Tạo dựng môi trường sống thân thiện, hiện đại tại khu chung cư sẽ làm gia tăng giá trị cho chủ đầu tư

Tạo dựng môi trường sống thân thiện, hiện đại tại khu chung cư sẽ làm gia tăng giá trị cho chủ đầu tư

Mốt chạy đua xây dựng “phần mềm” trong khu đô thị

(ĐTCK) Cùng với việc xây dựng nhiều tiện ích, cảnh quan, tạo không gian sống chuẩn mực, nhiều chủ đầu tư còn lấy lòng cư dân, khách hàng bằng việc xây dựng những “phần mềm", là những nét văn hóa cộng đồng dân cư trong khu đô thị.

Mua chung cư, mua cả văn hóa ở

Những bức thiết trong việc xây dựng được văn hóa trong cộng đồng dân cư tại các chung cư cao tầng, khu đô thị phức hợp mới không phải đến bây giờ mới được nhắc tới, mà đã được đề cập từ nhiều năm trước.

Do đa phần người dân sống trong các khu chung cư là người tứ xứ, có trình độ văn hóa, nghề nghiệp và thu nhập khác nhau,  họ mang theo nhiều phong tục, thói quen khác nhau vào cuộc sống chung cư hiện đại. Do đó, dung hòa được những khác biệt đó không phải là dễ.

GS. Đặng Hùng Võ thừa nhận, cách sống tại các khu đô thị hiện nay vẫn mang dáng dấp nông thôn, chưa mang được dáng vẻ hiện dại.

Nhiều chủ đầu tư thường chỉ chú tâm xây dựng dự án, gia tăng tiện ích để thu hút người mua, sau khi bán xong và người dân vào ở coi như hết trách nhiệm. Một số chủ đầu tư đàng hoàng hơn thì sau khi cư dân bầu được ban quản trị, bàn giao lại quỹ bảo trì và quyền quản lý tòa nhà cho cư dân, cũng coi như xong nhiệm vụ và triển khai dự án khác.

Do đó, tại nhiều khu chung cư hiện nay, dù cao cấp hay bình dân, câu chuyện phiền toái, bất đồng giữa các cư dân trong khu đô thị do cách sống, cách sinh hoạt khác nhau vẫn thường diễn ra.

Chẳng hạn, đang đi thể dục dưới sân nhà bổng dính đòn “vật thể lạ” từ trên trời rơi xuống. Đó có thể là lon bia, bỉm tã, vỏ sữa, thậm chí tàn thuốc… Hoặc đi làm về muốn nghỉ ngơi, thì gặp phải tiếng trẻ con nô đùa ngoài hành lang, hay tiếng nhạc xập xình quá to của nhà hàng xóm…

Số liệu thống kê từ Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho thấy, tính riêng trên địa bàn Thủ đô đến cuối năm 2017, đã có 663 tòa nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng. Còn tại TP.HCM, thống kê cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ phát triển nhà ở, chung cư tại Thành phố đã tăng gấp 2 lần so với thời điểm năm 2009.

Với số dân khoảng từ 1.600 - 2.000 người/tòa, mỗi khu chung cư hiện nay như một ngôi làng thu nhỏ, nhưng lại có cơ cấu dân số phong phú hơn rất nhiều từ quê quán, xuất thân, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thị hiếu... Vì vậy, việc đưa ra quy tắc ứng xử ở chung cư trở thành mối quan tâm thiết yếu.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trong hàng loạt vụ tranh chấp chung cư trong 2 năm qua, ngoài các vấn đề như diện tích chung riêng, quỹ bảo trì, sai thiết kế, PCCC…, không ít vụ tranh chấp xuất phát từ việc cư dân bức xúc do chủ đầu tư bàn giao nhà xong thì không có trách nhiệm gì, như không định hướng và xây dựng được nếp sống văn hóa văn minh tại cộng đồng các khu dân cư.

Dạo qua các nhóm (group), fanpage của cư dân nhiều dự án mới đưa vào sử dụng trong một vài năm trở lại đây như Helios 75 Tam Trinh, 310 Minh Khai, Five Star Garden Kim Giang, Keangnam, Mipec Riverside, Sky City Tower, Sông Hồng Parkview, 229 Tây Sơn… tại Hà Nội, hay Phú Hoàng Anh, Docklands, Quang Thái Ruby Land, Phú Thành, Nguyễn Quyền, Bình Minh, Hoàng Kim… tại TP.HCM, có nhiều ý kiến cư dân phản ánh về cách làm của đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà.

Theo đó, thay vì là người dẫn dắt và định hướng một cách sống văn minh hòa hợp, cầu nối trung gian giải quyết tranh chấp giữa các cư dân, ban quản lý lại là ngòi nổ cho những tranh cãi trong khu chung cư do cách hành xử thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa.

Xây dựng cảm xúc cho những tòa nhà vô tri

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, nhà phát triển Dự án Dragon City tại quận 7 và Dragon Village tại quận 9 (TP.HCM) cho biết, nếu có một chỉ số đơn lẻ để xác định không gian sống, chuẩn mực sống của một khu đô thị, thì đó chính là khả năng dân cư có thể và ưa thích việc tiếp cận, đồng thời trải nghiệm được các dịch vụ sống cơ bản một cách tốt nhất.

Ở đó, ngoài một căn hộ, căn biệt thự với view thoáng đãng, bao quát không gian thanh bình, dòng sông xanh mát rượi, thì còn là nơi cư dân cảm thấy thoải mái khi dạo quanh công viên với những người hàng xóm thân thiện, hay những buổi sinh hoạt công đồng chung, gắn kết sự hiểu biết, gắn bộ giữa các cư dân với nhau để cùng tạo nên một môi trường sống văn minh, hiện đại.

"Những điều đó tưởng chừng vô cùng giản dị, nhưng để làm được không phải dễ dàng, đặc biệt với những quần thể đô thị", ông Cường nhấn mạnh và cho biết, cư dân các khu đô thị, chung cư tự giam mình trong những "bao diêm" kín mít, thiếu sự giao lưu và kết nối giữa con người với con người.

Do đó, việc xây dựng "phần mềm" cho các khu chung cư, không đơn thuần chỉ là xây dựng một nếp sống mới. Bởi chảy trong huyết quản mỗi người Việt đã là ý thức văn hoá cộng đồng rất sâu sắc và phong phú, nhưng chính lối thiết kế những toà chung cư, khu đô thị lệch chuẩn đã "bẻ gãy" tính cách và giá trị tốt đẹp của con người.

Do đó, các thiết kế không thể đặt dưới tư duy theo chuẩn này, chuẩn kia, mà phải theo chuẩn của con người, chuẩn của người thụ hưởng, chuẩn của văn hóa đô thị mới, lấy mối liên kết giữa con người với thiên nhiên làm chủ đạo, từ đó hình thành lên một không gian sống hoàn thiện nhìn từ bên ngoài lẫn bên trong, giữa con người với thiên nhiên và cả giữa con người với con người.

 Xây dựng nếp sống văn minh trong khu đô thị bắt đầu được nhiều chủ đầu tư chú trọng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch HĐQT Hải Phát Land cho rằng, đến bây giờ, mặc dù có rất nhiều khu đô thị xuất hiện, các tòa chung cư được dựng lên, nhưng nền kinh tế vẫn đang ở mức độ chưa cao, nhu cầu của các doanh nghiệp bất động sản cũng như của người dân chưa thực sự cao nên tầm hiểu biết chung về thiết kế cảnh quan còn hạn chế.

Song không thể phủ nhận, so với thời điểm trước đây, hiện nay, nhận thức về cảnh quan xung quanh đã dần được thay đổi trong suy nghĩ của các nhà đầu tư và người dân. Đây là điều cần có để thị trường bất động sản có thể bước sang một giai đoạn mới bền vững hơn, đồng thời góp phần thay đổi hiện trạng không gian sống đô thị nói chung.

Theo ông Huy dự đoán, trong tương lai gần sắp tới đây, cuộc chạy đua "phần mềm" trong các chung cư, khu đô thị sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, bởi chủ đầu tư hiểu rằng, chỉ có tạo dựng được một cộng đồng dân cư thực sự, mới thu hút được người dân gắn bó với dự án, qua đó tạo được hình ảnh, thương hiệu cho chủ đầu tư. Trong bối cảnh nguồn cung thị trường lớn như hiện nay, tạo dựng được “phần mềm” như thế sẽ nâng cao sức cạnh tranh, uy tín của chủ đầu tư.

"Mô hình phát triển hệ sinh thái mà Hải Phát Land đang hướng tới cũng chính là việc nhằm tăng giá trị lợi ích cho khách hàng, hướng tới cung cấp những sản phẩm tốt nhất, không chỉ là về thiết kế, chất lượng thi công, mà ở đó họ cũng được hưởng thụ cuộc sống một cách tốt nhất", ông Huy nhấn mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Tin bài liên quan