Một dự án nhà ở xã hội tại TP. HCM

Một dự án nhà ở xã hội tại TP. HCM

Nhà ở xã hội: Nhu cầu lớn, vướng mắc nhiều

(ĐTCK) Nhu cầu nhà ở xã hội tại TP. HCM rất lớn và chủ trương về phát triển mạnh nhà ở xã hội thời gian qua của các ban ngành cũng khá quyết liệt. Tuy nhiên, việc triển khai đang bị ách tắc do còn nhiều vướng mắc.

Nhu cầu lớn, vướng mắc nhiều

Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP. HCM có khoảng 476.000 hộ dân chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân. Trong số này, có gần 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức và có khoảng 13.000 hộ bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn, nhưng không đủ điều kiện để được bồi thường hoặc tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại.

Kết quả khảo sát về nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 do Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố thực hiện cho thấy, có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân là đối tượng cán bộ công chức, hộ nghèo, cận nghèo và lao động trong các khu công nghiệp có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội. Hầu hết các nhóm đối tượng này (từ 65 - 94%) đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội. Để đáp ứng như cầu về nhà ở xã hội tại Thành phố, Sở Xây dựng TP. HCM đã đưa ra mục tiêu hoàn thành 39 dự án với 44.701 căn hộ là nhà ở xã hội.       

Theo Sở Xây dựng TP. HCM, quỹ đất dành cho kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn gồm 19 dự án với quy mô hơn 28.000 căn hộ do Nhà nước trực tiếp quản lý; 19 dự án với quy mô hơn 15.000 căn hộ do doanh nghiệp tự bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, hiện Thành phố còn có 70 dự án phát triển nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, mỗi dự án sẽ dành 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội, tương ứng 43 ha, dự kiến xây hơn 162.000 căn hộ. Thành phố dự kiến sẽ bố trí vốn ngân sách khoảng 19.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 32.500 căn hộ.

Chủ trương là vậy, nhưng việc triển khai trên thực tế đang bị ách tắc do còn nhiều vướng mắc, trong đó mấu chốt nằm ở chỗ chưa bố trí được nguồn vốn từ ngân sách, do đang có những ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành.

Chẳng hạn gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách (bên cạnh kế hoạch huy động vốn 1.000 tỷ đồng) để thực hiện chính sách nhà ở xã hội năm 2016. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn. Mặt khác, kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020 theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trước, trong lúc Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 25/12/2015 mới có văn bản số 95/NHCS-HĐQT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về vấn đề này. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan có liên quan huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. 

Cần đẩy mạnh xã hội hóa nhà ở xã hội

Theo góp ý của nhiều chuyên gia, trong khi vốn ngân sách có hạn, một giải pháp cần được tính đến hiện nay là đẩy mạnh việc xã hội hóa phát triển nhà ở xã hội. Hiện nay, tại TP. HCM, có doanh nghiệp làm các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, không có sự ưu đãi thuế, vay vốn như dự án nhà ở xã hội, nhưng họ vẫn thực hiện thành công như Công ty Lê Thành, Công ty Nam Long, Công ty Hoàng Quân, Công ty Thủ Thiêm...

Theo các doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội, để đẩy nhanh xã hội hóa việc phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước cần có cơ chế như được khấu trừ chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng vào khoảng 50 - 60% theo bảng đơn giá đất ở tại thời điểm phê duyệt dự án; công bố công khai quỹ đất 20% dành làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Đối với dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất của doanh nghiệp, cần tạo cơ chế, chính sách ưu đãi trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt hỗ trợ ưu đãi đối với các dự án đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đạt 70-80%...

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, để kích thích các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa chương trình nhà ở xã hội, Nhà nước có chính sách thí điểm để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện loại dự án nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (khoảng từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng) được tạm hoãn chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án (do Luật Đất đai 2013 đã quy định không miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án nhà ở thương mại), được giảm thuế VAT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, có chính sách tín dụng ưu đãi...

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan