2017 sôi động
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả vốn trực tiếp - FDI và góp vốn mua cổ phần), với 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký, đưa VIệt Nam trở thành một trong nhữn điểm đến hấp dẫn nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Trong số các cách thức tham gia thị trường, theo đánh giá của Công ty Jones Lang Lasalle, hình thức liên doanh là phổ biến nhất. Thông qua các hình thức này, các nhà đầu tư nước ngoài với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và nắm giữ đất đai tại thị trường sở tại. Trong khi đó, các chủ đầu tư trong nước có thêm dòng vốn giá rẻ và dồi dào để triển khai các dự án của mình.
Năm 2017 được đánh giá là năm khá thành công của các nhà đầu tư bất động sản tại thị trường Việt Nam. Những cơ hội đầu tư mà các nhà phát triển nước ngoài hướng tới được phân loại theo cấp độ đầu tư, theo công ty hoặc dự án hoặc cấp độ kinh doanh trên thị trường chứng khoán hóa.
Trong 3 năm trở lại, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu từ đến từ Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo JLL, nếu như trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài này chỉ tham gia ở nhóm bất động sản thương mại (trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, cao ốc văn phòng…), thì hiện tại, hoạt động đã diễn ra rất sôi nổi tại phân khúc nhà ở, thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước.
Với các nhà đầu tư nước ngoài này, một thị trường bất động sản hơn 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Thêm vào đó, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Nha Trang, việc ngày càng có nhiều người trẻ với xu hướng ra ở riêng sau khi lập gia đình hoặc vừa đi làm thúc đẩy rất lớn sự gia tăng của nhu cầu nhà ở.
Thống kê của JLL cho thấy, năm vừa qua có khá nhiều thương vụ M&A đáng chú ý, đặc biệt tại TP.HCM. Chẳng hạn, trong tháng 12/2017, Hongkong Land và Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) ký kết hợp đồng hợp tác phát triển Dự án Thủ Thiêm River Park.
Cũng trong quý IV/2017, CapitaLand công bố đã mua lại dự án căn hộ với diện tích đất rộng 1,45 ha tại quận 4 với 53,5 triệu đô la Singapore (tương đương với 40 triệu USD). Giao dịch này đã nâng số lượng dự án nhà ở của CapitaLand tại TP.HCM lên con số 9 và là dự án thứ 11 tại Việt Nam.
Một giao dịch dự án khu dân cư khác liên quan đến Quỹ VinaLand, một quỹ đóng chuyên đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam và do VinaCapital quản lý, đã bán toàn bộ cổ phần trong dự án Vina Square - một khu đất phát triển có diện tích 3 ha tại quận 5, TP.HCM cho Công ty Bất động sản Trí Đức, thu về tiền mặt ròng có giá trị khoảng 41,2 triệu USD, trong đó bao gồm cả việc trả nợ vốn vay của cổ đông. Sau khi hoàn thành, dự án phát triển phức hợp này sẽ cung cấp hơn 1.000 căn hộ dân cư cùng với khu bán lẻ và văn phòng.
Trước đó, trong tháng đầu tiên của năm 2017, CapitaLand đã ký thỏa thuận có điều kiện để có mua một khu đất thương mại có diện tích 0,6 ha tại trung tâm kinh doanh của TP.HCM với mục tiêu phát triển tòa tháp văn phòng hạng A quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, với tổng diện tích sàn dự kiến là 106.000 m2.
Song song đó, Mitsubishi cũng đã mua lại 11.000 m2 văn phòng của Khách sạn Le Me'ridien từ Công ty cổ Phần Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH 990.
Sẽ tiếp tục là tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài
Theo dự báo của bà Phương Lê, chuyên viên phân tích, Bộ phận Thị trường vốn tại Việt Nam của JLL, năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài luôn ưu ái đến các dự án tạo ra lợi nhuận, tuy nhiên các dự án này vẫn còn hạn chế trên thị trường
Phân khúc khách sạn luôn thu hút được sự quan tâm trong thời gian qua với nhiều nguồn vốn từ nước ngoài được đổ vào Việt Nam.
JLL dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, đồng thời những thị trường khác như khu công nghiệp và giáo dục cũng đang không ngừng tăng trưởng. Thị trường nhà ở bình dân được đánh giá là phân khúc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Hiện số lượng nhà đầu tư nước ngoài gia nhập và thành lập văn phòng tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Thay vì phải di chuyển liên tục, các nhà đầu tư hiện nay đã phát triển đội ngũ nhân viên của công ty ngay tại Việt Nam với sự kết hợp giữa các chuyên gia, quản lý trong và ngoài nước cho từng dự án.
“Nhìn chung, Việt Nam vẫn đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong khu vực, chúng tôi hy vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới trong năm 2018”, bà Phương Lê, Chuyên viên Phân tích, bộ phận Thị trường vốn tại Việt Nam của JLL nhận định.