Tình trạng “đứng núi này trông núi nọ” thường xuyên xảy ra với các nhân viên môi giới địa ốc

Tình trạng “đứng núi này trông núi nọ” thường xuyên xảy ra với các nhân viên môi giới địa ốc

Nhân sự môi giới, chưa đến đã tính… đi

(ĐTCK) Dân làm môi giới địa ốc chuyên nghiệp thường kháo nhau: “Đứa nào làm lâu hơn 3 năm cho 1 doanh nghiệp thì đứa đó chưa chắc đã… giỏi chuyên môn”. Đây không chỉ là câu chuyện trà dư tửu hậu của các môi giới địa ốc, mà trên thực tế, trong nghề này, ít có nhân sự nào gắn bó lâu dài với công ty.

Công ty môi giới “khát” nhân sự

Khác với các ngành kinh doanh tiêu dùng nhanh hay ngành công nghệ, viễn thông luôn có sự ổn định về mặt nhân sự, ngành kinh doanh bất động sản lại có những biến động lớn. Việc khó tuyển chuyên viên kinh doanh bất động sản là câu chuyện không phải lạ lẫm đối với ngành kinh doanh địa ốc trong vài năm trở lại đây. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các công ty lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người hàng năm, nhưng rất ít công ty tuyển đủ chỉ tiêu.

Lý giải cho việc này có thể là do doanh nghiệp và người lao động không gặp nhau ở điểm chung trong chính sách lương, thưởng, phúc lợi, chế độ đãi ngộ và văn hóa doanh nghiệp. Việc nhân viên kinh doanh rời bỏ doanh nghiệp chỉ sau vài tháng, thậm chí vài tuần là chuyện không hiếm đối với ngành kinh doanh địa ốc và các doanh nghiệp chấp nhận điều đó như chuyện thường ngày.

Với một nghề đặc thù phải đầu tư nhiều thời gian và công sức như nghề môi giới bất động sản, trong khi thu nhập không ổn định, nên khó hấp dẫn nhiều người theo đuổi. Ngoài ra, sự hỗn độn, thậm chí là bát nháo của một số doanh nghiệp dịch vụ địa ốc khiến cho nhiều người có ác cảm với nghề môi giới, khiến việc thu hút lao động cũng khó khăn hơn, nhất là các lao động. Bên cạnh đó, đa phần nhân sự làm việc trong ngành kinh doanh địa ốc là các bạn trẻ làm việc trái ngành, nên chuyện “nhảy việc” là khó tránh khỏi.

Theo chị Thanh Hương, chuyên viên nhân sự Novaland, doanh nghiệp muốn trụ vững và thành công trong ngành kinh doanh địa ốc cần có chiến lược phát triển nhân sự cụ thể, tập trung ở khâu tuyển dụng đầu vào và chương trình đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, chính sách lương, thưởng và các chính sách phúc lợi khác nên rõ ràng, chi tiết. Doanh nghiệp không làm thương hiệu và không có văn hóa đặc trưng cũng rất ít người lao động quan tâm.

Trên thự tế, động lực làm việc của người lao động không chỉ vấn đề lương, thưởng và hoa hồng, mà còn nhiều yếu tố khác chi phối, như môi trường làm việc, văn hóa công ty…

“Ảo tưởng thương hiệu”

Không chỉ các nhân viên môi giới là những người thích “nhảy việc”, mà nhân sự quản lý tâm trung và cao cấp của ngành kinh doanh địa ốc cũng biến động liên tục. Ngoại trừ các tập đoàn lớn như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Hòa Bình..., nhân sự quản lý từ trung cấp đến cao cấp tương đối ổn định, hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành khác luôn có những biến động ở vị trí quản lý.

Khái niệm “Ảo tưởng thương hiệu” cũng dần được hình thành từ vài năm trở lại đây ở một số doanh nghiệp trong ngành kinh doanh bất động sản và đó cũng là một trong những lý do khiến cho doanh nghiệp khó tuyển dụng nhân sự quản lý. Một số doanh nghiệp đưa ra tiêu chí tuyển dụng cao “chót vót” đã làm không ít người lao động ngỡ ngàng, “cười ra nước mắt”, như yêu cầu phải có bằng cấp “ngoại”, ngoại ngữ cao cấp, kinh nghiệm ít nhất 8 - 10 năm, trong khi sản phẩm bán thuộc phân khúc trung cấp và đối tượng khách hàng cũng chủ yếu là người Việt.

Có một câu chuyện quản trị rằng, Jack Ma (ông chủ Alibaba) đã xuống tay sa thải hơn 70% nhân sự có bằng thạc sĩ từ nước ngoài về do không am hiểu tâm lý tiêu dùng của khách hàng trong nước. Còn Steve Jobs (cố Chủ tịch của Appe) đã tuyển dụng người “ngoại đạo” vào vị trí điều hành cao nhất của Tập đoàn.

Tuy nhiên, điều này lại rất ít xảy ra với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh bất động sản nói riêng. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn coi trọng bằng cấp, chứ không đánh giá nhân sự bằng khả năng thực tế của họ. Trong khi đó, điều bất ngờ là đa phần ông chủ doanh nghiệp kinh doanh địa ốc thành đạt hiện này đều là “dân tay ngang”.

Một lý do nữa khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc khó giữ chân nhân sự là do văn hóa doanh nghiệp ở đa phần công ty còn rất sơ khai, thậm chí có doanh nghiệp không có, đã làm nản lòng không ít người lao động. Để giữ chân nhân sự, các doanh nghiệp có thể học hỏi cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp như Vingroup, đào tạo bài bản như Đất Xanh, chính sách rõ ràng như Novaland...và đặc biệt phải từ bỏ “Ảo tưởng thương hiệu” và coi trọng bằng cấp.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan