Mua bán sự an bình

Mua bán sự an bình

(ĐTCK) Người dư chút tiền thì gom góp ráng mua miếng đất, căn hộ. Người đã có nhà đất, căn hộ rồi thì lại muốn bán đi. Cuộc sống quanh ta quả là phức tạp. Sự an bình phải đi tìm bằng sự mua bán.

1. Dung, cô em chơi cùng tôi cưới chồng đã được 3 năm. Thời gian đầu, cô ở chung với gia đình bên chồng, nhưng sau 1 thời gian muốn được tự do và chủ động hơn nên đi thuê nhà bên ngoài. Vợ chồng Dung có thu nhập ổn định. Dung làm trong 1 cơ quan nhà nước, còn chồng mở công ty riêng, rất giỏi quán xuyến việc làm ăn. Dù còn trong thời gian đầu lập nghiệp, nhưng Dung kể, mỗi tháng gia đình nhỏ của cô cũng tiết kiệm được chừng 40 triệu đồng.

Sau 1 thời gian tích lũy, vợ chồng cô mua căn hộ tại quận 2, trả 30% còn lại 70% thì vay ngân hàng. Sau khi căn hộ được bàn giao, giá chênh lệch của căn hộ chừng 150 triệu đồng, nhưng Dung vẫn rất tiếc không muốn bán. Cô nói, đó là căn nhà đầu tiên của 2 vợ chồng. Giờ tiền làm ra mà không mua nhà, sợ năm sau, năm sau nữa cộng tất cả tiền lãi, tiền gốc cũng mua chẳng nổi chính căn hộ ấy. Phải mua nhà thì mới giữ được tiền. Dù rằng bên gia đình chồng Dung đã sang tên cho chồng cô căn nhà ba mẹ chồng đang ở. Nhưng mua căn nhà bằng mồ hôi nước mắt làm ra, có cái thú riêng.

Vợ chồng Dung cũng suy tính, vị trí quận 2 ở xa gia đình cô hiện nay là quận Phú Nhuận. Vì vậy, việc chuyển về đó ở sau khi đã nhận căn hộ là không khả thi. Dung đang tính sẽ cho thuê căn hộ, để lấy tiền đó trả ngân hàng. Như vậy sẽ không phải lo lắng nhiều nữa.

Suy nghĩ của vợ chồng Dung cũng đại diện cho khá nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay. Họ muốn có (thêm) căn nhà hoặc căn hộ để cho thuê. Như vậy mới an tâm giữ tiền. Bất cứ bà nội trợ nào đi siêu thị hay đi chợ hàng ngày đều thấy giá cả không hề đứng yên. Cứ tới cuối năm thì đều đều nhích lên. Món đồ sinh hoạt nho nhỏ trong gia đình đã vậy, huống chi căn hộ hoặc căn nhà. Bởi vậy, trong bất cứ dự án nào mới mở, nếu quan sát tinh tế, đều bắt gặp khá nhiều gia đình cùng đi coi mua nhà đất, với suy nghĩ “mua để giữ tiền”. Sự an tâm của họ được bỏ vô bất động sản. Và tất nhiên, trong suốt mấy chục năm qua, điều này cũng đã chứng minh quyết định ấy là chính xác.

2. Ở phía ngược lại, cũng có trào lưu bán bớt nhà đất đi để có tiền rủng rỉnh, hưởng thụ cuộc sống. Trong quan niệm khá hiện đại, hàng ngày ăn xài đầy đủ và không lo nghĩ mới chính là liều thuốc tốt nhất để tận hưởng mọi điều vui vẻ. Khi đã ở lứa tuổi “biết đủ là đủ” rồi, thì không cần quá ham làm gì.

Gia đình ông anh tôi quen biết, vợ chồng anh mở đại lý vé số. Mỗi tháng cả nhà anh thu nhập được chừng 30 triệu đồng. Cậu con trai đi làm nhà nước, lương chỉ vài triệu đồng, nhưng cũng tạm để tự nuôi sống bản thân. Anh chị có 1 căn nhà của ba mẹ để lại, mua được 1 căn nhỏ có 40 m2 kế bên để dành cho con trai sau này lấy vợ. Sau thời gian tích lũy, vợ chồng anh có dư thêm khoản tiền nữa, dù đã mua được chiếc xe hơi tàng tàng chạy tránh mưa tránh nắng, nhưng anh nhất quyết không mua thêm nhà nào nữa, chỉ để tiền ra ăn xài và phần nào để tiết kiệm dưỡng già.

Anh luôn có câu nói: “Chẳng tội gì!”. Và anh cũng lo, lúc cần tới tiền mà lại không bán được nhà đất ngay, thì đâu có giải quyết được các vấn đề cấp bách trong cuộc sống. Chính vì vậy, so với nhiều anh em, bạn bè khác, cho dù gia đình anh không quá giàu có, nhưng lại thường xuyên tổ chức ăn nhậu, đi chơi vui vẻ. Không cần phải lo trả nợ ngân hàng, không cần phải lo quản lý tài sản. “Cứ tà tà mà sống”, cặp vợ chồng này khẳng định.

Dù muốn mua nhà hoặc không muốn mua nhà, thì cũng phải nhìn nhận rằng, việc an sinh xã hội tại Việt Nam chưa tốt, khiến người dân luôn lo lắng cho tương lai. Đồng lương hưu trung bình chỉ vài triệu đồng không đủ chi trả 1 cuộc sống ở mức trung bình. Bởi vậy, đi tìm sự bình an, theo cách nào phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Miễn sao, họ cảm thấy thoải mái nhất, là ổn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan