Những ngày nắng chang chang, người ta mới thực sự thấy quý những mảng xanh - Ảnh: Lê Toàn

Những ngày nắng chang chang, người ta mới thực sự thấy quý những mảng xanh - Ảnh: Lê Toàn

Ngày nắng nóng, nói chuyện công trình xanh

(ĐTCK) Kiến trúc xanh không chỉ là xu hướng trong việc thiết kế các khu resort, khu nghỉ dưỡng, khách sạn mà đang lấn dần sang các khu đô thị, chung cư cao cấp cũng như những tòa nhà cao tầng.

Làm nên đường nét của kiến trúc xanh không thể thiếu vật liệu xanh. Thế nhưng, con đường đến công trình của vật liệu xanh vẫn còn quá nhọc nhằn.

Hội thảo liên kết vùng do Sở Xây dựng TP. HCM phối hợp cùng các Sở Xây dựng: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Long An và Tiền Giang đã được tổ chức vào cuối năm 2014 để tìm hướng đi bền vững, hiệu quả và đặc biệt là thực hiện tốt chương trình phát triển vật liệu không nung của Chính phủ. Tại hội thảo, trước câu hỏi: “Liệu TP. HCM có cam kết thực hiện đúng như quy định về tỷ lệ sử dụng vật liệu không nung trong các công trình? Nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng thì Sở có giải pháp gì?”, câu trả lời chỉ là sự im lặng.

Rõ ràng, khó có thể dùng biện pháp hành chính để ép các chủ đầu tư dùng vật liệu xanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều chủ đầu tư “trốn” dùng thì một số khác lại chủ động sử dụng vật liệu xanh để ghi điểm cho các công trình.

Đơn cử như Dự án Sealink Mũi Né (Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư) đã đưa gạch không nung vào sử dụng trong các công trình. Cùng với kiến trúc - quy hoạch - dịch vụ thì vật liệu xanh khiến khách hàng có cái nhìn khác hơn về Tập đoàn Rạng Đông nhờ kinh doanh song hành cùng bảo vệ môi trường.

Khánh hàng khi đến với Sealink Mũi Né có cảm giác được tận hưởng một không gian hòa với thiên nhiên, đáng với “đồng tiền, bát gạo” mà họ bỏ ra. Anh Lê Chung, khách du lịch Hà Nội cho biết: “Gia đình mình chọn nghỉ tại Sealink vào dịp 1/5 không chỉ vì tiêu chuẩn 5 sao, mà còn bởi công trình đã dùng vật liệu xanh. Việc này cho thấy chủ đầu tư chăm chút từng chi tiết, đồng nghĩa với việc mình được phục vụ tốt”.

Trong khi các khu nghỉ dưỡng chú trọng sử dụng vật liệu xanh để hút khách, thì với công trình nhà ở, căn hộ, cao ốc văn phòng, việc sử dụng vật liệu xanh cũng là một yếu tố để chứng minh đẳng cấp của tòa nhà. Tại Việt Nam, có 3 loại chứng nhận phổ biến, gồm: Chứng chỉ LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ; Chứng chỉ GreenMark của Singapore và Chứng chỉ LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 50 công trình đã được chứng nhận hoặc đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, khoảng 30 công trình theo Chứng chỉ LEED, 10 công trình theo Chứng chỉ GreenMark và 10 công trình theo tiêu chuẩn LOTUS. Chẳng hạn, cao ốc văn phòng President Place (quận 1) là công trình đầu tiên tại TP. HCM đạt Chứng chỉ LEED Gold nhờ vào những điểm nổi bật như: tiết kiệm năng lượng hơn 12%, tiết kiệm nước hơn 45%, sử dụng phần lớn vật liệu thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là các công trình xanh ở Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản còn quá ít. Chẳng hạn, công trình theo tiêu chuẩn GreenMark chỉ có Capital Land và Keppel Land thực hiện. Nhìn sang các thành phố lớn trong khu vực thì tỷ lệ công trình xanh tại các đô thị Việt Nam vẫn còn “ở đâu đó” quá xa. Chẳng hạn, Kular Lumpur có 90 công trình theo Chứng chỉ LEED, Bangkok có 38 và ngay như Phnompenh cũng đã có 7 công trình, trong khi TP. HCM mới có một công trình là President Place.

Vậy tại sao bất động sản Việt Nam thiếu vắng công trình xanh? Công trình xanh được thiết kế theo tiêu chí tiết kiệm năng lượng và nước rất nghiêm ngặt. Trung bình, một công trình xanh tiết kiệm được khoảng 20% điện năng và 40% lượng nước sạch so với công trình bình thường. Thế nhưng, vấn đề điện, nước lại không thuộc về chủ đầu tư mà thuộc về khách hàng. Thiết kế công trình xanh không tốn kém nhưng đòi hỏi phải sử dụng vật liệu chuẩn như thiết kế, đặc biệt là việc sử dụng vật liệu xanh. Hơn nữa, với công trình thiết kế đạt chuẩn xanh thì khó lòng thay đổi thiết kế cơ sở khi đã khởi công. Điều này hạn chế việc “xoay xở” của chủ đầu tư khi phải tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường.

Những ngày nắng nóng đỉnh điểm tại khu vực phía Bắc vừa qua là thời điểm nhiều người bắt đầu quan tâm đến công trình xanh. Hơn nữa, đối với phân khúc căn hộ phục vụ nhu cầu thực của người mua, việc đưa vật liệu xanh vào công trình sẽ giúp thu hút được nhiều khách hàng hơn. Bởi vậy cũng dễ xảy ra hiện tượng, chỉ cần dùng “ít” vật liệu xanh để quảng bá dự án thay vì cả công trình phải “xanh”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan