Các doanh nghiệp phân phối ngoại đang được nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản cao cấp “chọn mặt, gửi vàng”

Các doanh nghiệp phân phối ngoại đang được nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản cao cấp “chọn mặt, gửi vàng”

Môi giới ngoại “đón sóng” chính sách

(ĐTCK) Thị trường địa ốc khởi sắc, cộng với Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực từ 1/7, trong đó mở rộng cửa cho người nước ngoài được mua và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam hứa hẹn sẽ thu hút một lượng lớn khách ngoại quan tâm. Để đón làn sóng này, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chân hợp tác với các công ty môi giới nước ngoài.

Đón đầu cơ hội

Theo báo cáo của CBRE, quý II/2015, thị trường bất động sản Hà Nội có tổng cộng 5.137 căn hộ được mở bán mới từ 19 dự án, trong đó căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ 1/3, tại TP. HCM cũng có tới 5.800 căn hộ thuộc phân khúc cao cấp được tiêu thụ.

Một số chuyên gia nhận định, diễn biến này xuất phát từ việc người mua nhà dần lấy lại niềm tin với thị trường, cùng với đó, việc các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, USD bấp bênh, nên nhà đầu tư chuyển hướng sang bất động sản, nhất là phân khúc cao cấp. Một lý do khác giúp phân khúc bất động sản cao cấp sôi động trở lại là Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu mua nhà của Việt kiều và người nước ngoài. Đây là những đối tượng khách hàng ưa thích của phân khúc bất động sản cao cấp.

Nắm bắt xu hướng này, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chân hợp tác với các nhà phân phối ngoại như CBRE, Savills… để mở bán và tiếp thị dự án, chủ yếu ở các phân khúc căn hộ cao cấp, văn phòng và biệt thự nghỉ dưỡng.

Cụ thể, ngày 23/8 vừa qua, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) đã mở bán Dự án Jamona Home Resort (Thủ Đức, TP. HCM). Theo thông tin từ chủ đầu tư, buổi lễ mở bán thu hút gần 500 khách hàng tham dự, với 216 nền đất biệt thự nghỉ dưỡng được giao dịch, trong đó có 10% số sản phẩm đã tìm được chủ nhân là người nước ngoài, Việt kiều. Tại lễ mở bán, Sacomreal cũng ký kết hợp tác chiến lược với CBRE Việt Nam. Theo đó, CBRE sẽ là đơn vị độc quyền phân phối và tiếp thị dự án tới khách hàng Việt kiều và người nước ngoài.

Cách đó không lâu, ngày 14/8, CBRE Việt Nam cũng đã trở thành đơn vị quản lý chuỗi khu dân cư Mega và khu biệt thự cao cấp Lucasta do Khang Điền làm chủ đầu tư.

Trong khi đó, Savills mới đây cũng nhận được nhiều hợp đồng phân phối và tiếp thị dự án. Đơn cử, ngày 5/6, Savills đã hợp tác cùng CTCP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô để giới thiệu chuỗi biệt thự ven biển Naman Residence tại Đà Nẵng. Dự án được khởi công từ tháng 10/2014, gồm 34 căn biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp với diện tích lên đến 935 m2.

Trước đó, vào ngày 20/1, Savills cũng đã trở thành đơn vị phân phối khu biệt thự Vinhomes Riverside (Long Biên, Hà Nội) của Tập đoàn Vingroup. Cụ thể, Savills sẽ là đại lý phân phối độc quyền các khu biệt thự Hoa Sữa 07, 08,09 và Hoa Phượng 07, 08 thuộc Dự án Vinhomes Riverside.

Ngoài ra, một loạt dự án khác cũng lần lượt được phân phối và quản lý bởi các công ty môi giới nước ngoài, như biệt thự nghỉ dưỡng Premier Village Đà Nẵng Resort của Tập đoàn Sun Group được quản lý bởi Accor Hotels, tòa nhà văn phòng cao cấp TNR Tower Nguyễn Chí Thanh được phân phối và tiếp thị độc quyền bởi CBRE, Tập đoàn Kiến Á, đơn vị phát triển Dự án Galleria Nam Sài Gòn cũng vừa chọn Savills làm đại lý phân phối dự án độc quyền tại Hà Nội vào tháng 7 vừa qua…

Như vậy, từ đầu năm đến nay, đã có khá nhiều dự án thuộc phân khúc cao cấp được chủ đầu tư “gửi gắm” vào tay các công ty môi giới ngoại, bởi các công ty này hiểu rõ tâm lý của khách hàng nước ngoài, những đối tượng mà chủ đầu tư các phân khúc cao cấp muốn nhắm đến sau ngày 1/7/2015. 

Cuộc chiến nội - ngoại

Vào giai đoạn thị trường địa ốc sôi động 2006 -2008, các công ty môi giới nước ngoài tại Việt Nam gần như “làm mưa, làm gió” trên thị trường phân phối, quản lý dự án do tâm lý sính ngoại của các chủ đầu tư, trong khi các doanh nghiệp môi giới trong nước chưa đủ mạnh, hoạt động manh mún và thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đến giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn, hoạt động của môi giới ngoại bị thu hẹp đáng kể. Những công ty như Aldy Vina, Setia hay Coldwell Banker đều dần rút khỏi thị trường, còn các tên tuổi như CBRE, Savills cũng lui về kinh doanh chủ yếu mảng dịch vụ thương mại, quản lý, tư vấn…

Trong khi đó, các công ty môi giới nội với lợi thế am hiểu thị trường và tiếp cận khách hàng linh hoạt đã dần chiếm lĩnh thị phần phân phối. Hoạt động của các nhà môi giới nội cũng trở nên chuyên nghiệp hơn, không hoạt động đơn lẻ, chụp giật như trước, mà đã hình thành lên các khối liên minh, chuỗi hệ thống như Liên minh sàn bất động sản G5, R9, Hệ thống siêu thị dự án STDA… Chỉ riêng G5 và STDA đã thực hiện được gần 8.000 giao dịch trong năm 2014.

Tuy nhiên, sau thời gian dài hoạt động, các công ty môi giới ngoại cũng đã dần nắm bắt được tâm lý, đặc điểm của thị trường và có những chuyển biến linh hoạt trong hoạt động kinh doanh. Cùng với sự sôi động trở lại của thị trường bất động sản, cạnh tranh của các nhà môi giới cả nội và ngoại cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng xem ra, với kinh nghiệm, tiềm lực của mình, các nhà phân phối ngoại vẫn có phần chiếm ưu thế.

Theo nhận định của tổng giám đốc 1 sàn giao dịch lớn tại miền Bắc, những mảng kinh doanh có lợi nhuận cao như quản lý, cho thuê văn phòng, chung cư cao cấp, khách sạn… hiện đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại.

Dễ nhận thấy, tại 2 thị trường lớn Hà Nội và TP. HCM, từ các dự án cao cấp như Khu đô thị Ecopark, SunCity, The Vista, đến những khách sạn lớn như Marriott, Metropole, Hilton…, hay nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp khác, đều được quản lý bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Mức phí quản lý của những dự án này khá cao, dao động từ 10.000 - 17.000 đồng/m2. Trong khi đó, doanh nghiệp môi giới nội hầu hết đang thực hiện chức năng bán hàng, công việc không đòi hỏi trình độ chuyên môn quá cao và lợi nhuận cũng không lớn bằng.

Phân khúc mặt bằng bán lẻ dù chưa thực sự đôi động, nhưng với sự phục hồi của kinh tế, cũng như Việt Nam đã và sẽ ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…, nhiều nhà bán lẻ dự kiến sẽ nhảy vào thị trường Việt Nam, giúp phân khúc này sôi động trở lại. Hiện đây vẫn là phân khúc gần như là độc quyền hoạt động của các đơn vị ngoại.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã chọn CBRE làm đơn vị tư vấn và tiếp thị cho Vincom Landmark81, thuộc Khu đô thị Vinhomes Central Park, TP. HCM. Theo đó, CBRE sẽ nghiên cứu thị trường, nhu cầu phát triển của các nhà bán lẻ Việt Nam và người tiêu dùng, kết hợp với tiếp thị và cho thuê diện tích thương mại tại dự án này.

Tương tự là ở phân khúc văn phòng cho thuê, dù đang gặp khó khăn, nhưng tương lai được dự báo sẽ tích cực, hiện cũng gần như là sân chơi riêng của các doanh nghiệp phân phối ngoại.

Theo nhận định của một chuyên gia, thị trường bất động sản hồi phục, cộng với làn sóng người mua nhà của người nước ngoài đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp môi giới cả nội lẫn ngoại. Để đón đầu cơ hội này, các công ty trong nước ngoài sự am hiểu tâm lý khách hàng, cần nâng cao trình độ, hướng đến những thị phần tiềm năng như tư vấn, quản lý…

Bởi vì, các công ty nước ngoài cũng đã dần thích nghi và có chuyển hướng kinh doanh linh hoạt. Đơn cử, Savills sau thời gian dài “quen lối” ở phân khúc cao cấp cũng mở rộng sang thị phần nhà ở giá rẻ bằng việc hợp tác chiến lược với sàn Danh Khôi để đồng phân phối độc quyền khu căn hộ Dream Homes (quận Gò Vấp, TP. HCM) và xu hướng này được dự báo sẽ xuất hiện tại nhiều dự án khác trong thời gian tới.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan