Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Năm 2020 sẽ có 1,9 triệu héc-ta đất đô thị

(ĐTCK) Theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới (2016 - 2020) mà Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, đến năm 2020, đất đô thị có diện tích là 1,9 triệu héc-ta, tăng 424.000 héc-ta so với năm 2010 và tăng 299.000 héc-ta so với năm 2015.

 Riêng đất ở tại đô thị có 199.130 héc-ta, chiếm 10,25% đất đô thị (bình quân có 50 m2/người). Diện tích đất đô thị này tương ứng với tỷ lệ đô thị hóa 38 - 40%, dân số 38 - 40 triệu người vào năm 2020.

Trong giai đoạn trước đó, từ 2011-2015, cả nước đã khai thác đưa vào sử dụng 875.000 héc-ta đất chưa sử dụng. Hiện cả nước còn 2,288 triệu héc-ta đất chưa sử dụng, trong đó có 187.000 héc-ta đất bằng chưa sử dụng, phân bố ở các khu vực ven sông, ven biển, còn lại đất đồi, núi trọc có độ dốc lớn, dễ bị xói mòn, rửa trôi, tầng đất mỏng, chất lượng đất thấp.

Để thực hiện kế hoạch sử dụng đất, cần chính sách điều chỉnh quá trình phát triển đô thị phù hợp với tốc độ phát triển công nghiệp, quá trình chuyển dịch cơ cấu, tái cấu trúc nền kinh tế và rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch hệ thống đô thị để đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng.

Đối với đất đô thị, cần rà soát quy hoạch sử dụng đất đô thị theo hướng bố trí sử dụng đất hợp lý, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội; nâng cao hệ số sử dụng đất. Hạn chế việc thực hiện các dự án nhà ở nhỏ lẻ tại các thành phố. Các công trình xây dựng tại các đô thị cần triệt để khai thác không gian ngầm và trên cao để tiết kiệm đất.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, vấn đề sử dụng đất đô thị có nhiều thách thức đặt ra giữa một bên là khả năng thực hiện mong muốn và một bên là mong muốn, kỳ vọng của chúng ta. Ta có xu hướng muốn đô thị đã phát triển thì phải hiện đại ngay, như đô thị ở châu Âu. Nhưng để làm được như vậy, thì chúng ta chưa đủ lực. Chẳng hạn như việc chia lô bán nền, đã từng cho phép, không cho phép, cho phép một phần, rồi cho phép tất, rồi lại hạn chế… Điều này cho thấy, chúng ta không mong muốn đô thị bị băm nhỏ, manh mún, nên mới cấm chia lô bán nền, nhưng do không đủ sức thực hiện, nên lúc thì cấm, lúc thì mở.

“Để quy hoạch, kế hoạch, chiến lược bớt tính lãng mạn thì cần cân nhắc rất kỹ giữa tiềm năng, thực lực và mong muốn, kỳ vọng. Lời giải dung hòa cho vấn đề này đến nay vẫn chưa có. Đó là nguyên nhân dẫn đến thực tế phát triển không đúng như kế hoạch, chiến lược”, GS. Đặng Hùng Võ nói.

Trên thực tế, chỉ tiêu đất ở tại đô thị giai đoạn vừa qua cũng không đạt kế hoạch đặt ra. Vào năm 2010, cả nước có 133.000 héc-ta đất ở đô thị, diện tích được duyệt đến năm 2015 là 179.000 héc-ta, nhưng kết quả thực hiện chỉ đạt 173.800 héc-ta.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan