Dự án Metro số 1 TP.HCM đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, có thể ảnh hưởng tới các dự án bất động sản “ăn theo” tuyến giao thông này. Ảnh: Lê Toàn

Dự án Metro số 1 TP.HCM đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, có thể ảnh hưởng tới các dự án bất động sản “ăn theo” tuyến giao thông này. Ảnh: Lê Toàn

Nguy cơ chậm tiến độ, metro vẫn là “át chủ bài” với doanh nghiệp địa ốc

(ĐTCK) Mặc dù đang đứng trước nguy cơ bị chậm tiến do thiếu vốn, nhưng tuyến Metro số 1 của TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn đang là “át chủ bài” của các doanh nghiệp địa ốc tung ra khi giới thiệu, chào bán với khách hàng.

Nguy cơ tuyến metro bị chậm tiến độ

Được biết, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng), được khởi công tháng 8/2012. Với chiều dài gần 20 km, tuyến metro này đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn chậm khiến dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, hiện số tiền nợ nhà thầu thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên lên đến 1.339 tỷ đồng do chưa được Trung ương bố trí vốn. Trước Tết, TP.HCM ứng khoảng 900 tỷ đồng để chủ đầu tư trả tiền nhà thầu thanh toán cho công nhân.

Trong năm nay, tuyến metro số 1 cần hơn 5.400 tỷ đồng, trong khi vốn Trung ương bố trí về chỉ 2.100 tỷ đồng, chỉ đủ trả nợ nhà thầu và tiền tạm ứng của Thành phố.

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, UBND TP.HCM cho biết, chỉ tính 2 dự án lớn sử dụng vốn ODA (tuyến metro số 1 và dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2), Thành phố kiến nghị 7.000 tỷ đồng, nhưng Trung ương dự kiến chỉ phân bổ 3.500 tỷ đồng.

“Vốn ODA bố trí như vậy là không đáp ứng nhu cầu giải ngân của 2 dự án. Một số nhà thầu đã đề nghị giãn tiến độ thi công và có thể dừng thi công nếu tiến độ giải ngân tiếp tục chậm trễ như hiện nay”, đại diện UBND TP.HCM cho biết.

Doanh nghiệp địa ốc vẫn “ung dung”

Cơ sở hạ tầng và bất động sản từ lâu đã được coi là “đôi bạn cùng tiến”. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, giá trị sản phẩm của dự án bất động sản có thể tăng theo sự phát triển của hạ tầng và cũng có thể “đóng băng” vì hạ tầng.

Một chuyên gia của CBRE Việt Nam cho rằng, trước sự kiện tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại TP.HCM dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020, tất cả người dân đang sinh sống và làm việc tại Thành phố đều háo hức chờ đợi những thay đổi lớn mà tuyến đường sắt đô thị này mang lại. Riêng đối với ngành bất động sản, cuộc chơi sẽ chứng kiến những đổi thay ngoạn mục hơn.

Trên thực tế, sau khi tuyến Metro được khởi công xây dựng năm 2012, nhiều dự án bất động sản đã đua nhau mọc lên xung quanh tuyến được này, nhất là giai đoạn 2014-2015 tại quận Thủ Đức, quận 2, quận 9. Điều này đã làm thị trường bất động sản khu Đông TP.HCM nóng lên.

Các dự án này có thể kể đến như Khu dân cư Masteri Thảo Điền (nằm cạnh ga số 7 ), Depot Metro Tower (nằm gần ga số 12); Lavita Garden và Moonlight Residences (đều nằm gần ga số 10 của tuyến Bến Thành - Suối Tiên)…

Hiện dù dự án Metro số 1 đang có nguy cơ chậm tiến độ. Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc tuyến metro này kéo dài thời gian thi công, sẽ ảnh hưởng chung tới nền kinh tế, chứ không chỉ ảnh hưởng riêng tới doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, dù tiến độ thi công tuyến metro đầu tiên của TP.HCM đang bị kéo dài, nhưng các doanh nghiệp đầu tư bất động sản trong những đợt mở bán gần đây, ngoài giới thiệu các tiện ích của dự án, đều nhấn mạnh rằng, dự án của mình ở gần và hưởng lợi trực tiếp từ tuyến Metro số 1.

Trong vai khách hàng đang có nhu cầu mua nhà, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tham dự buổi lễ mở bán dự án Sài Gòn Gateway (cách trạm dừng metro 200 m).

Khi chúng tôi tỏ ra e ngại vì tuyến metro đang có nguy cơ chậm tiến độ, thì anh Hoàng, nhân viên kinh doanh của dự án này trấn an: “Đây là dự án được đầu tư và phát triển bằng nguồn ngân sách của Nhà nước, nên chắc chắn sẽ được hoàn thành, chứ không phải do một doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư rồi sợ bị treo. Anh cứ yên tâm mà đầu tư, khi tuyến metro hoàn thành, thì cũng là lúc mình được nhận nhà. Lúc đó, nếu anh không ở thì bán ra cũng có lãi”.

Trước những lời quảng cáo “ăn theo” metro như “vị trí vàng ngay tuyến metro”, “giáp tuyến đường sắt trên cao”…, các chuyên gia bất động sản khuyên khách hàng nên tỉnh táo, cần tìm hiểu kỹ về dự án, nếu không sẽ mua phải dự án “nhầm” chỗ. Bởi dù được quảng cáo là dự án gần metro, nhưng thực tế, dự án đó chỉ “nhìn thấy metro”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan