Các thương vụ M&A đưa lại cho các nhà máy xi măng diện mạo mới, tích cực hơn

Các thương vụ M&A đưa lại cho các nhà máy xi măng diện mạo mới, tích cực hơn

M&A vật liệu xây dựng: Muôn nẻo cuộc chơi

(ĐTCK) Không chỉ các đại gia “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” nước ngoài, mà các doanh nghiệp trong nước cũng rất bạo chi cho các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành vật liệu xây dựng.

Đầu năm 2013, ngành vật liệu xây dựng trong nước xôn xao về thương vụ Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan chi 5.000 tỷ đồng để mua lại 85% cổ phần của Prime - nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất Việt Nam. Prime có năng lực sản xuất 75 triệu m2 gạch gốm mỗi năm với 6 nhà máy, chiếm 20% thị phần tại Việt Nam.

Đây là thương vụ được cho là có lợi cho cả 2 bên. Với mức giá 5.000 tỷ đồng cho 85% cổ phần được xem là được giá đối với các ông chủ cũ của Prime, bởi thị trường gạch ốp lát trầm lắng từ 2012 và kéo dài tới 2014. Trong khi đó, việc mua lại nhà sản xuất gạch lớn nhất Việt Nam, cùng với việc thâu tóm nhà máy gạch gốm của Keramika Indonesia Associasi (Indonesia) vào năm 2011 và tăng cổ phần trong Mariwasa-Siam Ceramics (Philippines) vào năm 2012, giúp SCG đạt được mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của Tập đoàn tại Đông Nam Á.

Sau khi mua lại Prime, SCG cũng xem xét đến khả năng mua lại các nhà máy sản xuất xi măng tại Việt Nam, nhưng xem ra, SCG chưa đủ “mạnh” để tham gia M&A trong ngành xi măng Việt Nam, dù tập đoàn này cũng là một thương hiệu xi măng đình đám tại Thái Lan.

Năm 2013, thương vụ M&A xi măng đình đám đầu tiên đã thuộc về Tập đoàn Semen Gresik (Indeonesia) khi mua lại 70% cổ phần Xi măng Thăng Long của Geleximco với giá 230 triệu USD. Về với chủ mới, ngoài việc cải thiện tài chính (tại thời điểm bán lại, Xi măng Thăng Long lỗ 127 tỷ đồng), Xi măng Thăng Long cũng có được thị trường cho sản phẩm của mình.

Đây cũng được xem là thương vụ mà cả 2 bên đều hài lòng. Với Semen Gresik, Xi măng Thăng Long không lỗ lớn như Cẩm Phả (lỗ 1.200 tỷ đồng), Hạ Long (lỗ 1.250 tỷ đồng), trong khi công nghệ của nhà máy này được thiết kế bởi Polysius (CHLB Đức), 1 trong 3 hãng có công nghệ xi măng hiện đại nhất thế giới.

Hơn 1 năm sau khi mua lại Xi măng Thăng Long, Semen Gresik tiết lộ kế hoạch khởi công 2 dây chuyền nữa, nâng tổng công suất thiết kế từ 2,3 triệu tấn/năm lên 6,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nhiều khả năng kế hoạch này sẽ khó thực hiện khi tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị tạm dừng quy mô mở rộng với 2 nhà máy xi măng là Thăng Long và Hạ Long...

Cũng năm 2013, thị trường tiếp tục chứng kiến thêm thương vụ M&A đình đám trong ngành xi măng khi Viettel “ôm” Xi măng Cẩm Phả. Về với Viettel, Xi măng Cẩm Phả được cơ cấu lại tại tài chính và có bước đi đúng hướng, giúp sản lượng tiêu thụ trong nước tăng lên từ mức 1,19 triệu tấn năm 2012, lên 1,8 triệu tấn trong năm 2015. Bên cạnh đó, Công ty còn cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới như xi măng chịu mặn, xi măng bền Sunfat, xi măng PC50 theo tiêu chuẩn 52N của châu Âu...

Một đại gia trong nước khác cũng nổi tiếng với việc “bạo chi” trong việc thâu tóm các nhà máy xi măng là The Vissai. Cuối năm 2014, thị trường bất ngờ khi tập đoàn này công bố mua lại Dự án Xi măng Đô Lương. Sau M&A, dự án đã được “lột xác” hoàn toàn, khi được chủ mới nâng công suất thiết kế từ 910.000 tấn/năm lên 7,2 triệu tấn/năm hiện nay. Trong đó, dây chuyền 1 công suất 4 triệu tấn/năm đang được đẩy nhanh thi công để có sản phẩm ra lò cuối năm nay. Hiện The Vissai cũng đã có được nhà tài trợ tài chính để thực hiện giai đoạn 2 của dự án này. Ngoài ra, The Vissai cũng đầu tư thêm dự án cảng tại Nghi Thiết (Nghi Lộc - Nghệ An) để có khả năng đón tàu tải trọng 55.000 tấn, mở đường cho việc xuất khẩu xi măng.

M&A trong ngành xi măng tiếp tục sôi động khi nguồn tin riêng của Đầu tư Bất động sản cho biết, trong tháng 4/2016, mọi thủ tục liên quan đến việc chuyển giao Xi măng Sông Thao và Hạ Long về với VICEM sẽ hoàn tất.

Tại phía Nam, dù không đình đám với các thương vụ M&A khủng, nhưng thị trường vẫn xuất hiện các thương vụ M&A trong ngành xi măng. Cụ thể, năm 2006, Xi măng FICO đã mua lại Nhà máy Xi măng Phương Nam. Tiếp đó, năm 2010, FICO tiếp tục mua 71% của Xi măng DIC - Bình Dương và đổi tên thành Xi măng FICO Bình Dương.

Không chỉ các nhà sản xuất trong nước, năm 2015, Holcim và Lafarge tại Việt Nam cũng về chung một nhà khi 2 tập đoàn mẹ sáp nhập và đổi thành LafargeHolcim.

Những diễn biến trên cho thấy, lợi thế M&A trong ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng chưa hẳn đã thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan