chế thị trường tự do. Nhà nước chỉ tạo điều kiện để chủ đầu tư tư nhân sản xuất nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp thật nhiều; chủ yếu tập trung hỗ trợ các hộ thu nhập thấp, thông qua cho vay tiền, tín dụng nhà ở với lãi suất phù hợp, để họ có thể tự mua nhà trả góp (hoặc thuê nhà dài hạn).

Nếu chủ đầu tư tư nhân xây nhà xã hội phù hợp vị trí theo nhu cầu của người thu nhập thấp (chẳng hạn, gần chỗ làm việc) hoặc giá thấp, chất lượng đẹp; thì người thu nhập thấp sẽ tự chọn nơi ở phù hợp, mua để ở, theo khả năng và sở thích của họ. Khi đó, các chủ đầu tư xây nhà ở thu nhập thấp phải nghiên cứu kỹ thị trường, bố trí dịch vụ hạ tầng đầy đủ trong các dự án nhà ở nhằm nâng cao tính cạnh tranh so với các chủ đầu tư khác; đồng thời, có thể giảm giá, nâng chất lượng, chọn vị trí phù hợp... nhằm thu hút nhiều người đến đăng ký mua. Lúc đó, cung cầu sẽ tự động gặp nhau, theo nhu cầu thị trường và chương trình nhà ở dành cho người thu nhập thấp sẽ đạt kết quả mang tính bền vững hơn.

Đồng quan điểm, ông Trương Hoàng Trương đến từ Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, nhận định, thay vì Nhà nước đưa ra một nguồn tài chính cho việc xây dựng nhà ở cho người nghèo và kèm theo điệu kiện - mà đôi khi điều kiện được đưa ra không đáp ứng được cho đa số người nghèo, thì cần tạo cơ chế để cung – cầu nhà ở bình dân tự tìm đến nhau.

Theo đó, các nguồn tài chính trước hết phải được huy động từ những người có nhu cầu về nhà ở, từ cộng đồng dân cư, từ các nguồn đô thị qua việc sử dụng đất. Tiền thu được từ việc sử dụng đất đô thị để phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó có cơ sở hạ tầng của các khu nhà ở của người thu nhập thấp và người nghèo.

Ở góc nhìn khác, bà Mai cho rằng, có thể nhận thấy một số điểm nghịch lý hoặc mất cân bằng trong phát triển nhà ở xã hội ở nước ta như số nhóm đối tượng thụ hưởng ngày càng được bổ sung nhưng song song với điều đó là các điều kiện tiếp cận quỹ nhà này ngày càng cụ thể và khắt khe.

“Để thực sự khuyến khích chủ đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở xã hội, các bước thủ tục hành chính cần được đơn giản hóa và việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư cần được hỗ trợ để hiện thực hóa kịp thời chứ không chỉ dừng lại ở những cam kết. Về yếu tố sức cầu, cần phải bỏ đi những ràng buộc không hợp lý như về tình trạng cư trú, đồng thời định lượng rõ hơn các yêu cầu về điều kiện nhà ở hiện tại cũng như điều kiện kinh tế và thu nhập hộ gia đình để người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận quỹ nhà ở xã hội”, bà mai khuyến cáo.