Năm 2017, Việt Nam thu hút gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 29% so với năm 2016

Năm 2017, Việt Nam thu hút gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 29% so với năm 2016

Ngành du lịch: gỡ nút thắt nào để hiện thực hóa mục tiêu 20 tỷ USD?

(ĐTCK) Du lịch Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng để đạt mục tiêu đến năm 2020 thu hút 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Từ câu chuyện Quảng Ninh…

Với chủ đề "Hạ Long - Di sản, Kỳ quan - Điểm đến thân thiện", sự kiện "Năm Du lịch Quốc gia 2018" khai mạc ngày 28/4 vừa qua tại Hạ Long (Quảng Ninh) không đơn thuần mang ý nghĩa riêng cho việc phát triển du lịch Quảng Ninh, mà đó là câu chuyện tương lai cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.

Là một trong những địa phương có lợi thế về du lịch với bờ biển dài, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhất là có Vịnh Hạ Long được bình chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, nhưng Quảng Ninh chỉ thực sự được biết tới nhiều trên bản đồ du lịch Việt Nam trong thời gian gần đây nhờ bước chuyển mình về hạ tầng du lịch với sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sungroup, CEO, FLC,
BIM Group…

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, năm 2017, Quảng Ninh thu hút trên 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó 4 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp gần 17% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh. Năm 2018, Quảng Ninh phấn đấu đón trên 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu khách quốc tế, tăng trưởng doanh thu và đóng góp cho cơ cấu kinh tế tăng trên 20%.

Phát biểu tại lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những thành công của Quảng Ninh trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực mạnh đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ, làm thay đổi diện mạo ngành du lịch cả về chất và lượng.

Quảng Ninh đã thực sự có những thành công bước đầu trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “Nâu” sang “Xanh”, hướng tới phát triển du lịch bền vững, là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đây là những kinh nghiệm quý cho nhiều địa phương trong cả nước tham khảo, học tập.

…đến mục tiêu 20 tỷ USD

Đánh giá tiềm năng to lớn của ngành du lịch đối với nền kinh tế, Việt Nam đã có nhiều chính sách dài hạn cho ngành này, đưa ngành công nghiệp không khói thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Cụ thể, ngày 30/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Tiếp đó, ngày 22/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Đặc biệt, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành  Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo mục tiêu của Nghị quyết 08-NQ/TW đề ra, đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Để thực hiện chiến lược phát triển dài hạn, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp để phát triển ngành du lịch, như có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cả “phần cứng” và “phần mền”, miễn thị thực cho khách du lịch của một số quốc gia, vùng lãnh thổ…, đặc biệt là sự ra đời của Luật Du lịch 2017.

Ông Ngô Hoài Trung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, ngành du lịch Việt Nam đã có sự trưởng thành với hệ thống doanh nghiệp du lịch lớn mạnh, cơ sở hạ tầng, các trung tâm, điểm đến du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu giải trí, các tuyến du lịch, loại hình du lịch đa dạng, tạo diện mạo mới ở rất nhiều địa phương như Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu, Phan Thiết…

Ngành du lịch: gỡ nút thắt nào để hiện thực hóa mục tiêu 20 tỷ USD? ảnh 1

 Nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp đã được ra đời, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch.

Tại đó, không đơn thuần chỉ là những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng thuần túy trước đây, mà đã trở thành những thiên đường nghỉ dưỡng, không chỉ dành cho khách du lịch nội địa, mà còn đón nhận hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế đến trải nghiệm, khám phá Việt Nam mỗi năm.

Những thay đổi trong tư duy phát triển du lịch đã bước đầu gặt hái được những thành công. Cụ thể, sau khi vượt mốc 10 triệu lượt khách trong năm 2016, năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh hơn 29%, đạt gần 13 triệu lượt khách. Ngoài ra, lượng khách nội địa cũng tăng mạnh, đạt 73,2 triệu lượt, tăng 18,1% so với năm 2016. Việt Nam được đánh giá thuộc Top 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á.

"Đây chỉ là một trong số nhiều danh hiệu, giải thưởng thế giới trao tặng cho du lịch Việt Nam trong năm qua. Điều này cho thấy, thương hiệu du lịch Việt Nam đang ngày càng được định vị trên trường quốc tế", ông Hoài nhấn mạnh.

Nhưng còn nhiều việc phải làm

Dù có những bước tiến lớn, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, để du lịch thực sự phát triển, hướng tới thực hiện được mục tiêu xuất khẩu du lịch đạt 20 tỷ USD như Nghị quyết 08-NQ/TW đề ra, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, một trong những vướng mắc đầu tiên là câu chuyện về tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm tại nhiều địa phương.

Không thể phủ nhận, sự xuất hiện của những nhà đầu tư lớn đã bổ sung cho thị trường nguồn cung phòng lưu trú đạt chuẩn và có thêm nhiều dịch vụ để níu giữ chân du khách. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO Viettravel, không phải du khách nào có đủ điều kiện hoặc hứng thú với các khách sạn, resort cao cấp.

 Các bãi biển Việt Nam ngày càng mọc lên nhiều khu resort, khách sạn 5 sao

Bên cạnh đó, các sản phẩm tour du lịch vẫn còn hạn chế, chưa nhiều tính đa dạng, nên chưa thực sự khiến du khách sẵn sàng chi tiền nhiều hơn và coi Việt Nam là điểm đến có thể sẵn sàng quay lại nhiều lần trong tương lai.

Thực tế, do sự cạnh tranh từ các resort, khách sạn cao cấp, nhiều cơ sở lưu trú hạng 2, hạng 3 trước đây đã bắt đầu được nâng cấp, nhưng tình trạng bắt chẹt, chèn ép khách vẫn diễn ra, nhất là trong các đợt cao điểm, làm xấu xí, méo mó hình ảnh thương hiệu của nhiều địa phương du lịch.

Do đó, theo ông Kỳ, cần phải có sự hợp tác đồng bộ hơn nữa giữa các hãng lữ hành, hãng hàng không, khách sạn, resort với các cơ quan chức năng và các nhà đầu tư phát triển để cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch, gia tăng và đa dạng các hành trình tour nhằm tránh nhàm chán cho khách du lịch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtours cho rằng, do nhiều nguyên nhân, một số địa phương phát triển du lịch hiện nay có thiên hướng lệch về đầu tư lưu trú, mà quên mất rằng, nếu khai thác điểm đến không tốt, sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa địa phương.

Ngay như địa điểm du lịch rất hấp dẫn du khách hiện nay là Sapa cũng đang có nguy cơ đối mặt với tình trạng này. Do đó, cần phải thay đổi để tiếp tục gia tăng sức hút với du khách. Tuy nhiên, điều đó không dễ với nhiều địa phương, khi tư duy phát triển du lịch của nhiều lãnh đạo địa phương vẫn còn hạn chế.

Ở một góc nhìn khác, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group cho rằng, để phát triển khách hàng bền vững, thị trường ngoài nước luôn là một bài toán cần nhắm tới. Tuy nhiên, một khó khăn lớn hiện nay là vướng mắc trong vấn đề thị thực. Từ thực tiễn kinh doanh cho thấy, nhiều nền kinh tế thu hút trên 20 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm đều có chính sách visa rất thông thoáng.

Do vậy, một trong những giải pháp cần sớm giải quyết là quy trình thị thực, cấp visa để tiết kiệm thời gian, chi phí xin visa cho du khách nước ngoài, qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam. Khi đó, mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế, hàng trăm triệu lượng khách du lịch nội địa vào năm 2020 và lĩnh vực du lịch đóng góp tiệm cận 10% vào GDP, 20 tỷ USD xuất khẩu hoàn toàn có thể làm được.

"Trong thời đại 4.0, để phát triển du lịch bền vững, thương hiệu là vấn đề cần đặc biệt đẩy mạnh và có những bước thay đổi, ứng dụng công nghệ để quảng bá du lịch, cũng như các công tác quản lý khác trong ngành du lịch" ông Bình nhấn mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan