“Nội chiến” tại Vinaland, khách hàng lãnh đủ

(ĐTCK) Nội bộ HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt Nam (Vinaland - VNI) có nhiều mâu thuẫn, xung đột, đã ảnh hưởng tới các khách hàng mua chứng chỉ nhà ở để được quyền mua căn hộ tại các dự án của công ty này.
Phối cảnh Dự án Vinaland Tower - dự án đối tượng được Vinaland sử dụng để huy động vốn của hàng trăm khách hàng nhiều năm trước

Phối cảnh Dự án Vinaland Tower - dự án đối tượng được Vinaland sử dụng để huy động vốn của hàng trăm khách hàng nhiều năm trước

Bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT không hợp pháp?

Đầu tư Bất động sản số ra gần đây đã đăng tải bài viết “Nguy cơ tan giấc mộng chứng chỉ nhà ở Vinaland”, phản ánh việc công ty này phát hành chứng chỉ quyền mua nhà, dưới hình thức khách hàng cho VNI vay tiền như một khoản tiết kiệm để được mua nhà tại các dự án do Công ty làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn, nhà thì chưa có, tiền không lấy lại được, trong khi dự án bị VNI rao bán. Trong quá trình tìm hiểu, Đầu tư Bất động sản biết được, đằng sau câu chuyện này, nội bộ HĐQT của VNI đang có nhiều mẫu thuẫn, xung đột về quyền lợi.

Từ trước đến nay, nhắc đến VNI, nhiều người biết đến ông Trần Minh Hoàng là người đại diện theo pháp luật và là Chủ tịch HĐQT Công ty. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015, các thành viên khác trong HĐQT của VNI đã tổ chức một cuộc họp HĐQT, nhưng vắng mặt ông Trần Minh Hoàng, để đưa ra quyết định bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của Công ty đối với ông Hoàng, người thay thế là ông Trần Bình Long.

Theo ông Hoàng, quyết định này hoàn toàn bất hợp pháp. “Cho đến thời điểm này, tôi chưa nhận được quyết định bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT, bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT từ HĐQT hoặc ĐHCĐ Công ty, tôi cũng chưa bao giờ được nhìn thấy bản chính hoặc nhận được bản sao y của các biên bản họp HĐQT về các quyết định đặc biệt quan trọng liên quan đến tính hợp pháp của con dấu và HĐQT hiện tại, mặc dù tôi đã nhiều lần yêu cầu HĐQT cung cấp bằng văn bản”, ông Trần Minh Hoàng nói và cho biết, sự bất hợp pháp này thể hiện ở chỗ, ngày 18/11/2015, VNI có thông báo việc thay đổi mẫu con dấu của doanh nghiệp và thời điểm có hiệu lực của mẫu con dấu mới là ngày 20/11/2015, nhưng trước đó, trong biên bản họp HĐQT về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT và thay đổi người đại diện theo pháp luật, VNI đã chính thức sử dụng con dấu mới này.

Cũng theo ông Hoàng, hiện ông đã có đơn gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM khởi kiện hành chính về việc thay đổi con dấu trái pháp luật, đồng thời cũng có đơn khởi kiện đến Tòa án Nhân dân quận 7, TP.HCM, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp và các cá nhân tại Công ty. 

Mâu thuẫn nội bộ, khách hàng và cổ đông lãnh đủ

Việc đúng sai trong tranh chấp nội bộ của VNI sẽ do cơ quan chức năng quyết định, tuy nhiên, mâu thuẫn này đang đẩy hàng trăm khách hàng cho VNI vay tiền đứng trước nguy cơ mất trắng, bởi Công ty đang rao bán các dự án là đối tượng để thực hiện chính sách huy động vốn, khiến nhiều người đứng ngồi không yên.

Sau khi Đầu tư Bất động sản đăng bài: “Nguy cơ tan giấc mộng chứng chỉ nhà ở Vivaland”, đã có nhiều khách hàng gọi điện đến đường dây nóng của Báo bày tỏ sự lo lắng.

Chị P., một khách hàng mua 1,5 chứng chỉ VNI cho biết, vì mong muốn có được một chỗ ở giá hợp lý, chị đã tin tưởng đóng cho VNI số tiền hơn 700 triệu đồng, nhưng suốt nhiều năm qua, VNI không xây dựng dự án, cũng không trả lại tiền.

“Tôi cứ nghĩ họ khó khăn do vướng thủ tục nên thông cảm, hy vọng khi giải quyết khó khăn họ sẽ xây dựng dự án như cam kết”, chị P. bộc bạch và cho biết, hy vọng bao nhiêu để rồi thất vọng bất nhiêu khi nghe thông tin họ đang mang dự án đi rao bán, mà không hề đá động gì đến quyền lợi của khách hàng.

Tương tự, anh H. mua 1 chứng chỉ VNI từ đầu năm 2009, đã đóng gần 300 triệu đồng, cũng đang đứng ngồi không yên. Anh cho biết, đã nhiều lần đến Công ty đòi tiền, nhưng VNI liên tục từ chối.

Điều đáng nói ở đây, lật lại danh sách khách hàng cho VNI vay tiền, phần lớn đều là những người từng quen biết với ông Trần Minh Hoàng, nên có thể đây là một trong những lý do chính khiến họ đưa ra quyết định cho VNI vay.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Hoàng khẳng định, mục tiêu ban đầu của VNI khi thực hiện huy động vốn của khách hàng là quyết tâm xây dựng dự án. Tuy nhiên, đến năm 2015, khi Công ty gần như đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, thì nội bộ phát sinh mâu thuẫn. Một số thành viên HĐQT, cổ đông sáng lập đã thay đổi mục tiêu định hướng ban đầu, thay vì phát triển, họ lại muốn chuyển nhượng dự án cho đối tác chỉ định, khi dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.

“Bản thân tôi đã nhiều lần phản đối quyết liệt, vì việc này là bất hợp pháp, lừa dối, bội tín với khách hàng, có khả năng dẫn đến tranh chấp, kiện tụng, gây hậu quả xấu cho cổ đông, nhưng họ vẫn không quan tâm”, ông Hoàng nói và cho biết, những người đã đặt niềm tin vào VNI và cá nhân ông đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan