Mua nhà tái định cư rẻ nhưng dễ gánh rủi ro - Ảnh: Lê Toàn

Mua nhà tái định cư rẻ nhưng dễ gánh rủi ro - Ảnh: Lê Toàn

Mua lại nhà tái định cư, lợi thì có lợi...

(ĐTCK) Không chỉ rẻ hơn so với giá thị trường, mà chỉ cần nộp 10% là đã có thể nhận nhà, người mua lại được trả chậm với lãi suất thấp, bằng ấy lý do khiến nhà tái định cư tại TP. HCM luôn hút khách, giao dịch sang nhượng vẫn đều đặn kể cả thời điểm thị trường chung đang đóng băng.

Thế nhưng, với quy định không được chuyển nhượng trong vòng 10 năm, giao dịch mua lại nhà tái định cư chỉ là tờ giấy viết tay ủy quyền của chủ cũ. Và rủi ro của người mua cũng bắt đầu từ đó.

Tiền ít cũng có nhà...

Hầu hết các dự án nhà tái định cư đều áp dụng tiến độ thanh toán chỉ cần đóng tiền đợt đầu đã được nhận nhà (thông thường khoảng 10% giá trị căn hộ). Giá trị căn hộ tái định cư thường thấp hơn khoảng 20-30% so với giá sản phẩm tương tự trên thị trường. Do vậy, nếu phải trả thêm cả khoản chênh lệch so với giá thị trường thì người mua cũng chỉ cần bỏ ra số tiền khoảng 40% giá trị căn hộ tái định cư là đã có nhà ở. Số tiền còn lại được trả chậm với lãi suất thấp. Theo Phòng Tài vụ - Công ty THHH MTV Dịch vụ Công ích quận 11 (TP. HCM) thì lãi suất cho vay với người mua nhà tái định cư dao động trong khoảng 1 - 6%/năm, tùy từng giai đoạn.

Anh Đỗ Minh Châu, đang chuẩn bị mua lại căn hộ Chung cư Lạc Long Quân (quận 11), nêu lý do chọn mua nhà tái định cư: “Lợi thế của việc mua nhà tái định cư là được vay vốn lãi suất thấp, lại không bị áp lực trả tiền hàng tháng như mua nhà thương mại. Nếu mua căn hộ thương mại có giá khoảng 1,2 tỷ đồng, vay khoảng 500 - 600 triệu đồng trong vòng 10 năm với lãi suất 9 - 10%/năm như hiện nay, tính ra, mỗi tháng sẽ phải trả cả gốc và lãi khoảng 8,5 - 10 triệu đồng. Người không có thu nhập khá sẽ khó có khả năng trả nợ, nguy cơ bị siết nhà rất lớn”.

Giá bán thấp, lại được vay lãi suất thấp, nên nhà tái định cư được mua bán trao tay liên tục, bởi nó phù hợp với những người có thu nhập thấp. Chị Trang, chuyên môi giới mua bán nhà tái định cư cho hay: “Loại nhà này mua dễ, bán dễ, lúc nào cũng có khách, nên cả khi thị trường bất động sản đóng băng vẫn cứ giao dịch đều đặn. Ngoài việc lãi suất thấp thì phí quản lý, vệ sinh, gửi xe ở những khu nhà này đều rẻ hơn rất nhiều so với các chung cư thương mại khác”. Đơn cử như tại Chung cư tái định cư Lạc Long Quân (quận 11), phí quản lý và vệ sinh mỗi căn hộ chỉ có 64.000 đồng/tháng, thang máy là 30.000 đồng/người/tháng, gửi xe máy từ 80.000 - 90 .000 đồng/tháng. 

... Nhưng lắm rủi ro

Dù hưởng nhiều cái lợi khi mua nhà tái định cư, song người mua lại cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Điều này cũng xuất phát từ quy định hạn chế chuyển nhượng nhà tái định cư trong vòng 10 năm, nên giao dịch mua bán chỉ là tờ giấy viết tay ủy quyền từ chủ cũ. Đó là chưa kể tới chất lượng xây dựng của những khu nhà tái định cư vẫn còn rất nhiều dấu hỏi.

“Mua nhà tái định cư, đắt rẻ một chút không quan trọng, mà quan trọng hơn là phải tìm hiểu được tại sao người bán lại đẩy nhà đi”, anh Châu chia sẻ.

Giao dịch bán - mua chủ yếu dựa trên niềm tin, nên việc nắm được hoàn cảnh, tính cách của chủ cũ căn hộ quả thật rất quan trọng với người mua lại nhà tái định cư. Không thiếu những tình huống mà người mua lại nhà tái định cư “uất đến tận cổ” với chủ cũ.

Chị Ngọc Dung, chủ một căn hộ tái định cư tại quận 11 cho biết: “Tôi mua lại căn hộ này cách đây 5 năm. Tiền đã trả hết cho chủ nhà, nợ ngân hàng mới đây cũng đã trả xong, nhưng chủ nhà nhất định không ký hợp đồng mua bán với lý do hồi đó bán rẻ và đòi thêm 80 triệu đồng nữa”.

Trường hợp của chị Dung xem ra vẫn còn may mắn so với chị Hòa, người mua căn hộ tái định cư Phan Tây Hồ (quận Phú Nhuận). Chị Hòa mua căn hộ này từ năm 2004 với giá 7,5 triệu đồng/m2, trong khi giá duyệt bán của TP. HCM là 5,6 triệu đồng/m2. Phần chênh lệch đã trả đủ cho chủ nhà, phần nợ ngân hàng chị cũng đều đặn đóng tiền thay. Giao dịch của hai bên chỉ có tờ giấy viết tay với chi chít chữ ký của người được thừa kế, chỉ thiếu mỗi chữ ký của cô con dâu, với lý do “đang trục trặc với chồng và có thể bỏ nhau”. Nghĩ rằng không có gì phức tạp nên chị đồng ý giao tiền. Sau này, cô con dâu nhất định không chịu ký giấy đồng ý chuyển nhượng với hàng tá lý do. Nhùng nhằng mãi, gần đây, chị Dung tuyên bố phải trả thêm 150 triệu đồng thì cô ta mới chịu ký.

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, anh Quang cũng mua nhà tái định cư hồ hởi kể về “chiến dịch” làm sổ hồng căn hộ của mình. Từ ngày mua lại căn hộ, anh không nộp thêm đồng nào, đợi đến khi cả lãi cả gốc thành một khoản to sụ cũng là thời điểm chỉ còn vài tháng nữa là đủ thời gian chuyển nhượng. Chủ nhà cũng rao bán căn hộ anh đã mua, nhưng cứ có khách đến, anh đều chìa ra bằng chứng đã mua căn hộ. Phần vì không ai dám mua căn hộ đang tranh chấp, phần vì “trát” của ngân hàng liên tục đốc nợ, chủ nhà đành phải ký hợp đồng mua bán.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan