Minh bạch… một nửa!

Minh bạch… một nửa!

(ĐTCK) Trò chuyện với người viết tại lễ mở bán diễn ra cuối tuần qua, khi được đề nghị đánh giá về việc TP. HCM công bố 77 dự án thế chấp ngân hàng mới đây, chủ đầu tư một dự án tại Hà Nội cười bảo rằng ông không phản đối động thái đó và Hà Nội cũng nên làm, nhưng cần làm rõ ràng, đầy đủ hơn. 

Bởi nếu công bố “khơi khơi” như vậy thì chỉ là… minh bạch một nửa.

Tại sao nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm hướng thị trường tới sự minh bạch lại bị phản ứng như vậy, kể cả từ những người ngoài cuộc? Còn nhiều chủ đầu tư bất động sản có tên trong “bản danh sách” thì bức xúc cho rằng, cách công bố không rõ ràng, “cá mè một lứa” đã tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng, gây tổn thất cho các doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính.

Lần giở lại tiến trình câu chuyện này, có lẽ “giọt nước tràn ly” khiến TP. HCM phải đi đến động thái trên là vụ việc tại dự án Harmona. Còn nhớ, hồi cuối tháng 5/2016, 600 hộ dân tại Chung cư Harmona choáng váng khi ngân hàng đòi “siết” căn hộ để xử lý khoản nợ quá hạn của chủ đầu tư Tamexim, trong đó có 41 căn hộ bị chủ đầu tư thế chấp đến hai lần. Vụ việc từng được cho là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản TP. HCM kém sôi động.

Tuy nhiên, nỗ lực làm “lộ sáng” những điểm tù mù đó vô hình trung lại có nguy cơ đẩy người mua nhà đến một ma trận thông tin khác.

Vị chủ đầu tư mà người viết có dịp trao đổi ở trên nói rằng, trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, nếu không tranh thủ hợp lý nguồn vốn ngân hàng thì… rất kém. Với đầu tư bất động sản, hầu hết các dự án đều vay vốn ngân hàng và đó là điều bình thường. Thực tế, qua thống kê của Bộ Xây dựng, hiện có hơn 70% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản là vốn vay ngân hàng. Mặc dù vậy, không hiểu vì sao thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn TP. HCM lại cho ra con số 77 dự án thế chấp ngân hàng trên gần 600 dự án đang triển khai.

Luật sư Trương Thanh Đức - thành viên của Công ty Luật Basico cho rằng, con số 70% nói trên cho thấy gần như 100% dự án sẽ thế chấp ngân hàng, bởi phần còn lại chỉ là phần vốn tự có.

Vì vậy, sự nghi ngờ của thị trường về tính xác thực của con số trên là có lý do. Chưa kể đến việc tất cả 77 chủ đầu tư có tên đều bị “đánh đồng” trong một bản danh sách mà không hề có sự phân biệt về tình trạng thế chấp, tiến độ dự án…khiến khách hàng càng thêm hoang mang. Như lời ông Lê Hùng Mạnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Gia Hòa cho biết: “Thông tin dự án khu căn hộ The Art của Công ty hiện đang thế chấp tại VietBank Chi nhánh TP. HCM là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Bởi Công ty chỉ sử dụng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp tại ngân hàng với mục đích duy nhất là nhằm bảo đảm nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh của chủ đầu tư theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong việc bán nhà hình thành trong tương lai.

“Chính thông tin đúng nhưng chưa đủ, nên sau khi dự án của Công ty có trong danh sách đang thế chấp tại ngân hàng, nhiều khách hàng gọi điện chất vấn”, vị chủ đầu tư này nói.

Bản thân Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. HCM có lẽ cũng cảm nhận sự chưa thấu đáo trong động thái của mình nên cuối tuần qua đã tổ chức cuộc họp báo với duy nhất mục đích “nói lại cho rõ”. Và như chia sẻ của ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai thuộc sở này, đây là lần đầu tiên công bố nên không tránh khỏi có những thắc mắc, Sở sẽ lắng nghe ý kiến từ thị trường để có những điều chỉnh trong những lần công bố sau.

Ông Liên trần tình rằng, chủ đầu tư nào cũng đều vay vốn ngân hàng cả, chỉ có điều mục đích khác nhau, nếu công bố chi tiết thì khách hàng sẽ hiểu bản chất tình trạng từng dự án. “Nhưng chi tiết trong hợp đồng thế chấp là vấn đề bảo mật của nhiều chủ đầu tư, nên việc công khai là rất khó”, vị này nói.

Như vậy, câu chuyện “minh bạch một nửa” cuối cùng cũng đã có lời giải thích từ cơ quan công bố. Tuy nhiên, nỗ lực minh bạch hóa của TP. HCM thì lại đáng ghi nhận. Bởi trong một thị trường bất động sản mà chỉ số minh bạch năm 2016 theo thống kê của JLL và LaSalle Investment Management, chỉ xếp thứ 68 trong số 109 quốc gia được xếp hạng và thuộc nhóm minh bạch thấp thì người mua nhà đối diện rất nhiều rủi ro.

Ngay bản thân người dân, các khách hàng mua nhà cũng cần coi những thông tin được công bố như “bản danh sách 77” là chuyện bình thường, là “quyền được biết” của mình. Chỉ có minh bạch hơn thì những “con vịt trời” cỡ Harmona mới không còn đất để tung hoành...

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan