Máu quá liều!

Máu quá liều!

(ĐTCK) Của người trả người, chính xác là tình cảnh mà cô Lương đang phải chấp nhận. Nhà đất chỉ là kênh đầu tư an toàn cho những người sử dụng đồng tiền hợp lý và không đi vay nợ quá nhiều.

1. Ngày cuối tuần, tôi đi cùng cô bạn để tới coi căn nhà trọ hơn 30 phòng tại phía Tây của Sài Gòn. Bạn tôi mua trong tình cảnh kiểu như lấy nhà trừ nợ.

Cách nay 2 năm, vợ chồng cô Lương, 1 người quen đã dùng vài tiểu xảo để nợ lại bạn tôi vài trăm triệu đồng trong công việc làm ăn. Thời điểm ấy, Lương đang xây căn nhà trọ này, với tổng vốn đầu tư cả đất và nhà lên tới gần 4 tỷ đồng.

Được thời gian sau, rất nhiều người tới kiếm cô Lương để đòi nợ. Để yên thân, cô này nghỉ làm, về nhà sinh thêm đứa con nữa và quanh quẩn quản lý nhà trọ.

Toàn bộ dãy nhà trọ sau đó đã được thế chấp ngân hàng với hạn mức mỗi năm mỗi tăng. Tiền cho thuê nhà trọ thu được về không đủ để trả ngân hàng. Tiền lương của ông chồng trong cơ quan nhà nước chỉ đảm bảo mỗi ngày 3 bữa ăn với sự tiết kiệm tối đa. Lại thêm áp lực đòi nợ của chị bạn tôi rất ráo riết, khiến cặp vợ chồng này chỉ còn 1 con đường bán căn nhà để trừ các khoản nợ.

Dự tính, sau khi sang nhà rồi, thì số nợ mà vợ chồng cô này vẫn còn với những người khác, cũng lên tới hơn 1 tỷ đồng nữa. Vợ chồng Lương nói họ còn có 1 miếng đất lớn đang cho thuê nhà xưởng, đứng tên ông bố, mỗi tháng thu về 45 triệu đồng. Tuy nhiên, khoản tiền vay ngân hàng cũng khá lớn nên để trả được cả vốn lẫn lãi cũng là sự khó nhọc.

Túm lại, cả gia đình cô Lương vay đầu này, mượn đầu kia để mua đất đai, nhà xưởng. Chỗ nào vay của người quen được (bằng các cách lừa dối nào đó), không phải trả lãi, và cũng có ý định rằng.. khi nào có tiền mới trả. Còn ở ngân hàng, vì chẳng thể lần lữa được, thì cứ lấy thức ăn mèo để nuôi heo. Bởi vậy mà suốt hơn chục năm sống tại Sài Gòn, cặp vợ chồng này không dám nghe số điện thoại lạ. Riêng cô Lương thì đổi số liên tục. Miệng luôn nói tới tiền tỷ, nhà đất chỗ này chỗ khác, nổ rầm trời.

Sau khi phải bán lại căn nhà trừ nợ, vợ chồng cô này vẫn còn nợ lại chừng 30 triệu đồng tiền thuế má sang tên. Đúng là tiền của người thì phải trả cho người, mà sống không có ngày nào yên lành, vui vẻ.

2. Vào khoảng thời gian những năm 2007-2008, vào đợt sốt nhà đất rất nhanh tại Sài Gòn, có khi vừa mua căn hộ tuần trước, tuần sau đã sang tay bán lấy lời được 50 triệu đồng. Thậm chí chỉ cần đặt cọc 10 triệu đồng, ít ngày sau gặp khách cũng đã kiếm được vài chục triệu tiền chênh lệch. Vì cơn sốt này, mà nhiều người cũng nóng lạnh theo.

Thời điểm đó, có người bạn tôi nằng nặc qua nhà mượn tiền để đi lướt sóng các căn hộ tại quận 4. Đúng là nếu mà nhanh nhạy, thì mọi việc rất ổn. Nhưng ai mà biết được đến thời điểm nào sóng hết tung bọt trắng xóa phấn khích?

Nếu bạn đầu tư bằng tiền của chính mình, hoặc vay ngân hàng với các lộ trình kế hoạch trả nợ trong tầm tay, thì việc đầu tư nhà đất rất tốt. Giá tăng theo thời gian là điều không thể chối cãi. Còn nếu chưa bán được, có thể cho thuê, hoặc cứ giữ đó như của để dành.

Chắc chắn qua thời lạnh thì lại tới thời nóng thôi, chu trình kinh doanh của bất động sản là vậy. Tuy nhiên, vay tiền để lướt sóng là việc hết sức thận trọng. Chưa kể, vay tiền bạn bè đi kinh doanh thì việc mất tiền, mất bạn là điều nhìn thấy trước mắt.

Ai cũng có quyền mơ về sự thành đạt và giàu có. Chỉ có điều, mang tiền về nhà mình bằng cách nào để khẳng định được sự tử tế và cách tính toán hợp lý của người kinh doanh giỏi, ấy mới là sự đáng nể trọng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan