Bên vỉa hè Dự án nhà ở xã hội Rice City. Ảnh: Nnguyễn Thành

Bên vỉa hè Dự án nhà ở xã hội Rice City. Ảnh: Nnguyễn Thành

Nhà ở xã hội, “món quà” cho cả người giàu

(ĐTCK) Nhà ở xã hội với đối tượng thụ hưởng là công chức nhà nước chưa có nhà ở ổn định, người có thu nhập thấp... để ở hoặc được cho thuê với giá rẻ hơn so với giá thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường hợp đây vẫn là “món quà” cho cả người giàu.

Mua suất, bán chênh?

Chia sẻ với phóng viên Đầu tư Bất động sản, anh Linh, cư dân dự án nhà ở xã hội Rice City (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Dù là khu nhà ở xã hội nhưng nhiều nhà giàu lắm. Sau khi nhận nhà, họ còn thay đổi hết về kiến trúc, giật cấp trần, lát sàn gỗ, sửa chữa các kiểu. Ở nhà ở xã hội nhưng nhiều gia đình có ô tô đắt tiền”.

Ghi nhận tại thực tế dự án, rất nhiều xe ô tô đậu kín ở vỉa hè, sân chơi (do trong thiết kế tổng thể thì dự án nhà ở xã hội không có bãi đỗ xe ô tô). Nhiều người dân cũng xác nhận đó là xe của cư dân tại dự án.

Một bảo vệ dự án Rice City cho biết: Tiếng là vậy, nhưng độ trước mở bán, nhiều người đi xe Lexus đắt tiền đến mua lắm. Tầm đấy người ta cũng chẳng ở nhà này đâu, chắc họ mua để bán suất, ăn chênh. Chủ đầu tư (Công ty cổ phần BIC Việt Nam) là người bán hàng, mà họ là doanh nghiệp thì mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận nên theo tôi, ai mua không quan trọng, quan trọng là bán được hàng, có lãi.

 Nhiều xế hộp tại dự án nhà ở xã hội.

“Tôi biết, có nhiều nhà có nhà rồi, mua một cái nhà ở xã hội chơi chơi. Không bán được thì để đó cho thuê. Hồi đầu, có ông hàng xóm ngó vào nhà mình và hỏi: Nhà không lát sàn gỗ à? Mình bảo nhà ở xã hội lấy đâu tiền mà lát. Nhà tôi còn phải đi vay ngân hàng gói cao nhất, 75% mới mua được nhà thì lấy đâu tiền mà trang trí với làm đẹp”, anh Linh chia sẻ.

“Thực ra, đúng luật là đứng tên sổ đỏ rồi là không xét hồ sơ nhưng tôi thấy có người có nhà, đứng tên sổ đỏ rồi mà vẫn mua được nhà ở xã hội. Chắc họ ‘ngoại giao’ được. Vì chỉ cần sang tay luôn là chênh khoảng 200 triệu đồng một căn nên hấp dẫn lắm”, một người dân cho biết.

Xế hộp đậu kín sân nhà ở xã hội

Khảo sát tại các dự án nhà ở xã hội Ecohome 1, Ecohome 2, nhà ở xã hội Thành phố giao lưu, phóng viên đều nhận được phản ánh về việc có nhiều người dân ở nhà thu nhập thấp nhưng lại có đời sống cao, việc mua đi bán lại chênh lệch cả trăm triệu đồng/căn.

 Ảnh: Nnguyễn Thành

Tại hai dự án nhà ở xã hội Ecohome 1, nhà ở xã hội Ecohome 2, ghi nhận của phóng viên cho thấy, có rất nhiều chủ căn hộ sở hữu ô tô. Tại dự án nhà ở xã hội  Ecohome 1, trong vai một người cần mua nhà yêu cầu phải có chỗ gửi xe ô tô, phóng viên được một bảo vệ cho biết: “Hiện tại, ở dự án có vài căn đang có nhu cầu chuyển nhượng, mức chênh cũng khoảng vài ba trăm triệu. Còn chỗ đỗ xe ô tô thì yên tâm vì hiện vẫn còn trống. Cả dự án có thể bố trí được khoảng 120 chỗ để xe, hiện tại có khoảng 70 xe của cư dân”.

Cách đây chưa lâu, các cư dân tại dự án Ecohome 1 đã được một phen ngạc nhiên khi biết hàng xóm của mình là ông Mai Xuân Thọ - người đăng ký mua một lượng lớn cổ phần của Khách sạn Kim Liên. Theo đó, ông Thọ đã đăng ký mua 3.647.433 cổ phiếu, tương đương khoảng 112 tỷ đồng. Còn tại dự án Rice City, 3 người nhà của chủ đầu tư “lọt” vào danh sách xét duyệt mua nhà ở xã hội cũng khiến dư luận đặt câu hỏi người giàu tranh suất của người nghèo tại dự án dành cho người thu nhập thấp.

Tương tự, tại dự án nhà ở xã hội Ecohome 2, xung quanh các tòa nhà cũng có hàng chục chiếc xe ô tô của cư dân đậu kín sân. Nhiều xe còn đậu dọc các tuyến giao thông chính (đường nội bộ).

Dự án nhà ở xã hội Ecohome: sân chơi chung chật kín xế hộp 

Hàng trăm chiếc xe hiện diện tại các dự án nhà ở xã hội có lẽ là minh chứng rõ nét nhất cho việc để lọt nhiều đối tượng ngoài diện được hưởng chính sách có sở hữu hoặc thuê nhà ở xã hội.

Anh Đạt, một người dân sở hữu nhà ở xã hội cho hay: “Tôi thấy mình may mắn vì có thể mua được nhà ở xã hội với sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng còn rất nhiều người thuộc diện khó khăn lại đang bị cướp suất bởi những người giàu. Không hiểu người ta làm thế nào mà có thể qua cửa nhiều bộ phận, đơn vị để sở hữu nhà dành cho người nghèo. Có lẽ do sự hấp dẫn của tiền chênh bán suất lên đến vài trăm triệu nên người nghèo lại càng khó có cơ hội chen chân đấu ngang tay với người giàu vốn nhiều quan hệ, nhiều thông tin”.

Như Đầu tư Bất động sản đã đề cập ở các số báo trước, tình trạng rao bán nhà ở xã hội với mức chênh hàng trăm triệu đồng/căn diễn ra khá phổ biến. Và bằng cách này, cách khác, khi những căn hộ được hỗ trợ bởi nhiều chính sách của Nhà nước, thay vì thành “cứu cánh” cho người thu nhập thấp lại trở thành món quà cho cả người giàu thì cơ hội sở hữu nhà ngày càng xa vời với nhiều người.

Theo quy định của Nghị định số 34/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/04/2013 về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, có 8 đối tượng được thuê, thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, gồm: Người có công với cách mạng; cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp; người thu nhập thấp, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị; người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn được thuê. 

Các đối tượng này được thuê nhà ở xã hội khi chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình, nhưng nhà ở chật chội có diện tích bình quân hộ gia đình dưới 5 m2 sàn/người hoặc nhà ở hư hỏng, dột nát; có hộ khẩu thường trú hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên và có đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi có nhà ở cho thuê. Riêng đối tượng là hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư thì điều kiện thuê nhà ở xã hội sẽ do UBND cấp tỉnh quy định.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan