Những căn nhà tạm của người nhập cư. Ảnh: Lê Thắng.

Những căn nhà tạm của người nhập cư. Ảnh: Lê Thắng.

Nhà ở cho người nhập cư thu nhập thấp: Hầu hết dự án mới trên giấy

(ĐTCK) TP.HCM đang có số lượng người nhập cư lớn nhất cả nước với gần 4 triệu người, chiếm khoảng 1/3 dân số Thành phố. Tuy người nhập cư có vai trò rất lớn trong sự phát triển kinh tế của TP.HCM, nhưng với lượng người nhập cư quá đông cũng đã tạo nên gánh nặng trong việc giải quyết bài toán nhà ở.

Sở hữu nhà hợp pháp, giấc mơ còn xa

Thị trường bất động sản TP.HCM trong những năm qua liên tục xác lập mặt bằng giá mới và hiện đang ở mức khá cao, khiến cho nhiều người có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở.

Lượng dân nhập cư lớn, nhưng điều đáng nói ở đây là người nhập cư đa số là lao động phổ thông. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, Ủy viên Hội Đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, chỉ 10 - 12% sinh viên tốt nghiệp ở lại TP.HCM, số lượng chuyên gia có trình độ cao từ các nơi về đây rất ít, trong khi đó, công nhân phổ thông chưa qua đào tạo chiếm đến 30%.

Thực tế, đa số người nhập cư, người thu nhập thấp làm trong lĩnh vực phi chính thức như thợ hồ, thợ mộc, cơ khí, buôn bán lẻ, dịch vụ ăn uống, hoặc làm công nhân..., thu nhập không ổn định, nên rất khó khăn trong việc sở hữu nhà.

Trong kế hoạch giai đoạn 2016-2020, UBND TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 45.000 căn. Đây là tin vui cho nhiều người dân nghèo, người nhập cư. Tuy nhiên, năm 2017 chỉ có 1.654 căn hộ nhà ở xã hội được bán ra, người dân muốn mua phải rồng rắn xếp hàng, bốc thăm chờ may mắn.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành cho rằng, nếu Thành phố không xây những căn nhà giá rẻ, thì có khoảng 1 triệu người dân có thu nhập thấp ở TP.HCM không có nhà ở. Đặc biệt, tới đây, khi Thành phố triển khai di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch (dự báo chỉ khoảng 50% hộ đủ khả năng lo nơi ở mới), nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà tái định cư ngày một tăng lên.

Hiện nay, gói vay hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã hết hạn và chưa có gói vay tương tự thay thế, khiến ước mơ được sở hữu một căn nhà của hàng triệu người nhập cư thu nhập thấp càng trở nên xa vời hơn.

Cần có những chính sách hỗ trợ sớm

Nhà ở có lẽ là tài sản quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, ngày càng nhiều hộ gia đình ở TP.HCM không đủ tiền mua nhà, dù là căn nhà nhỏ nhất. Đối với nhiều lao động nhập cư, người thu nhập thấp, sở hữu nhà ở chỉ là giấc mơ.

Nhiều người vẫn phải sống trong căn hộ chật chội, diện tích bình quân đầu người chỉ đạt 7,7 m2/người, hơn rất nhiều chỉ tiêu mà Thành phố đặt ra là 10 m2/người. Đó là chưa kể đến những trường hợp phải sống tạm bợ trong các khu ổ chuột, ven kênh rạch. Hay ngay bên cạnh đô thị hiện đại bậc nhất thành phố với các cao ốc chọc trời, biệt thự sang trọng như quận 2, vẫn tồn tại xóm nhà lá tạm bợ, cuộc sống người dân ở đây thiếu thốn chẳng khác gì miền núi.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, sản phẩm nhà siêu nhỏ, diện tích 4x7 m, 4x8 m, giá từ 500 - 600 triệu đồng/căn tại các khu vực ngoại ô thành phố đang thu hút được sự quan tâm của người nhập cư có thu nhập thấp. Tuy nhiên, chất lượng của những ngôi nhà này không được đảm bảo và sẽ có nhiều rủi ro về mặt pháp lý cho người mua.

Tại Bình Dương và Đồng Nai, chính quyền nơi đây xác định, sự phát triển của đô thị đang trông cậy vào lao động nhập cư (chiếm 80%), nên cần phải tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống. Do đó, ở các địa phương này đã có sự xuất hiện của hàng loạt căn hộ có giá chỉ 100 - 300 triệu đồng, tạo điều kiện cho người nhập cư, người lao động có thu nhập thấp mua được nhà và an cư lập nghiệp.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tại những khu vực ngoại thành Thành phố như quận 12, quận Bình Tân, Nhà Bè, Thủ Đức, có thể quy hoạch khu dân cư hỗn hợp, vừa có nhà ở xã hội, vừa có nhà ở thương mại với diện tích tối thiểu 25 m2/căn hộ, tương đương nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cấp bách của người thu nhập thấp. Đến nay, Sở Xây dựng và Hội kiến trúc sư TP.HCM mới công bố tổ chức cuộc thi "thiết kế điển hình chung cư nhà ở xã hội cao tầng năm 2017”, nhưng không biết bao giờ dự án mới được triển khai.

Người nhập cư đã, đang và sẽ tiếp tục là lực lượng lao động quan trọng của TP.HCM, thiết nghĩ, chính quyền Thành phố cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề nhà ở của người nhập cư, vừa giải quyết nhu cầu nhà ở, vừa đảm bảo vấn đề an sinh, xã hội.   

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan