Ma trận hàng nội thất
Theo giới kinh doanh nội thất, hiện nay, có nhiều dự án bất động sản đang bước vào giai đoạn bàn giao, nhiều công trình nhà ở của dân được tiến hành sửa chữa, nên thị trường nội thất đang khá sôi động. Tuy nhiên, lợi dụng sự sôi động này, nhiều đơn vị kinh doanh đã đã tuồn hàng giả, hàng nhái để lừa người tiêu dùng.
Chỉ cần gõ cụm từ mua nội thất trên trang tìm khiếm google, chỉ trong mấy giây đã có hơn 3,6 triệu kết quả hiện ra, hàng loạt đường link giới thiệu về các siêu thị nội thất với đa dạng các loại sản phẩm, mẫu mã, từ các thương hiệu nổi tiếng, đến những hãng vỗ danh.
“Nhiều doanh nghiệp tên tuổi bán hàng thường cung cấp đầy đủ các thông tin, xuất xứ, bảo lãnh về chất lượng sản phẩm và đáp ứng được các điều kiện của người mua hàng. Tuy nhiên, cũng không ít cửa hàng nhỏ lẻ dù giới thiệu bán sản phẩm của các hãng lớn, nhưng khi khách hàng đưa ra các yêu cầu về sản phẩm thì không cung cấp được, hoặc yêu cầu xuất hóa đơn VAT thì nhiều đơn vị không thể cung cấp. Đây là dấu hiệu bất minh của các đơn vị này”, anh Trường ở Thanh Xuân (Hà Nội), người có thâm niên trên 10 năm trong nghề kinh doanh nội thất chia sẻ.
Theo các chuyên gia và những người kinh doanh nội thất lâu năm, hàng giả, hàng nhái hiện nay được làm rất tinh xảo, ngay cả người trong nghề cũng khó nhận biết, chứ chưa nói đến khách hàng.
“Để phân biệt được hàng nội thất thật giả hiện nay, người trong nghề như chúng tôi còn khó chứ đừng nói đến người tiêu dùng. Bởi nội thất có nhiều loại sản phẩm, công năng khác nhau, cách nhận biết khác nhau và không ai am hiểu hết cả”, ông Phạm Ngọc Cường, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Xây dựng nội thất Nhà Xinh cho biết.
Khách hàng nên đến những showroom chính hãng
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực nội thất, xây dựng, Đại tá Nguyễn Trần Hanh, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế (Công an tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, hiện nay, thị trường hàng giả trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đang có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó có thể phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả.
Hàng giả trong lĩnh vực xây dựng có thể là hàng Trung Quốc nhập về nhưng được “đội lốt” các thương hiệu Việt, các thương hiệu nổi tiếng thế giới hoặc một số đối tượng mua vật liệu nội thất kém chất lượng sau đó “hô biến” thành các thương hiệu uy tín. Các mặt hàng này có mẫu mã, màu sắc đa dạng, bắt mắt, khó phân biệt, đặc biệt là các mặt hàng thiết bị vệ sinh như bồn tắm, bồn massage, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa, đồ gỗ... Dĩ nhiên, các mặt hàng này có giá rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng chính hãng.
Chị Nguyễn Phương Thanh (Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị đang có ý định xây nhà, tham khảo qua thị trường vật liệu nội thất, nhưng không biết chọn thế nào, vì giống như “lạc vào ma trận”.
“Mỗi một cửa hàng đưa ra mức giá khác nhau với cùng một sản phẩm, của một thương hiệu. Chẳng hạn, với cùng một loại vòi nước của một thương hiệu, khi đi tham khảo tại 2 cơ sở thì tôi nhận được 2 mức giá chênh lệch nhau khá nhiều. Tôi rất lo lắng, nếu tiết kiệm chi phí mua hàng rẻ, chỉ sợ là mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, còn mua hàng đắt hơn lại sợ bị hớ, mà cũng chắc có phải là hàng thật hay không”, chị Thanh băn khoăn.
Lời khuyên cho khách hàng
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty cổ phần Gỗ An Cường cho biết, đây là vấn đề rất khó. Nội thất đại trà rất nhiều, nhưng người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, đơn vị phân phối sản phẩm có uy tín, thương hiệu lớn, có những chứng nhận bảo hành của hãng, hoặc có những chứng nhận khác về sản phẩm.
Để tránh mua phải hàng nội thất kém chất lượng, khách hàng nên chọn các doanh nghiệp uy tín, có tên tuổi
Những thương hiệu lớn rất ngại làm mất lòng “thượng đế”, nên rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm và chăm sóc khách hàng.
“Chẳng hạn, chúng tôi có sản xuất ra một sản phẩm có 450.000 đồng, nhưng cũng có đơn vị sản xuất chỉ có giá 200.000 - 300.000 đồng. Đây có thể không phải hàng nhái, nhưng sẽ có chất lượng kém hơn”, vị này cho biết.
Cũng theo đại diện Công ty Gỗ An Cường, người tiêu dùng bây giờ đã thông minh hơn nhiều, hơn nữa, trong thế giới phẳng hiện nay, khi mua một bất cứ một sản phẩm nào về nội thất, người tiêu dùng có thể tìm hiểu trên google để nhận biết về sản phẩm đó. Điều quan trọng là người tiêu dùng chọn sản phẩm phù hợp với khả năng của mình.
Còn theo ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng nội thất Nhà Xinh, đối với hàng nhập khẩu, người mua phải yêu cầu đơn vị bán hàng cung cấp chứng từ thuế hải quan, các chứng từ CO, CQ. Tuy nhiên, hàng nhập cũng có rất nhiều dòng, giá cả cũng khác nhau, người tiêu dùng phải có kinh nghiệm nhận biết để mua cho phù hợp.
“Trước khi mua, người tiêu dùng nên khảo sát và so sánh vài ba đơn vị để cảm nhận về sản phẩm. Khách hàng có quyền yêu cầu nhà bán hàng cung cấp thông tin xuất xứ đầy đủ của sản phẩm cần mua”, ông Nghĩa khuyên.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nội thất, để hạn chế với nạn hàng giả, hàng nhái, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và uy tín của các đơn vị sản xuất chân chính, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra các showroom, đại lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu nội thất nhằm kiểm tra xuất xứ, chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Với các doanh nghiệp, cần thắt chặt hệ thống quản lý và tiêu thụ sản phẩm. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, cần nhanh chóng gửi đơn khiếu nại để giải quyết triệt để. Các loại tem chống giả, cách nhận biết hàng chính hãng… cần phải được phổ biến rộng rãi để người tiêu dùng có thể tự phân biệt hàng thật - hàng giả.
Với người tiêu dùng, cần nâng cao kiến thức và tinh thần cảnh giác khi mua hàng. Nên mua hàng tại các cơ sở có giấy chứng nhận phân phối chính hãng, có giấy tờ xuất xứ của sản phẩm. Trước khi mua hàng cần nghiên cứu về sản phẩm, tránh mua nhầm hàng kém chất lượng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com